Chung tay xây dựng môi trường đô thị xanh - sạch – đẹp

Thứ sáu, 12/09/2014 07:15

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng định hướng xây dựng thành phố đáng sống và thành phố môi trường đến năm 2020, trong đó tiêu chí mảng xanh được quan tâm đầu tư đặc biệt bằng nhiều giải pháp như kêu gọi xã hội hóa (XHH) cây xanh đô thị, xây dựng hệ thống vườn ươm, quy hoạch cải tạo cây xanh đô thị, tổ chức cuộc thi mô hình cây xanh đô thị,... Để hiểu thêm về vấn đề này, Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, người phụ trách mảng xanh của TP.

 P.V: Xin ông cho biết một số kết quả cụ thể của Đề án XHH phát triển cây xanh đô thị năm 2014 đến thời điểm hiện nay?

Ông Lê Tùng Lâm.

Ông Lê Tùng Lâm: Từ đầu năm 2014 đến nay, Sở Xây dựng đã phối hợp với các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án XHH phát triển cây xanh đô thị và đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể: Triển khai một số công trình vườn hoa, vườn dạo trong dịp “Tết trồng cây” do UBND các quận huyện phát động với sự tài trợ của các doanh nghiệp, đơn vi góp phần tạo nên các điểm nhấn xanh thẩm mỹ, ấn tượng trong khu dân cư; Mô hình mẫu rào bo viền hố trồng cây trên vỉa hè các tuyến đường thuộc Q. Hải Châu; vườn dạo trong khu dân cư tại các phường Hòa Cường Nam, An Khê, An Hải Bắc; vườn hoa, vườn ươm cây cảnh của Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ P.Thanh Khê Tây thực hiện. Các dự án khu resort ven biển triển khai trồng cây xanh bóng mát trên vỉa hè dọc tuyến đường Trường Sa, Võ Nguyên Giáp… góp phần đáng kể trong việc gia tăng mảng xanh và mỹ quan dọc theo tuyến đường ven biển.

Hiện nay, nhiều tuyến đường trong khu dân cư trên địa bàn TP, người dân đã tự trồng nhiều cây xanh bóng mát theo định hướng quy hoạch cây xanh của TP như Lộc vừng, Giáng hương, Muồng hoàng yến, Bằng lăng, Hoàng hậu, Osaka… Các mô hình trồng hoa, bố trí cây xanh trên vỉa hè trước mặt nhà, trong các bồn hoa phía sát tường nhà đã được chú trọng hơn, đảm bảo trật tự trên vỉa hè đường phố, chủng loại cây trồng được thiết kế phù hợp, thẩm mỹ hơn.

Ngoài ra, thành lập Đội tuyên truyền công tác XHH phát triển cây xanh đô thị nhằm phổ biến cho người dân địa phương trong công tác XHH cây xanh và kỹ thuật phòng chống, khắc phục bão đối với cây xanh; phát động cuộc thi “Mô hình tiêu biểu phát triển cây xanh TP Đà Nẵng” nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tham gia tích cực vào công tác phát triển cây xanh; kêu gọi Cty DINCO tài trợ và triển khai lắp đặt cọc chống tăng cường để phòng chống bão đối với cây xanh bóng mát trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh...

P.V: Tại Hội thảo tìm giải pháp phát triển cây xanh đô thị có nhiều ý kiến đóng góp nên nhanh chóng xây dựng Công viên Thanh niên theo từng giai đoạn, trong đó một giải pháp được nhiều chuyên gia góp ý và dễ thực hiện là huy động mỗi cặp vợ chồng khi kết hôn hoặc 1 lớp học sau khi ra trường trồng 1 cây lưu niệm tại công viên này. Vì sao đến nay vẫn chưa triển khai trong khi công viên bỏ hoang gây bức xúc trong dư luận?

Ông Lê Tùng Lâm: Hiện nay, UBND TP đã có chủ trương rà soát quy hoạch, tổng mặt bằng dự án, phân kỳ đầu tư hợp lý Công viên Thanh niên. Trước mắt, TP sẽ đầu tư những hạng mục thiết yếu về hạ tầng kỹ thuật (đường nội bộ, hệ thống cấp thoát nước…); sau đó sẽ XHH các công việc còn lại như: trồng cây; đầu tư trang thiết bị vui chơi... Hiện nay Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư theo ý kiến chỉ đạo của UBND TP.

Hy vọng sang năm 2015, ý tưởng trồng cây lưu niệm tại Công viên Thanh niên sẽ được sớm triển khai cùng với các hoạt động XHH khác tại công viên này, góp phần tạo nên nhiều không gian xanh-sạch-đẹp trên địa bàn TP trong thời gian tới.

P.V: Để tăng cường mảng xanh cho đô thị, TP vừa phát động cuộc thi “Mô hình tiêu biểu phát triển cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng". Xin ông cho biết điều kiện và cơ cấu giải thưởng của cuộc thi?

Ông Lê Tùng Lâm: Mô hình đăng ký dự thi được xem xét và đánh giá phải đảm bảo phù hợp với quy định về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trong khu vực. Bên cạnh đó, đảm bảo yêu cầu về quy mô như sau: Đối với nhà ở gia đình, căn hộ, diện tích cây xanh  10m2; đối tượng công trình, dự án, diện tích cây xanh 15% tổng diện tích xây dựng.

Công trình đăng ký dự thi thuộc các nhóm mô hình sau: Nhà xanh, Căn hộ xanh, Chung cư xanh, Ngõ xanh, Phố xanh, Khu dân cư xanh, Công trình xanh. Riêng đối với H. Hòa Vang chỉ xét mô hình “Công trình xanh”.

Về cơ cấu giải thưởng:

Đối với mô hình “Nhà xanh, Căn hộ xanh, Công trình xanh”: 1 giải nhất, 5 triệu đồng; 1 giải nhì, 3 triệu đồng; 1 giải ba, 2 triệu đồng; 3 giải khuyến khích, 1 triệu đồng. Đối với mô hình “Ngõ xanh, Phố xanh”: 01 giải nhất: 7.000.000 triệu đồng; 1 giải nhì, 5 triệu đồng; 1 giải ba, 3 triệu đồng và 3 giải khuyến khích, 1 triệu đồng. Đối với mô hình “Chung cư xanh”, “Khu dân cư xanh”: 1 giải nhất, 10 triệu đồng; 1 giải nhì, 7 triệu đồng; 1 giải ba, 5 triệu đồng và 3 giải khuyến khích, 1triệu đồng. Giải tuyên dương quận, huyện phát động tốt phong trào: 1 giải nhất, Giấy khen và tiền thưởng: 5 triệu đồng; 1 giải nhì, giấy khen và tiền thưởng: 4 triệu đồng; 1 giải ba, giấy khen và tiền thưởng: 3 triệu đồng.

Cty Dinco tài trợ đặt chậu cây xanh trên vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám.

P.V: Đà Nẵng đang hướng xây dựng thành phố môi trường đến năm 2020. Vậy theo ông, thành phố có nên quy định bắt buộc đối với những công trình xây dựng và nhà dân theo tiêu chí xanh không?

Ông Lê Tùng Lâm: Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trở thành một “thành phố văn minh, hiện đại”, “thành phố đáng sống”, “thành phố môi trường” là quyết tâm chính trị của Đảng bộ và chính quyền TP được đa số nhân dân TP đồng lòng hưởng ứng. Một trong những tiêu chí quan trọng để thực hiện được quyết tâm trên chính là cây xanh đô thị. Nếu xem tiêu chí xanh một cách đơn giản là diện tích cây xanh, mảng xanh trong dự án, công trình… thì để góp phần xây dựng TP môi trường, TP xanh, chúng ta cần có nhiều dự án, công trình xanh (đạt diện tích tối thiểu về cây xanh).

Đây là vấn đề gian nan, thách thức trong quá trình đô thị hóa và kinh tế khó khăn hiện nay. Để việc triển khai thực hiện mang lại hiệu quả, khả thi cần xây dựng lộ trình cụ thể, rõ ràng, cần kiên trì nỗ lực, phấn đấu từng bước vì vấn đề này liên quan đến nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan (nhận thức của xã hội/ diện tích, không gian để trồng cây/ nguồn vốn/ kinh phí thực hiện)…

Hiện nay, các dự án, công trình xây dựng công cộng quy hoạch xây dựng được các cơ quan chuyên môn thẩm định và yêu cầu các chủ đầu tư dự án tuân thủ theo QCVN 01:2008/BXD về Quy hoạch xây dựng, trong đó diện tích đất dành cho cây xanh phải đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định.

Đối với các công trình nhà ở, khu dân cư trước mắt cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân hiểu, đồng thuận và tự giác, tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Đặc biệt hơn, chúng ta phải chung tay xây dựng Đà Nẵng ngày càng xanh – sạch – đẹp để trở thành TP môi trường vào năm 2020…

 P.V: Chân thành cảm ơn ông!

Xuân Đương