Chuẩn bị cho “hậu Covid”

Thứ bảy, 11/04/2020 13:34

Đến thời điểm hiện tại, khó có thể đoán định dịch bệnh còn kéo dài bao lâu nữa (ở Việt Nam cũng như thế giới) nhưng một điều mà mọi người đều có để đoán định (và có cơ sở để suy đoán điều đó: ở một số quốc gia đã cơ bản khống chế được dịch, số ca khỏi bệnh ngày càng gia tăng; Việt Nam đã cơ bản khống chế tốc độ lây lan trong cộng đồng, số ca nhiễm mới ngày càng giảm,...) là đại dịch sẽ qua đi, cuộc sống sẽ trở lại với quỹ đạo của nó. Thế nhưng, sẽ là “ngổn ngang” và bị động, lúng túng nếu chúng ta không có động thái chuẩn bị trước các phương án cho thời “hậu Covid”.

Thời gian qua chúng ta đã “hy sinh lợi ích kinh tế để phòng chống dịch” như tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, như thế việc chuẩn bị các phương án phục hồi, phát triển kinh tế (ở tầm vĩ mô, trung mô và vi mô) là việc làm cần thiết nhất. Trong đó, vấn đề việc làm cho người lao động đóng vai trò xuyên suốt bởi không chỉ liên quan đến vấn đề thu nhập, chi tiêu và còn tác động đến an ninh trật tự và an toàn xã hội. Hiện chưa thể thống kê một cách đầy đủ số lượng người thất nghiệp, bán thất nghiệp và chịu ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm do đại dịch Covid-19 nhưng chắc chắn là con số không nhỏ, phạm vi ảnh hưởng không hẹp, ngành nghề tác động không chỉ giới hạn ở lĩnh vực giao thông, du lịch,... mà là toàn xã hội. Chuẩn bị giải quyết vấn đề việc làm không chỉ là “phục công” (trở lại làm việc như cũ ở đơn vị cũ) mà còn tính đến cả những người chuyển đổi việc làm mới (dẫn đến công tác đào tạo lại), số người thất nghiệp vì bị sa thải (tìm kiến việc làm mới), số người tìm kiếm việc làm mới (sinh viên ra trường).

Thứ đến, phải lường trước phương án giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh, trong đó có các tệ nạn xã hội, nạn trộm cắp hoành hành; các hiện tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; vấn đề nghèo đói và phân tầng xã hội; vấn đề tranh chấp, kiện tụng liên quan đến gói hỗ trợ cho các đối tượng (nếu các địa phương làm không đến nơi, đến chốn, cán bộ không công tâm,...). Vấn đề này cần phải được chú trọng, nhất là các cơ quan hành pháp, tư pháp cần phải có phương án cụ thể phù hợp với tính chất, điều kiện của mỗi địa phương, tránh bị động hoặc rơi vào tình thế “giải quyết tình huống”.

Sau những biến cố và tình huống bất thường thì xu hướng gia tăng các căng thẳng tâm lý do thời gian dài thay đổi phương thức sống, hoạt động sống, hoạt động giao tiếp,... mà biểu hiện cụ thể là bi quan, chán nản; lạnh nhạt trong giao tiếp, cục cằn trong ứng xử, thô lỗ trong hành vi, bạo lực trong xử lý các mối quan hệ,... thậm chí tâm lý thất vọng, hụt hẫng, cô đơn và dễ dẫn đến các hành vi cực đoan.  Điều này có mối cũng là nguyên nhân nảy sinh các vấn đề xã hội nêu trên mà cụ thể là các vấn đề về an ninh trật tự an toàn xã hội. Đó cũng là “đơn đặt hàng” cho nhà lãnh đạo, quản lý cần chuẩn bị trước những phương án để thực hiện và giải quyết các vấn đề liên quan đến “hậu Covid”, góp phần ổn định một cách nhanh chóng nhất, giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh (nếu có) một cách hiệu quả nhất, lấy lại đà phát triển kinh tế - xã hội, mang lại niềm tin cho nhân dân.

TS. PHẠM ĐI

(Học viện Chính trị khu vực III)