Chuyện của những người “gác rừng”... (Kỳ cuối: Cho sông Thanh mãi xanh!)

Thứ năm, 05/05/2022 18:48
Sau khi đẩy đuổi hết các đối tượng và triển khai đánh sập tất cả 75 hầm khai thác vàng trái phép tại vùng lõi của Vườn quốc gia Sông Thanh, chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng như BQL Vườn quốc gia đã triển khai nhiều phương án nhằm bảo vệ hiện trạng, tránh tình trạng các đối tượng khai thác vàng trái phép tái xâm nhập hoạt động. Ngoài lực lượng BVR chuyên trách tuần tra, chốt giữ 24/24 tại các “điểm nóng”, thì việc vận động, huy động người dân ký cam kết, cùng tham gia bảo vệ, quản lý rừng và trồng rừng thay thế hay như việc xây dựng các đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường... cũng là giải pháp được lựa chọn. Tất cả đều với mục đích nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hệ sinh thái có một không hai tại Quảng Nam nói riêng, khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước nói chung.


Và sâu hơn trong những cánh rừng, những cây cổ thụ sẽ vẫn trường tồn nhờ sự bảo vệ, giám sát của các nhân viên BVR thuộc Vườn quốc gia Sông Thanh.
Việc thành lập và đưa vào các tổ, trạm kiểm soát, BVR đã giữ cho Sông Thanh cảnh quan nguyên sinh đẹp mắt – là tiền đề để khai thác tiềm năng về du lịch ở khu vực thượng nguồn dòng sông này.

Ngăn chặn từ gốc

“Sau khi 75 hầm vàng bị đánh sập, BQL Vườn Quốc gia đã tiến hành làm việc với chính quyền địa phương các xã Đắc Pring, Đắc Pre, Đắc Tôi, Tà Pơơ và Đồn biên phòng Đắc Pring nhằm thống nhất quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh về các giải pháp quản lý. Bên cạnh đó, bộ phận tuyên truyền và phổ biến pháp luật của Vườn cũng đã tổ chức họp với các thôn giáp ranh với khu vực các hầm vàng (thuộc các xã vùng đệm) nhằm tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh và các văn bản quy định của pháp luật liên quan đến các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng, khai thác khoáng sản trái phép, các chính sách quản lý rừng đặc dụng liên quan đến Vườn quốc gia Sông Thanh”, ông Đinh Văn Hồng, Phó Giám đốc phụ trách Vườn nói; đồng thời cho biết, hành vi khai thác khoáng sản trái phép trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh ngoài vi phạm Luật Lâm nghiệp còn vi phạm Luật Khoáng sản và Luật Biên giới quốc gia, cũng như gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, dẫn đến các tệ nạn như ma túy, cờ bạc, mại dâm và gây ô nhiễm các dòng suối đầu nguồn của các thôn, bản. “Qua những buổi làm việc, chúng tôi đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan và bà con nhân dân; tất cả đều đồng lòng, quyết tâm không để tình trạng khai thác vàng trái phép xảy ra trong vùng lõi Vườn quốc gia Sông Thanh”, ông Hồng khẳng định.

Và một trong các giải pháp nhằm thuyết phục người dân không tham gia gùi cõng hàng hóa, lương thực vào các bãi vàng, không tiếp tay và tham gia khai thác khoáng sản trái phép, BQL Vườn quốc gia Sông Thanh đã lập kế hoạch tuyển dụng Hợp đồng bảo vệ rừng (BVR) chuyên trách, trong đó ưu tiên người dân trong độ tuổi lao động và con, em các thôn giáp ranh với khu vực 75 hầm vàng vào lực lượng này. “Đến nay tổng số lực lượng BVR chuyên trách của Vườn quốc gia là 240 người, trong đó các xã vùng đệm liên quan trực tiếp đến khu vực 75 hầm vàng là 140 người. Ngoài ra, Vườn cũng phối hợp với các chương trình, dự án như BCC-GEF (“Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rừng bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam”), dự án Trường Sơn Xanh hỗ trợ cung cấp con giống, cây giống cho nhân dân trong các xã vùng đệm để trồng rừng thay thế”, ông Hồng cho biết thêm.

Bên cạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, thì thời gian qua, Vườn quốc gia Sông Thanh đã tiến hành lập 4 tổ chốt chặn với hơn 40 hợp đồng bảo vệ rừng quanh khu vực 75 hầm vàng. Trong đó, Tổ Khe Ru (nằm trên lòng hồ thủy điện Sông Bung 4) có nhiệm vụ quản lý và kiểm tra tuyến đường thủy từ cầu Khe Vinh vào khu vực hầm vàng; Tổ Dốc Mây quản lý, kiểm tra việc gùi cõng hàng hóa bằng đường bộ từ thôn Zara, xã Tà Bhing vào bãi vàng; Tổ thôn 58 quản lý, kiểm tra việc gùi cõng hàng hóa từ thôn 57, 58 xã Đắc Pre, thôn 48, 49 xã Đắc Pring vào bãi vàng theo đường dốc 50; Tổ Khe Tà Vạt đóng tại khe Tà Vạt thuộc trung tâm khu vực 75 hầm vàng thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra hằng ngày tại khu vực 75 hầm vàng.

“Sau khi hoàn thành đánh sập hầm vàng, từ tháng 7-2021 đến tháng 2-2022, Vườn quốc gia Sông Thanh đã chỉ đạo các Tổ xây dựng và triển khai thực hiện 8 kế hoạch tuần tra, kiểm tra và chốt chặn trong lâm phận khu vực 75 hầm vàng đã đánh sập, duy trì thường xuyên quân số tại các tổ chốt. Qua 8 tháng triển khai, khu vực các hầm vàng bị đánh sập được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, đến nay không có dấu hiệu các đối tượng quay lại để thực hiện các hành vi khai thác trái phép (hơn 40 năm chưa thể giải quyết). Nhờ vậy mà hệ sinh thái tại khu vực 75 hầm vàng có sự phục hồi rõ rệt, cụ thể là sự xuất hiện nhiều loại động vật quý hiếm thuộc nhóm nguy cấp IB như Mang lớn, Mang Trường Sơn, Vọoc Chà Vá, Tê Tê, Lợn rừng,… với tần suất ngày càng nhiều hơn”, ông Hồng cho hay.

Ngay trên nền đất các hầm vàng bị đánh sập, màu xanh cây trái đã bắt đầu hồi sinh...

Bảo tồn và phát huy giá trị

Nằm trên địa bàn hai huyện Nam Giang và Phước Sơn, giáp biên giới nước bạn Lào, Vườn quốc gia Sông Thanh có tổng diện tích tự nhiên gần 77.000ha, gồm nhiều phân khu chức năng, nằm trên địa bàn 12 xã của huyện Phước Sơn và Nam Giang. Trong đó có 58.220ha nằm trong phạm vi bảo vệ nghiêm ngặt, nguyên vẹn toàn bộ tài nguyên rừng và đất rừng.Nơi đây có hệ sinh thái rừng vô cùng đa đạng với 830 loài thực vật bậc cao, trong đó 23 loài đặc hữu của Việt Nam; 49 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong rừng, hệ động vật rất đa dạng, gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá và nhiều loài động vật không xương sống…

Tuy nhiên, vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh luôn là “điểm nóng” dai dẳng của tình trạng khai thác lâm khoáng sản trái phép. Chính vì thế tỉnh Quảng Nam đã có rất nhiều quyết sách tập trung bảo tồn khu rừng Sông Thanh. Để quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững, ngoài việc thành lập lực lượng BVR chuyên trách và các giải pháp như đã đề cập ở trên, thì BQL Vườn đã có nhiều đề xuất cụ thể, sát hợp với thực tế. Theo đó, với các khu vực bãi vàng đã tồn tại hơn 40 năm qua (hiện nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp), đề xuất tỉnh Quảng Nam cần bổ sung đưa vào quy hoạch đất lâm nghiệp để có giải pháp phục hồi lại hệ sinh thái rừng, tạo cảnh quan môi trường, nhằm chấm dứt nguy cơ các đối tượng lén lút quay lại làm vàng trái phép. Bên cạnh đó, không thống nhất việc đề xuất quy hoạch các khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản trong lâm phận Vườn Quốc gia Sông Thanh. Quan tâm, thống nhất chủ trương trồng phục hồi lại hệ sinh thái rừng trên các khu vực đã đánh sập hầm vàng để chấm dứt hoàn toàn nguy cơ tác động, quay lại làm vàng trái phép.

BQL Vườn cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Phước Sơn phối hợp với BQL theo dõi, có biện pháp quản lý chặt chẽ các khu vực có nguy cơ khai thác vàng trái phép tại khu vực đầu nguồn của Vườn Quốc gia Sông Thanh. Quan tâm, đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đệm của Vườn thông qua các hoạt động cấp cây giống, con giống bản địa tạo nguồn thu nhập ổn định để người dân không còn quay lại phục vụ cho hoạt động khai thác vàng trái phép…


Và sâu hơn trong những cánh rừng, những cây cổ thụ sẽ vẫn trường tồn nhờ sự bảo vệ, giám sát của các nhân viên BVR thuộc Vườn quốc gia Sông Thanh.

Ngoài ra, dự kiến, tỉnh Quảng Nam sẽ mở các tour du lịch từ khe Ru đến thác 3 tầng (thuộc khu vực rừng đặc dụng- Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh), hướng đến kế hoạch bảo vệ, quản lý rừng tốt hơn. Tour du lịch cũng nhằm đánh giá hiện trạng rừng, du khách sẽ chứng kiến việc tháo dỡ bẫy thú rừng của lực lượng bảo vệ rừng, xử lý các tình huống đẩy đuổi các đối tượng xâm hại rừng. Đây là những việc làm thường xuyên của lực lượng bảo vệ rừng.

“Nơi đây sẽ trở thành điểm tham quan du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách thích khám phá, chiêm ngưỡng những khu rừng nguyên sinh, những con sông suối trong mát và cùng trải nghiệm với sự đa dạng về sinh vật trong môi trường hoang sơ, hùng vĩ”, ông Đinh Văn Hồng nói. Đồng thời cho biết, tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương xây dựng đề án phát triển hành lang đa dạng sinh học của khu vực Trường Sơn nhằm kết nối giữa Vườn quốc gia Sông Thanh, Khu bảo tồn loài Sao La và Rừng Ngọc Linh. Toàn bộ khu vực này được kết nối tạo thành hành lang sinh thái bảo vệ, và khi ấy, Vườn quốc gia Sông Thanh sẽ trở về đúng nghĩa với tên gọi vốn có.

* Trong 3 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng đã tháo gỡ và thu giữ 3.842 sợi dây bẫy làm bằng phanh xe, 39 bẫy kẹp, 1 hệ thống bẫy ống rút lò xo, 1 hệ thống bẫy kẹp thú; 1 lưới bẫy chim; đồng thời đẩy đuổi 13 người vào rừng đặc dụng trái phép; phá hủy 64 lán trại; thu giữ và bàn giao cho công an xã Phước Mỹ 1 khẩu súng tự chế bắn đạn thể thao.

Phóng sự: Doãn Hùng