Chuyện cảm động của cô gái đi tìm mẹ

Thứ năm, 26/05/2016 10:20

(Cadn.com.vn) - Vượt nửa vòng trái đất, cô gái ấy về Việt Nam với hy vọng tìm được người mẹ ruột của mình. Tiếc thay, kết quả xét nghiệm ADN đã làm tan giấc mơ đoàn tụ của người con gái 40 năm thất lạc gia đình. Tuy nhiên, câu chuyện tìm mẹ của cô gái lại được kết thúc bằng một tình cảm ngọt ngào..

Giây phút gặp nhau đầy cảm động của bà Mười và chị Tuyết. Ảnh: Lê Cao Tâm.

Ngày 4-4-1975, trong chiến dịch không vận trẻ em của chính quyền Mỹ trước khi rút quân đội khỏi miền Nam Việt Nam, một máy bay quân sự đã đưa tôi và trẻ em mồ côi từ Sài Gòn sang Châu Mỹ. Kể từ đó, tôi trở thành con nuôi trong một gia đình người Canada. Ngoài tôi và 3 con ruột, gia đình này còn nhận 7 người con nuôi khác.

Khi ấy, tôi chỉ là đứa trẻ 8 tuổi nên không thể nhớ gì về gia đình mình. Thời gian đầu, do bất đồng ngôn ngữ nên tôi sống như cái bóng trong nhà và không bao giờ cười. Bố mẹ nuôi dạy tôi nói tiếng bản xứ và giúp tôi hòa nhập cuộc sống mới. Khi tôi đòi đi học, mẹ nuôi bảo tôi không thể đến trường với đôi chân bại liệt. Thấy các bạn cùng trang lứa đi học, tôi vẫn cứ nằng nặc đòi đi. Thương tôi, mẹ nuôi hằng ngày đạp xe đưa tôi đến trường.

Về đôi chân của mình, do quá nhỏ nên tôi không nhớ bị liệt lúc nào. Chỉ nhớ rằng lúc còn ở Việt Nam, tôi đã được đưa vào bệnh viện phẫu thuật 3 lần. Sau khi sang Canada, tôi được bố mẹ nuôi đưa đến gặp bác sĩ và bác sĩ bảo rằng tôi không thể đi lại được. Không chấp nhận số phận bò lết ở nhà, tôi quyết tâm tập đi. Thấy vậy, cha mẹ nuôi lại đưa tôi đến bệnh viện. Sau 2 lần phẫu thuật và gắn dụng cụ hỗ trợ, tôi đi lại vững chãi hơn.

Bà Mười luôn mong mỏi gặp lại con gái ruột của mình. Ảnh: Phương Nam

Tôi lớn lên với sự mặc cảm bởi tôi là con nuôi, không phải dân bản xứ, lại bị tật nguyền. Quyết không để mọi người coi thường mình, tôi luôn nỗ lực vươn lên, tự mình làm tất cả mọi việc. Nhờ chăm chỉ học hành, tôi đã tốt nghiệp trường cao đẳng chuyên dạy cho trẻ khuyết tật rồi tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành Luật. Hiện tôi đang làm việc cho một văn phòng luật sư tại Canada. Tôi còn là vận động viên và là huấn luyện viên về môn bơi lội dành cho người khuyết tật tại Canada.

Khi tôi trưởng thành, mẹ nuôi cho tôi biết tôi là người Việt Nam. Mẹ thường mua áo dài truyền thống Việt Nam cho tôi mặc. Nhiều năm trước, tôi đã nghĩ đến việc quay về Việt Nam tìm gia đình của mình. Tôi được bố mẹ nuôi khuyến khích thực hiện điều này. Tuy nhiên, tôi không biết nên bắt đầu từ đâu vì tôi xa gia đình từ lúc mới 8 tuổi, không có thông tin gì về người thân của mình. Mặc dù vậy, trong tôi vẫn đau đáu một mong ước được quay về Việt Nam, được gặp lại người đã sinh ra mình, để được một lần ôm lấy mẹ, để biết mẹ là người như thế nào và để biết vì sao lúc ấy mẹ lại rời xa mình.

Cuối năm 2015, thông qua mạng xã hội, tôi liên lạc với Chương trình “Mẹ ơi! Con đã về”. Qua chương trình này, tôi biết một gia đình ở Quảng Nam cũng đang tìm một người con gái trạc tuổi tôi, bị thất lạc năm 1975 và cũng có đôi chân tật nguyền. Đó là gia đình bà Phạm Thị Mười (1931, trú thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam). Nhờ chương trình, tôi đã có được mẫu giám định ADN của một người con gái của bà Mười. Mặc dù kết quả không như mong đợi nhưng tôi vẫn hy vọng có sự nhầm lẫn nào đó trong quá trình xét nghiệm. Và tôi đã trở lại Việt Nam.

Chị Tuyết trong một chuyến về Quảng Nam thăm bà Mười. Ảnh: Phương Nam

Ngày 30-3-2016, tại xã Điện Phước, tôi đã gặp bà Mười và con gái của bà. Đó là người phụ nữ hiền hậu. Giây phút gặp nhau, bà đã ôm tôi và khóc. Tôi đã được nghe một câu chuyện buồn của bà. Rằng cũng như tôi, bà thất lạc người thân hơn 40 năm qua. Năm 1961, người con thứ ba của bà tên Lê Thị Có lên cơn sốt cao. Do điều kiện khó khăn nên khi đến được bác sĩ thì bệnh đã nặng, sau đó Có bị liệt hẳn đôi chân. Vì chiến tranh ác liệt, để bảo toàn tính mạng cho cả gia đình, bà Mười gửi Có cho cô nhi viện thuộc Nhà thờ Trà Kiệu (xã Duy Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam). Năm 1975, đất nước thống nhất, bà Mười đến nhà thờ để tìm con thì biết toàn bộ số trẻ trong nhà thờ đã được đưa đi đâu không ai rõ. Kể từ đó, bà Mười lặn lội dò la tin tức để tìm lại Có.

Thông qua phiên dịch, tôi đã nói với gia đình bà Mười về kết quả xét nghiệm ADN. Điều khiến tôi ngạc nhiên và xúc động, họ bảo, dù kết quả như thế nào họ vẫn muốn tôi là thành viên trong gia đình họ. Họ đã dành cho tôi tình cảm nồng ấm mà chưa bao giờ tôi có được. Bà Mười đã ôm tôi vào lòng như không muốn rời ra. Bà còn muốn tặng tôi tiền. Rồi bà bảo tôi hãy về Việt Nam sống với bà, bà sẽ trao cho tôi tất cả số tài sản còn lại của bà và bà sẽ yêu thương tôi suốt cuộc đời.

Khi chia tay gia đình bà Mười, tôi rất đau lòng. Trên khuôn mặt người mẹ ấy, tôi đã nhìn thấy nỗi khát khao cháy bỏng tìm được đứa con thất lạc. Tình yêu ấy bà đã dành cho tôi khiến tôi không bao giờ quên được. Và, tôi mong một ngày nào đó tôi sẽ trở về Việt Nam, để được gặp lại bà...

Phương Nam
(Ghi theo lời kể của chị Phạm Thị Tuyết, TP Toronto, Canada)