Chúng tôi là phóng viên... cứu hỏa!

Thứ năm, 21/06/2018 14:00

Chuông báo cháy vang lên, cùng với các đơn vị nghiệp vụ nhận thông tin từ Trung tâm thông tin chỉ huy Cảnh sát PC&CC TP Đà Nẵng, chúng tôi-những phóng viên  Cảnh sát PC&CC cũng tức tốc lên đường đến hiện trường. Theo sát các cuộc hành trình và có mặt ở những điểm nóng theo đúng nghĩa đen, nhiều anh em gọi vui chúng tôi là "phóng viên chiến trường". Trong nhiệm vụ chung, với mỗi chúng tôi luôn có những câu chuyện riêng, tình cảm riêng với ngành, với nghề...

Phóng viên PCCC TP Đà Nẵng phỏng vấn một chiến sĩ PCCC tại sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.      Ảnh: MAI VINH

Trong vụ cháy tại kho "bom sơn" Hà Hưng vào đêm 6-5-2015 tại Hòa Châu, Hòa Vang, khi lực lượng Cảnh sát PCCC có mặt thì ngọn lửa gần như đã ôm trọn nhà kho cấp 4 của Công ty TNHH Hà Hưng, hàng chục phuy hóa chất, sơn PU cuồn cuộn trong biển lửa... Tôi cùng phóng viên Lệ Huyền nhận nhiệm vụ đưa tin về vụ việc. Gần 1 giờ trôi qua, thời điểm ngọn lửa đã dịu đi, một tốp chiến sĩ được đưa vào bên trong phun bột Foam vào gốc lửa thì bất ngờ một tiếng nổ xé trời, lửa bao trùm lại nhà kho, một mảng tường bên hông bị toác ra. Tất cả đều chạy ra xa, áp lực khiến nhiều chiến sĩ bị đẩy văng ra ngoài. Từ trong "ngôi nhà lửa", chiến sĩ Trương Văn Phúc (Phòng Cảnh sát PC&CC số 5) ôm cánh tay bị gãy chạy ra cuối cùng. Đứng cách đó 7 mét, chúng tôi cảm nhận được luồng khí nóng phất thẳng vào mặt, tôi may mắn khi không bị gì và càng may mắn hơn khi bấm máy ghi lại được khoảnh khắc và âm thanh chói tai của vụ nổ đó. Sau vụ nổ, các chiến sĩ nằm lăn lộn đau đớn dưới vũng nước, lẫn trong tiếng la hét của người dân. Trong 30 giây trước khi các chiến sĩ chữa cháy bị thương được đưa ra khỏi hiện trường, chúng tôi đã kịp ghi lại toàn bộ qua khung hình nhỏ 5cm x 3cm của máy quay. Từ cảnh quay chân thật, cảm xúc đó,  nhiều người mới biết được sự hy sinh bản thân của những chiến sĩ PCCC trong khi làm nhiệm vụ. Những hình ảnh đặc biệt ấy đã giúp Cục C66 và những người không có mặt tại hiện trường có thể hình dung hết về vụ việc và sử dụng làm tư liệu để rút kinh nghiệm trong công tác chữa cháy.

Khi tác nghiệp, ai cũng mong muốn mình được ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng nhất, đặc biệt nhất nhưng không phải khi nào cũng theo ý muốn. Câu chuyện giải cứu người phụ nữ động kinh có ý định nhảy từ tầng 5 của tòa nhà đang xây dựng, đường Lê Thanh Nghị lúc 3 giờ sáng ngày 14-12-2016. Khi tất cả phương án cứu hộ đã được triển khai kĩ lưỡng cho mọi tình huống, các chiến sĩ phải đứng chờ chực hàng giờ đồng hồ dưới cơn mưa lâm thâm. Khi tất cả những người theo dõi vụ việc đã mỏi mệt vì chờ đợi cũng là lúc các chiến sĩ bất ngờ đu dây từ tầng trên áp sát ôm lấy người phụ nữ rồi thả xuống đúng vị trí nệm hơi được giăng sẵn. Sau hàng giờ đồng hồ chờ thời cơ cùng các chiến sĩ cứu nạn cứu hộ, phóng viên chúng tôi chỉ kịp đưa máy quay lên và bất lực nhìn hình ảnh đó trôi qua trong tích tắc mà không kịp bấm máy. Nếu may mắn, đó có thể là một bức ảnh đắt giá mà không ngôn từ nào diễn đạt được, giúp chuyển tải đến công chúng về công việc khó khăn, nguy hiểm mà các chiến sĩ cứu nạn cứu hộ đang thực hiện.

Phóng viên có mặt tại một vụ hỏa hoạn để quay tư liệu. 

Ngoài làm công tác chuyên môn, chúng tôi còn tích cực cộng tác với cơ quan báo chí khác. Việc thực hiện các tác phẩm báo chí về chủ đề PCCC&CNCH để tham gia các cuộc thi cũng mang đến những câu chuyện và trải nghiệm đáng nhớ. Ấn tượng nhất vẫn là lần tham gia kỳ Liên hoan truyền hình CAND lần thứ XI tại Tam Kỳ, Quảng Nam năm 2017. Đây là lần đầu chúng tôi đầu tư tâm huyết, sức lực và đam mê của mình ở một sân chơi lớn-cuộc thi dành cho những người làm báo hình trong lực lượng CAND toàn quốc. Sau nhiều cuộc họp bàn về ý tưởng tác phẩm sẽ tham gia trong cuộc thi, chúng tôi đã đưa ra danh sách dự kiến gồm 5 tác phẩm báo chí trong đó có 1 phóng sự truyền hình mang tên "Tự thiêu-nỗi đau để lại". Việc tìm ra ý tưởng không phải dễ, triển khai kịch bản càng khó và thực hiện tác phẩm lại càng khó hơn bội phần. Những vụ tự tử bằng lửa để lại mất mát là quá lớn, thời gian đã xoa dịu nỗi đau của người thân ở lại nhưng để tác phẩm thành công, chúng tôi phải đụng chạm lại nỗi đau ấy. Nhiều gia đình không chịu hợp tác nhưng bằng sự quyết tâm và lòng chân thành, chúng tôi dần lấy được tình cảm, niềm tin và được đồng ý cho thực hiện tác phẩm. Trường hợp cái chết thương tâm của anh Lê Viết H. (27 tuổi) tại phường Hòa Khê, quận Thanh Khê là một trong số đó. Bà Hồ Thị C. mẹ của anh H. gạt ngay khi chúng tôi đặt vấn đề. Biết trước tình hình, chúng tôi chỉ xin đặt giỏ trái cây đã chuẩn bị sẵn và thắp nén hương cho anh H.. Ngồi lại tâm sự những câu chuyện đời thường, bên lề như ngôi nhà mới được sơn sửa lại sau sự việc, dần dần khi có niềm tin, chúng tôi mới bắt đầu xin được ghi hình và phỏng vấn. Càng đi sâu khai thác nội tâm nhân vật, mới thấy được bi kịch đau đớn của người ở lại, đó là cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh vào dịp mùng 7 Tết chỉ vì hành động bồng bột của người con trai hay cảnh tang tóc của gia đình 3 người chết ở Hòa Xuân cũng vì hành động dại dột của người cha, chỉ duy nhất cô con gái đầu kịp thoát thân với những vết bỏng còn để lại trên thân thể... Tất cả điều đó thôi thúc chúng tôi thực hiện, tìm cách diễn đầy đủ nhất qua tác phẩm để tuyên truyền, cảnh báo người dân về vấn nạn này. Sau khi có tất cả tư liệu, chúng tôi cùng nhau thức đêm dựng phim, chỉn chu từng giây hình, từng nốt nhạc, mỗi người một việc để kịp đúng thời gian quy định. Kết thúc kỳ liên hoan phim, 5 tác phẩm tham dự đều có giải, trong đó tác phẩm "Tự thiêu-nỗi đau để lại" xuất sắc giành Huy chương Bạc. Với các chiến sĩ cứu hỏa, vũ khí chiến đấu là lăng, vòi, kiềm cộng lực, búa... còn với chúng tôi, đó là những chiếc máy ghi hình. Những bài viết, hình ảnh có thể chưa vẽ nên hết không gian và sức nóng của ngọn lửa; sự vất vả, khó khăn của các chiến sĩ trên mặt trận phòng chống "giặc lửa", nhưng để ghi được những hình ảnh đó là sự cố gắng, là những đêm băng mình vào sương gió, khói lửa, cùng các chiến sĩ chạy đua với thời gian. Thành lập từ năm 2011 đến nay, chúng tôi đã thực hiện được gần 3000 tin bài, hàng trăm phóng sự, chuyên mục Toàn dân PCCC phản ánh hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC góp phần nâng cao công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC và xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát PC&CC thành phố Đà Nẵng hết mình vì nhân dân phục vụ.

MAI VINH