Vụ hủy hoại rừng để thi công đường dây thủy điện Tr''hy:

Chủ quan, nóng vội hay xem thường pháp luật?

Thứ bảy, 02/03/2024 09:01
Liên quan đến việc san ủi, chặt hạ cây rừng tự nhiên để thực hiện dự án đường dây 110kV của thủy điện Tr''Hy, hiện Hạt Kiểm lâm huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã khởi tố vụ án “Hủy hoại rừng”, chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an huyện để tiếp tục xác minh, xử lý. Điều đáng nói, ngoài diện tích rừng bị hủy hoại ở Tây Giang thì tại huyện Đông Giang cũng rơi vào tình trạng tương tự khi hàng loạt cây rừng tự nhiên bị triệt hạ để thi công dự án.
Các đối tượng đưa xe cơ giới vào rừng trái phép để thi công đường dây điện và một cây gỗ bị cưa hạ để thi công đường dây thủy điện Tr'Hy.
Khu vực Nhà máy thủy điện Tr'Hy.

Thủ tướng chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, đường dây 110kV đấu nối vào điện lưới Quốc gia (giai đoạn 2) của thủy điện Tr'Hy đi qua địa bàn các huyện Đông Giang và huyện Tây Giang với chiều dài 29,935 km, do Công ty Cổ phần tài chính và phát triển Năng lượng làm chủ đầu tư. Dự án ảnh hưởng đến 2.160m2 rừng tự nhiên (huyện Tây Giang 1.960m2, huyện Đông Giang 200m2). Với diện tích rừng tự nhiên bị ảnh hưởng là 2.160m2 thuộc thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Theo quy định, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và trình Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác. Riêng khu vực hành lang dưới tuyến đường dây điện, chủ đầu tư cam kết không lập thủ tục thu hồi và không chuyển mục đích sử dụng rừng đối với phần diện tích rừng dưới tuyến đường dây điện. Thế nhưng khi triển khai dự án, đơn vị thi công đã xâm hại vào rừng tự nhiên.

“Công trình Đường dây 110kv đấu nối vào điện lưới Quốc gia (giai đoạn 2) của thủy điện Tr'Hy tuy chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của cấp thẩm quyền, nhưng chủ đầu tư đã tự ý thi công san ủi các móng trụ, mở đường và chặt hạ cây rừng dưới hành lang tuyến làm thiệt hại diện tích hơn 2,2ha rừng tự nhiên”- Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thông tin.

Cụ thể, kết quả điều tra, xác minh ban đầu cho thấy, diện tích và trữ lượng gỗ rừng tự nhiên bị thiệt hại do thi công móng trụ, mở đường công vụ và phát hành lang tuyến với tổng diện tích rừng tự nhiên bị thiệt hại là 2,2257ha. Trong đó diện tích rừng phòng hộ 1,146ha, rừng sản xuất 1,0797ha. Có 0,4791ha (rừng phòng hộ 0,4751ha, rừng sản xuất 0,004ha) thuộc BQL RPH huyện Tây Giang quản lý; 1,7466ha (phòng hộ 0,6669ha, rừng sản xuất 1,0797ha) thuộc UBND các xã quản lý. Khối lượng gỗ thiệt hại còn tại hiện trường là 106,786m3/380 cây.

Các đối tượng đưa xe cơ giới vào rừng trái phép để thi công đường dây điện và một cây gỗ bị cưa hạ để thi công đường dây thủy điện Tr'Hy.

Khởi tố vụ án “Hủy hoại rừng”

Liên quan đến vụ phá rừng này, ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc BQL RPH huyện Tây Giang cho rằng, có những vị trí cây rừng bị chặt hạ từ năm 2020. Các đối tượng lợi dụng thời điểm dịch COVID-19, vào tận rừng sâu để chặt hạ cây nên các lực lượng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. “Chúng tôi không chống chế vì khi xảy ra sự việc này thì trước hết một phần trách nhiệm thuộc về chúng tôi. Còn trách nhiệm đến đâu thì các cơ quan chức năng đang điều tra. Chúng tôi dự đoán họ lợi dụng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát để lén lút vào phá rừng. Ở đây cũng có sự chủ quan trong công tác chỉ đạo, giám sát anh em khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng”, ông Sinh phân trần.

Còn ông Nguyễn Văn Lượm- Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, qua làm việc với chủ đầu tư Dự án thủy điện Tr'Hy, thì doanh nghiệp thừa nhận có sự chủ quan, nóng vội trong thời gian chờ thủ tục phê duyệt chủ trương chuyển đổi hơn 2.000m2 rừng tự nhiên nên đã xâm hại rừng để thi công đường dây điện. Doanh nghiệp này đã có văn bản gửi UBND huyện Tây Giang thừa nhận, trong quá trình thi công các hạng mục đã tác động đến rừng tự nhiên khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; đồng thời cam kết sẽ sớm trồng lại phần diện tích rừng bị xâm hại để khắc phục hậu quả.

“Địa phương sẵn sàng tạo điều kiện để triển khai dự án, nhưng không thể đánh đổi hệ sinh thái rừng. Đầu tiên thì chủ đầu tư thủy điện Tr'Hy phải cam kết sớm tự khắc phục hậu quả. Còn sau đó phải truy cứu trách nhiệm chứ không phải phá rừng xong, sau đó khắc phục lại là xong đâu. Phải xem xét trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đến đâu thì xử lý đến đó. Sáng 29-2, Hạt Kiểm lâm huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án: “Hủy hoại rừng”, chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an huyện tiếp tục điều tra, xử lý”, ông Lượm thông tin.

Phát hiện thêm 79 cây rừng bị đốn hạ ở Đông Giang

Còn tại huyện Đông Giang, BQL RPH huyện này cho biết, qua kiểm tra dọc tuyến dây điện của dự án đường dây 110kV (giai đoạn 2) thủy điện Tr'Hy, tổ công tác phát hiện tại khoảnh 1, Tiểu khu 157 thuộc thôn A Sờ, xã Mà Cooih (huyện Đông Giang) có 15 cây gỗ bị chặt hạ trong rừng sản xuất. Tổ tuần tra đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tiến hành lập biên bản vụ việc. Bước đầu xác định, khối lượng lâm sản bị thiệt hại hơn 6,5m3. Tại thời điểm kiểm tra không có người nên không xác định được cá nhân, tổ chức nào có liên quan đến vụ phá rừng.

Nhận định vụ việc phức tạp, tổ tuần tra của Trạm Quản lý bảo vệ rừng mật phục, phát hiện nhiều người lạ mặt đi vào khoảnh 7, Tiểu khu 166 thuộc thôn Cutchrun, xã Mà Cooih. Tổ tuần tra đã phối hợp Công an xã, Kiểm lâm địa bàn mời 16 người này về trụ sở Công an làm việc và những người này khai nhận là công nhân của Công ty thủy điện Tr'Hy, đã vào rừng để chặt hạ cây tại 3 vị trí. Cụ thể, chặt hạ 15 cây (hơn 6,5m3 gỗ) tại khoảnh 1, Tiểu khu 157 (thuộc thôn A Sờ, xã Mà Cooih); chặt hạ 46 cây (hơn 3,3m3 gỗ) tại khoảnh 1, Tiểu khu 158 (thôn A Sờ); chặt hạ 18 cây (gần 0,7m3 gỗ) tại khoảnh 7, Tiểu khu 166 (thôn CutChrun, xã Mà Cooih). Tổng cộng, nhóm người này đã chặt hạ trái pháp luật 79 cây rừng tự nhiên với khối lượng gỗ hơn 10,5m3.

Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Giang, những người chặt hạ cây rừng trái pháp luật này có tổ chức rất quy mô, chia ra nhiều tốp nhỏ và có người canh đường. Khi phát hiện lực lượng bảo vệ rừng và tổ cộng đồng thì họ thông tin qua điện thoại, dừng hoạt động và bỏ chạy vào rừng nên trong quá trình tuần tra, kiểm tra, lực lượng chức năng rất khó phát hiện. Vụ việc được cơ quan chức năng huyện Đông Giang xác lập hồ sơ, đang điều tra để xử lý.

TRẦN TÂN