Chưa phát hiện thêm ca “bệnh lạ” nào nhiễm mới ở Ba Điền

Thứ sáu, 04/04/2014 11:04

(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, anh Phạm Văn Trói (1977, thôn làng Rêu, xã Ba Điền, H. Ba Tơ, Quảng Ngãi) tái phát bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (bệnh lạ) gây hoang mang, lo sợ cho người dân khu vực nhiễm bệnh.

Trước thực trạng này, sáng 3-4, đoàn công tác Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm Y tế (TTYT) H. Ba Tơ và Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa tiến hành khám sàng lọc định kỳ cho toàn bộ người dân xã Ba Điền và chưa phát hiện thêm ca nào nhiễm mới.

Các bác sĩ khám sàng lọc cho người dân xã Ba Điền.

Sáng 3-4, có mặt tại xã Ba Điền, chúng tôi được Bác sĩ Đặng Thị Phượng-Giám đốc TTYT H. Ba Tơ cho biết, đoàn gồm 8 bác sĩ của TTYT huyện và 3 bác sĩ Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cùng với đội ngũ y tế cơ sở của xã Ba Điền sẽ khám sàng lọc cho toàn bộ người dân xã Ba Điền chứ không chỉ riêng những người đã có tiền sử nhiễm bệnh như kế hoạch.

Nghe tin có đoàn y tế của huyện và tỉnh về khám, phát thuốc miễn phí, nhiều người dân thôn làng Rêu và các thôn khác trong xã đều nhanh chóng có mặt để được khám, chẩn đoán bệnh và phát thuốc.

Ông Phạm Văn Tích (67 tuổi, thôn làng Rêu) cho biết: “Mấy ngày nay người dân trong thôn ai nấy cũng lo lắng về nguy cơ tái phát bệnh như trường hợp anh Trói, nhưng khi nghe tin đoàn y tế lên khám, phát thuốc và cho kết quả chúng tôi rất yên tâm và không còn lo bệnh tật nữa”.

Trở lại với trường hợp tái phát bệnh của anh Phạm Văn Trói, về tiền sử, trước đây gia đình anh Trói có 4 người mắc bệnh, 3 người được chữa khỏi còn vợ anh mất vì căn bệnh này năm 2012. Đến năm 2013, anh Trói tái phát bệnh và được điều trị khỏi nhưng nay lại tái phát.

Ông Phạm Văn Bút-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ba Điền cho biết, gia đình anh Trói có hoàn cảnh khó khăn nên ăn uống thiếu thốn, không đủ chất dinh dưỡng. Mặt khác, hiện nay là mùa bệnh đang tái phát theo chu kỳ. Trong khi đó một số người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng, thiếu lòng tin với các phương pháp điều trị bệnh nên làm ảnh hưởng lớn đến công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh.

Từ tháng 8-2013 đến nay huyện ngưng cấp gạo trắng để thay thế bằng các biện pháp giúp đỡ khác như lúa giống, bạt phơi, thùng chứa lúa, gạo... nên nhiều hộ dân quay trở lại ăn gạo cũ. Loại gạo này thường được người dân cất giữ trong các nhà chòi, điều kiện bảo quản không tốt, hạt gạo thường bị đen, mốc nên không đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Theo số liệu của UBND xã Ba Điền, tổng số ca bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đến tháng 8-2012 là 226 ca, trong đó có 24 người tử vong. Tháng 2-3013, dịch bệnh bùng phát trở lại, lũy kế đến ngày 7-3-2013 trên địa bàn xã có 4 ca tái phát.

 Cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng nhiễm bệnh.

Trước những diễn biến phức tạp của “bệnh lạ”, ngày 24 và 25-3, Đoàn công tác ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi và Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cùng đã đến thôn Làng Rêu khảo sát, điều tra bệnh. Bộ Y tế cũng đã cử chuyên gia Viện Pasteur Nha Trang đến tìm hiểu nguyên nhân tái phát bệnh và thăm khám cho các bệnh nhân để hạn chế số ca mắc mới.

Qua đó các chuyên gia y tế xác định anh Phạm Văn Trói đang mắc bệnh viêm da dày sừng với triệu chứng tổn thương da bàn tay, bàn chân, men gan tăng gấp 3 lần bình thường. Đoàn còn kiểm tra vệ sinh môi trường, thực phẩm và gạo của người dân làng Rêu đang sử dụng; khám sàng lọc, lấy mẫu máu, cấp phát thuốc bổ sung vi chất cho các thành viên gia đình bệnh nhân Trói và gần 20 hộ dân lân cận...

Ông Lê Huy - Chánh văn phòng Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, hiện Sở đang đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh trên địa bàn các huyện miền núi. Trước mắt, Sở chỉ đạo TTYT H. Ba Tơ triển khai thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp để phòng và ngăn bệnh tái phát như: Tăng cường dinh dưỡng, phối hợp với chính quyền xã vận động người dân không ăn gạo mốc, sử dụng lúa gạo tốt bảo đảm chất dinh dưỡng, nhất là sau khi thu hoạch thóc phải được phơi khô; Tiếp tục thực hiện vệ sinh môi trường trong làng, khu vực gần nhà, vệ sinh cá nhân và thay đổi sinh hoạt, ăn uống hợp vệ sinh.

Trạm y tế thường xuyên khám sàng lọc và phát hiện bệnh kịp thời để đưa người dân đến cơ sở y tế gần nhất điều trị, nhất thiết không được tự ý chữa bằng những loại thuốc không rõ nguồn gốc hay cúng bái.

Đối với trường hợp bệnh nặng, TTYT huyện theo dõi sát diễn biến của bệnh nhân, nếu men gan tiếp tục tăng thì chuyển ngay người bệnh lên tuyến trên để được lọc máu và điều trị, đồng thời, phối hợp với địa phương nhanh chóng thu hồi lượng gạo mốc mà người dân đang sử dụng... Ngoài các biện pháp tuyên truyền, định kỳ mỗi tháng 1 lần TTYT tiến hành tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng tại xã Ba Điền và 2 tháng 1 lần đối với các xã lân cận như: Ba Vinh, Ba Tô, Ba Ngạc... đề phòng bệnh lâu dài.

Nguyễn Tuấn