Chu Vĩnh Khang -đường đến "án tử"

Thứ hai, 15/12/2014 11:51

Kỳ I: “Bắt hổ” ngày thứ 6 đen tối

(Cadn.com.vn) - LTS: Thông tin ông Chu Vĩnh Khang bị bắt và khai trừ khỏi đảng được Trung Quốc tuyên bố vào thời điểm rạng sáng 6-12, ngay sau khi kết thúc cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản (CPC). Điều này cho thấy tính cấp bách và quan trọng của vụ việc và cả mong muốn xử lý nhanh chóng “cái u nhọt” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Câu hỏi đặt ra là tại sao lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, thành viên của Ban Thường vụ Bộ chính trị - nhân vật lâu nay vốn nghiễm nhiên được “kim bài miễn tử” bị điều tra. Để bạn đọc hiểu rõ hơn, Báo Công an TP Đà Nẵng xin gửi đến loạt bài về những bí mật thâm cung bí sử đằng sau nhân vật quyền lực này.

Ngày thứ sáu (6-12) vừa qua được coi là ngày đen tối nhất trong cuộc đời trải đầy hoa hồng của người đàn ông quyền lực một thời Chu Vĩnh Khang. Việc bị bắt giữ để điều tra nhiều tội danh như tham nhũng, quan hệ bất chính và đặc biệt là tội tiết lộ bí mật nhà nước, đang đẩy cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị đến ngưỡng cửa tử.

Thông tin lúc nửa đêm

Chỉ 8 phút sau khi bước qua ngày 6-12, một bản tin ngắn gọn của Tân Hoa Xã cho biết, ông Chu Vĩnh Khang - cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ban Chính pháp Trung ương (CPLC) - đã bị bắt và khai trừ khỏi đảng Cộng sản (CPC).

1 phút sau, phiên bản tiếng Anh của Tân Hoa Xã cũng đưa thông tin tương tự. Theo tờ báo này, ông Chu bị cáo buộc lạm dụng quyền lực, nhận hối lộ rất lớn và làm lộ bí mật của đảng và Nhà nước. Tân Hoa Xã cho biết, quyết định trên được hoàn thiện tại cuộc họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương CPC. Quyết định này chính thức mở đường cho việc lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc điều tra một Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Giới phân tích cho rằng, có thể, quyết định được đưa ra sớm hơn nhưng không được công bố lúc đó. Tại sao Bắc Kinh lại chọn thời điểm rạng sáng 6-12 để công bố thông tin? Mặc dù ông Chu không được lòng dân nhưng người ta cho rằng, giới chức Trung Quốc thường luôn thận trọng: chọn đúng thời điểm công bố những thông tin quan trọng nhằm không gây mất ổn định. Nói cách khác, Bắc Kinh không muốn tạo ra làn sóng “ăn theo” vụ việc này.

Còn nhớ, trong vụ ông Bạc Hy Lai bị bắt, Tân Hoa Xã cũng công bố thông tin sau thời điểm 18 giờ ngày thứ sáu (28-9-2012).

Ông Chu Vĩnh Khang thời còn ở đỉnh cao quyền lực năm 2012. Ảnh: THX

Từ 9 còn 7

Là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị CPC, ông Chu là một trong 9 nhân vật quyền lực nhất đất nước có hơn 1,3 tỷ người. Thậm chí, ông Chu từng được tạp chí danh tiếng Forbes của Mỹ đưa vào danh sách những người quyền lực nhất thế giới (cao hơn rất nhiều so với ông Tập Cận Bình thời điểm đó nắm giữ chức Phó Chủ tịch Trung Quốc) và ví như “Dick Cheney của Trung Quốc”. Nhưng khi xa ánh đèn chính trị, ông Chu đã lạm dụng quyền lực, nhận hối lộ khủng và đặc biệt là “tiết lộ bí mật của đảng và Nhà nước”. Khi những tội danh này được công bố, nhiều người tự hỏi, tội “tiết lộ bí mật” này là gì?

Tuy nhiên, người ta cho rằng, chiếc ghế ông Chu bị lung lay ngay sau khi ông nghỉ hưu và khi Trung Quốc quyết định giảm số Ủy viên Ban Thường vụ Bộ chính trị từ 9 người xuống còn 7 người, trong đó không có ghế cho Bộ trưởng Bộ Công an, tại phiên họp đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương CPC khóa XVIII vào tháng 11-2012. Những đồn đoán về khả năng ông Chu bị điều tra bùng nổ 18 ngày sau khi kết thúc Đại hội đảng lần thứ XVIII, vốn chứng kiến giai đoạn chuyển giao thập kỷ và đưa Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền.

Lúc đó, Li Chuncheng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên và một trong những nhân vật thân tín của ông Chu bị cách chức để điều tra tham nhũng. Trong những tháng tiếp theo, nhiều nhân vật thân cận của ông Chu ở Tứ Xuyên và các quan chức trong ngành dầu khí đều bị sờ gáy. Nhiều nguồn tin cho rằng, có ít nhất 39 người bị đưa vào tròng.

Từ đó, khả năng ông Chu sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo càng được nói nhiều đến. Ông Chu xuất hiện trước công chúng lần cuối cùng vào tháng 10-2013. Giới lãnh đạo CPC mở cuộc điều tra chính thức nhằm vào “con hổ lớn” này vào tháng 12-2013 mặc dù không công bố công khai chính thức tại thời điểm đó cho đến khi có thông tin hôm 6-12.

Vụ bắt giữ ông Chu được đánh giá là mẻ lưới lớn nhất trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình, vốn được mở ra ngay sau khi nhà lãnh đạo này lên nắm quyền vào năm 2012.

Án tử hình treo cho ông Chu Vĩnh Khang?

Hồ sơ vụ án của ông Chu đã được chuyển đến văn phòng của công tố viên giỏi nhất Trung Quốc. Vị cựu Bộ trưởng Công an này chắc chắn sẽ bị truy tố, xét xử và kết án về các tội danh do mình gây ra.

Hiện chưa rõ khi nào ông Chu sẽ bị đưa ra xét xử. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cáo buộc “tiết lộ bí mật nhà nước” có thể khiến ông Chu phải đối mặt với án tử hình treo hoặc ít nhất là là tù chung thân. Nhưng nhiều người cho rằng, tùy thuộc vào mức độ hợp tác của ông Chu, một án tử hình treo có thể được giảm xuống tù chung thân.

(còn nữa)

Thanh Văn (Theo Wantchinatimes, THX)