Chưa thể xóa các “điểm đen” mất ATGT do vướng vấn đề “đầu tiên”

Thứ hai, 02/08/2021 06:49

Lâm Đồng là tỉnh miền núi có địa hình giao thông   tương đối phức tạp, khó khăn, nhiều tuyến đã xuống cấp, chưa được đầu tư nâng cấp đồng bộ nên phát sinh nhiều “điểm đen” tiềm ẩn về tai nạn giao thông (TNGT). Xóa “điểm đen” là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm TNGT, nhưng do vướng vấn đề về vốn đầu tư nên các “điểm đen” này vẫn chưa xóa.

Đoạn cua thường xuyên xảy ra TNGT trên đèo Bảo Lộc.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 22 điểm đen, 44 điểm tiềm ẩn TNGT, trong đó riêng Quốc lộ 20 có tới 20 điểm đen (nhiều nhất là đèo Bảo Lộc với 14 điểm). Đặc biệt, nhiều đoạn trên đèo Bảo Lộc hiện đang xuống cấp, lề đường cũng chưa được gia cố, mương dọc chưa có nắp đan, một số đoạn sơn kẻ đường bị mờ. Trên đèo này có 2 đoạn hiện đang là điểm nóng về TNGT là Km101+700 và Km104+300… đó cũng chính là một trong những lý do khiến đoạn đèo này hay xảy ra TNGT thời gian qua.

Bộ GTVT đã phải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cty CP BOT QL20 triển khai các phương án khắc phục bất cập và nâng cao điều kiện an toàn ở các khu vực này. Hầu hết các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đều có tầm nhìn hạn chế, bị che khuất, nhất là tại vị trí các góc cua hẹp, qua các eo núi, ngã ba, ngã tư… Theo tính toán sơ bộ của ngành giao thông, để khắc phục các điểm đen trên QL20 này cần kinh phí không hề nhỏ, khoảng gần 60 tỷ đồng. Đối với các điểm tiềm ẩn TNGT trên tuyến này, cũng cần số kinh phí lên đến hơn 100 tỷ đồng mới có thể hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu.

Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho biết, tại các cuộc họp về ATGT cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT bố trí vốn để triển khai thực hiện dự án xóa các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất về giao thông trên địa bàn, tuy nhiên, đến nay kinh phí vẫn là “nút thắt” gây khó mà địa phương chưa thể gỡ được.

Suốt thời gian qua, với quyết tâm kéo giảm TNGT, một trong những biện pháp quyết liệt mà tỉnh chỉ đạo thực hiện là giải quyết các điểm đen, điểm tiềm ẩn gây TNGT. Và thực tế, không chỉ Sở GTVT đã vào cuộc quyết liệt tổ chức rà soát, UBND các huyện, thành phố cũng tổ chức kiểm tra, rà soát cụ thể các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên các tuyến tỉnh lộ và tổng hợp, kiến nghị để tỉnh đưa vào kế hoạch, lộ trình khắc phục, từng bước xử lý dứt điểm.

Tại các cuộc họp bàn về công tác an toàn giao thông, đại diện các địa phương cũng nhiều lần lên tiếng kiến nghị Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở GTVT quan tâm, khắc phục triệt để một số vị trí ngã ba có nguy cơ tiềm ẩn TNGT, tổ chức lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trên các tuyến đường, lắp đặt camera giám sát… để tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Và thực tế, những năm qua, rất nhiều điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT cũng đã được quan tâm, đầu tư kinh phí để cải tạo, xóa bỏ. Tuy nhiên, đến nay trên các tuyến đường tỉnh cũng vẫn còn khoảng 9 điểm tiềm ẩn TNGT, đường huyện, đô thị có khoảng 43 điểm chưa được xử lý. Bên cạnh đó, vẫn còn những bất cập ở một số tuyến đường nhỏ giao với đường tỉnh lộ hay quốc lộ cần khắc phục. Và nếu muốn xóa toàn bộ thì nguồn kinh phí cũng khá lớn. 

Do “nút thắt” về vốn vẫn chưa tháo gỡ được đã khiến nhiều kế hoạch của ngành Giao thông nhằm xóa “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT chưa thể thực hiện. Trong lúc chưa “xóa” được các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn có nguy cơ gây TNGT thì sự cẩn trọng và ý thức tham gia giao thông của những người tham gia giao thông phải được đặt lên hàng đầu.

B.L.Đ