Chung sức tìm lại những cuộc đời "chìm" trong trầm cảm, hoang tưởng

Thứ hai, 06/02/2023 13:38
100% số huyện có cơ sở y tế thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh; 60% số huyện có cơ sở y tế thực hiện chẩn đoán, điều trị, quản lý cấp thuốc cho người bệnh trầm cảm và 50% số huyện có cơ sở y tế thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người mắc một số rối loạn sức khỏe tâm thần khác… Đó là một số mục tiêu quan trọng trong Kế hoạch về phòng chống liên quan các bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần đến năm 2025 vừa được UBND tỉnh Quảng Trị ban hành.
Một người bệnh tâm thần gây án mạng bị dẫn giải đến điểm xét xử.
Thăm khám, theo dõi, động viên có ý nghĩa quan trọng đối với bệnh nhân rối loạn sức khỏe tâm thần.

Các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác, gọi chung là rối loạn sức khỏe tâm thần. Trong đó, tâm thần phân liệt đang có xu hướng tăng trong cộng đồng, nhiều bệnh nhân bị bệnh từ khi còn rất trẻ và kéo dài suốt cả cuộc đời.Việc phát hiện sớm để điều trị, hoặc quản lý, chăm sóc sẽ mở ra chương mới “sống chung” với bệnh, có thể hòa nhập trở lại cuộc sống, tìm được những bình thường giản dị vốn có. Nhưng đã có không ít trường hợp chậm phát hiện, hoặc bệnh diễn tiến nặng, hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi đến gây án, phải chịu trách nhiệm hình sự. Và thường là án mạng như xảy ra tại Quảng Trị thời gian qua.

Đến giờ, nhiều người dân ở Quảng Trị vẫn còn nhớ rõ vụ án đau lòng, thảm thương xảy ra ở miền núi trên địa bàn tỉnh trong năm 2022. Gây án là người vợ nghèo chỉ mới ngoài 30 tuổi, đã là mẹ của 3 đứa con. Sau khi sinh đứa con thứ 3 vào gần cuối năm 2021, chị bị trầm cảm rồi mắc tâm thần phân liệt nhưng người thân không ai nhận ra dấu hiệu. Thấy chị hoang tưởng, giận dữ và hay bỏ nhà đi trong đêm, nhiều người mê tín còn cho rằng bị “ma” bắt. Đến một ngày, ai nấy lên nương rẫy, chị ở nhà dỗ con mãi không nín, lại nghe như tiếng ai đó dội thúc vào tai khiến chị đã vô cảm tước đoạt sinh mạng con mình trong cơn điên bộc phát. Sau khi xảy ra vụ án, người mẹ bất hạnh này được CA trưng cầu giám định pháp y và có kết luận bị tâm thần phân liệt thể không biệt định, hạn chế về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, từ đó bắt đầu tiến hành các bước điều trị. Nếu như bệnh chị được phát hiện sớm, được điều trị, hẳn hậu quả đã không gây đau nhói lòng đến thế. Ngày gặp lại người vợ tội nghiệp trong thân phận bị can vụ án “Giết người”, người chồng nước mắt lưng tròng nhưng cũng không giấu được niềm xúc động trước sức khỏe diễn tiến tốt của chị sau thời gian được điều trị. Chị không còn ám ảnh bởi những lời gào thét, hối thúc của kẻ vô hình dội vào tai, không còn muốn tự tử. Thương yêu đã ánh lên trở lại trong đôi mắt và người mẹ nghèo ấy đã day dứt, đớn đau khi nhớ lại chuyện đã qua.

Cũng trong năm 2022, người dân Quảng Trị không giấu được xót xa về vụ án “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Nạn nhân là người chồng, còn người vợ gây án có hoàn cảnh đặc biệt, bị bệnh tâm thần phân liệt. Lùi về thời gian trước đó nữa, tại địa bàn H.Gio Linh xảy ra vụ án em trai đoạt mạng chị gái. Người gây án cũng là người bệnh tâm thần, đang điều trị ngoại trú nhưng thuốc bữa uống bữa quên… Nhắc lại những vụ án gây hậu quả nghiêm trọng đau lòng trên, ai nấy đều cảm thán trước éo le, nghiệt ngã do bệnh tật gây ra.

Một người bệnh tâm thần gây án mạng bị dẫn giải đến điểm xét xử.

Để phòng, chống hiệu quả các bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần, Quảng Trị ban hành kế hoạch hành động, với mục tiêu cụ thể đến năm 2025 được xem như “chìa khóa” để mở ra cơ hội cho người bệnh. Theo kế hoạch, đến năm 2025 tất cả các huyện, thị xã, TP có kế hoạch liên ngành; y tế cơ sở tăng cường truyền thông, tăng cường quản lý, phát hiện mới và điều trị bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động chuyên môn tuyến huyện, xã. 100% số huyện có cơ sở y tế thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh; 60% số huyện có cơ sở y tế thực hiện chẩn đoán, điều trị, quản lý cấp thuốc cho người bệnh trầm cảm và 50% số huyện có cơ sở y tế thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người mắc một số rối loạn sức khỏe tâm thần khác. 100% số Trạm Y tế xã thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh; 50% số Trạm Y tế xã quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh trầm cảm. 100% cán bộ y tế thực hiện công tác phòng, chống bệnh ở các tuyến được đào tạo tập huấn về dự phòng, giám sát, phát hiện, quản lý, chẩn đoán, điều trị bệnh theo quy định.

Bên cạnh đó, Kế hoạch đặc biệt nhấn mạnh việc củng cố mạng lưới các bệnh viện và cơ sở đào tạo trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Cùng với đó là tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu cho bác sĩ chuyên khoa tâm thần; đào tạo, tập huấn cho bác sĩ đa khoa tại tuyến huyện để khám, điều trị một số rối loạn sức khỏe tâm thần. Tập huấn cho cán bộ y tế xã về khám, quản lý và cấp thuốc ngoại trú cho người bệnh tại cộng đồng; tập huấn cho cán bộ y tế xã và y tế thôn, bản về sàng lọc và phát hiện sớm các rối loạn sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, tập huấn cho người làm công tác trợ giúp xã hội và cộng tác viên công tác xã hội về chăm sóc, phục hồi chức năng cho người mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần theo quy định.

Bảo Hà