Chung tay phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em
Mặc dù mới chớm hè, nhưng tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên và Đắk Nông liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước thương tâm, để lại những nỗi đau, mất mát cho gia đình và xã hội, nhất là vùng nông thôn, những nơi gần sông, suối, ao hồ. Mặc dù những hồi chuông cảnh báo đã gióng lên, nhưng dường như tai nạn đuối nước vẫn luôn chực chờ.
Theo thống kế của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ đuối nước (trong đó 5 vụ đuối nước có nạn nhân là người lớn, 11 vụ đuối nước có nạn nhân là trẻ em), làm chết 19 người. Riêng từ ngày 1/4 đến ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên tiếp xảy ra 9 vụ đuối nước (trong đó 7 vụ đuối nước có nạn nhân là trẻ em).
Mới đây vào khoảng 13h00’ ngày 30/4/2025, cháu Giàng A. Đ. (SN 2018), trú tại thôn 5, xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông theo gia đình đi vào làm rẫy ở khu vực gần nhà. Thấy bố bơi thuyền qua bên kia đập để làm rẫy, cháu Đ. liên bơi theo thì bị đuối nước. Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp với Công an xã Đắk Plao triển khai công tác tìm kiếm và đến 18h45’ cùng ngày đã tìm thấy thi thể cháu Đ. và bàn giao cho gia đình.
Cũng trong chiều ngày 30/4/2025 tại xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông đã xảy ra 1 vụ đuối nước. Nạn nhân là cháu Nguyễn B. A. (SN 2018), trú tại thôn 6, xã Nhân Đạo trong lúc ra hồ bạt bên hông nhà để chơi thì không may bị trượt chân té xuống hồ và tử vong.
Trước đó, vào khoảng 11h00’ ngày 28/4/2025 sau khi đi học về cháu K’L. (SN 2013) rủ cháu K’P. (SN 2017) và cháu K’T. (SN 2011) đi thả lướt bắt cá ở hồ nước tự nhiên tại thôn 7, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong. Khi đến khu vực hồ thì thấy có thuyền đánh cá của người dân để ở đó, 3 cháu rủ nhau lên thuyền bơi ra hồ rồi quay lại vào bờ và xuống thuyền đi bộ dọc bờ hồ. Sau khi đi được một đoạn thì bất ngờ cháu K’P. bước vào chỗ nước sâu rồi dần dần chìm xuống và tử vong.
Liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm xảy ra thời gian qua đã để lại nỗi đau, sự tổn thất to lớn cho gia đình và xã hội. Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương và các gia đình ở các địa phương cần có giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em một cách thiết thực, hiệu quả, không để xảy ra những vụ đuối nước thương tâm ở trẻ.

Các vụ đuối nước chủ yếu xảy ra ở khu vực nông thôn, nương rẫy, nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối, đập thủy lợi, đặc biệt là có nhiều ao, hồ được xây dựng để dự trữ nước phục vụ tưới cho các loại cây công nghiệp vào mùa khô, không có hoặc có nhưng sơ sài các hình thức rào chắn, bảo vệ, cảnh báo khu vực đuối nước. Thực tế hiện nay, hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước chưa được các địa phương cơ sở quan tâm đúng mức. Song song đó là những hạn chế về nhận thức và kỹ năng ứng phó khi bị đuối nước ở trẻ và sự lơ là, chủ quan của người lớn trong việc chăm sóc, quản lý con em mình. Cùng với đó, một số gia đình chủ quan, không sâu sát với con em, tâm lý trẻ thích vui đùa nên vào mùa khô, nắng nóng nên rủ nhau ra ao hồ, sông suối chơi đùa, tắm nhưng không được trang bị những kỹ năng về bơi lội, kỹ năng cứu đuối và sơ cứu đuối nước đúng cách… dẫn đễn xảy ra các vụ đuối nước trẻ em thương tâm.

Vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành thì mỗi người dân hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động phòng ngừa và tuyên truyền đến những người xung quanh để cùng chung tay phòng, chống đuối nước ở trẻ em.
Hồng Long