Chung tay phòng chống bệnh sởi
Bệnh sởi gây biến chứng nguy hiểm và lây nhiễm nhanh, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ trở thành dịch bệnh. Tại Việt Nam, bệnh sởi có xu hướng gia tăng từ những tháng cuối năm 2018 đến nay. Để chủ động ngăn chặn, không để bệnh sởi bùng phát trên địa bàn, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã chỉ đạo tập trung triển khai nhiều biện pháp phòng chống.
Biện pháp phòng bệnh sởi đặc hiệu và tốt nhất là tiêm chủng vaccine. |
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông và mùa xuân, tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm não..., có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai...
Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, tại Việt Nam, bệnh sởi bắt đầu gia tăng từ tháng 10-2018, đến nay ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, có 2.924 trường hợp mắc sởi dương tính được xác định tại 56 tỉnh, thành phố. Số người mắc bệnh này vẫn chưa có xu hướng giảm, tập trung chủ yếu tại vùng núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao. Nguyên nhân chủ yếu là do việc tiêm vaccine phòng bệnh chưa được thực hiện đầy đủ cùng với chu kỳ bùng phát bệnh sởi thường xảy ra sau 4 đến 5 năm. Tại Đà Nẵng, thống kê đến ngày 10-3-2019, có 18 trường hợp mắc sởi. "Người dân nên chủ động thực hiện tiêm chủng vaccine vì đây là biện pháp phòng bệnh sởi đặc hiệu và tốt nhất. Các bậc phụ huynh cần đưa trẻ từ 9-12 tháng tuổi đến cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Ngoài ra, trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vaccine sởi cần được tiêm ngay tại các điểm tiêm chủng dịch vụ. Mọi người nên vệ sinh thân thể, nơi ở và sinh hoạt sạch sẽ; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh, khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời", Bs Hồng khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Hồng, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) thành phố hướng dẫn chuyên môn cho các Trung tâm Y tế (TTYT) quận, huyện trong việc triển khai các biện pháp xử lý dịch bệnh, thống kê rà soát các đối tượng tiêm chủng để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường... Ngoài ra, Sở Y tế cũng yêu cầu TTKSBT tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng. Bên cạnh đó, TTKSBT chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch báo cáo Sở Y tế bổ sung trong trường hợp khẩn cấp; đẩy mạnh tuyên truyền cho những đối tượng nguy cơ cao, trẻ em chưa được tiêm vaccine sởi cần đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi…
Song song đó, Sở Y tế cũng đề nghị TTYT quận, huyện tổ chức rà soát, thống kê đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin sởi khuyến cáo tiêm bổ sung, không để sót đối tượng, lưu ý các địa bàn có biến động dân cư và vùng núi. Tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng. Đặc biệt, các TTYT quận, huyện phối hợp với Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học thực hiện tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của tiêm vắc xin sởi; vận động gia đình, học sinh tham gia tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh, phối hợp tổ chức tốt việc tiêm vaccine tại các cơ sở giáo dục…
LÊ HÙNG