Chủ tịch nước chia sẻ sâu sắc thiệt hại của người dân trong trận lụt lịch sử
Ủy viên Trung ương Đảng, phó thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đồng chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo với Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết: Trong trận lụt lịch sử vừa qua, 52/56 xã, phường thuộc các quận huyện và hầu hết các tuyến đường đều bị ngập, nhiều tuyến đường, tầng hầm một số trụ sở công trình quan trọng của nhà nước, doanh nghiệp và nhà dân ngập từ 0,5 - 1,0 m, có nơi ngập đến 2,0 m, tổng số nhà bị ngập gần 70.000 nhà. Trước khi lụt xảy ra, toàn thành phố đã sơ tán, cứu hộ cứu nạn đảm bảo an toàn cho hơn 14.000 người.
Về tình hình thiệt hại, có 04 người chết, 1 nhà sụp hoàn toàn; sập một phần 28 nhà. Đa số các hộ dân trên địa bàn bị ngập nước đều hư hỏng các thiết bị dân dụng như tivi, tủ lạnh, máy quạt, bàn ghế, giường, tủ…; nhiều tài sản có giá trị như xe ô tô, xe máy của người dân bị ngập nước, hư hỏng; hư hỏng hàng hóa của tiểu thương trong các chợ, bến xe và hộ buôn bán tạp hóa, thực phẩm, áo quần, vải, rau củ quả… và hư hỏng máy móc trang thiết bị sản xuất của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Rau màu các loại bị ngập úng khoảng 74,22 ha; nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng; gia súc gia cầm trôi, chết gần 60.000 con. Về điện lực 130 vụ sự cố về điện do ảnh hưởng của bão và mưa lũ lớn; 2.631 trạm biến áp bị mất điện và 207.705 khách hàng bị mất điện. Về giáo dục, văn hóa, 14 trường học trên địa bàn bị ngập, thiệt hại hư hỏng sổ sách, thiết bị điện tử và dụng cụ dạy học.
Giao thông nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố bị sạt lở, hư, hỏng. Nghĩa trang Hòa Sơn, huyện Hòa Vang bị vùi lấp do bị sạt lở núi với khối lượng đất đá lớn, trong đó, khối lượng đất đá sạt lở xuống khu vực có mộ là ước 6.120m3, khối lượng đất đá sạt lở xuống đường giao thông ước 9.635 m3); số lượng mộ bị vùi lấp đến nay chưa thống kê được. Trong khi đó, thiệt hại tài sản trong dân, doanh nghiệp trên 2000 xe ô tô và trên 30 ngàn xe máy bị ngập nước; các hộ dân trên địa bàn bị ngập nước bị hư hỏng các thiết điện tử, dân dụng… Theo Chủ tịch UBND thành phố, ước thiệt hại sơ bộ ban đầu khoảng 1.486,505 tỷ đồng.
Sau lũ, Thường trực Thành ủy đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp và ban hành Công văn số 2438-CV/TU ngày 15/10/2022; Chủ tịch UBND thành phố ban hành Công văn 5663/UBND-PCTT ngày 15/10/2022 chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 5 và mưa lũ gây ra, ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương chính quyền thành phố, các sở ngành, quận huyện, lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả trận lũ lụt lớn vừa qua xảy ra tại Đà Nẵng nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung, đồng thời chuyển lời thăm hỏi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung. Trong đó, bao gồm các địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định.
Đặc biệt là chia sẻ với thành phố Đà Nẵng, địa phương bị ngập sâu nhất thiệt hại lớn nhất về người và tài sản trong phạm vi rộng lớn của thành phố. “Trung ương Đảng, Nhà nước các cơ quan chức năng của Trung ương chia sẻ sâu sắc những khó khăn của người dân miền Trung nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng bị thiệt hại trọng trận lụt lịch sử hàng trăm năm mới có, nhất là gia đình người bị tử nạn. Đồng thời Trung ương cũng biểu dương, đánh giá cao hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy, chính quyền, nhân dân, các lực lượng vũ trang đã chủ động nhanh chóng, kịp thời ứng phó với mưa lũ, trận lũ lịch sử hàng trăm năm chưa có. Chúng ta đã hạn chế tối đa số người bị nạn. Đây là một cố gắng rất lớn mag chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực vượt qua”, Chủ tịch nước nói.
Công Hạnh