Chuyện đời của nữ anh hùng Huỳnh Thị Thơ

Thứ ba, 08/03/2016 09:59

Bài 1:  "Bông hồng thép"  giữa thời hoa lửa

(Cadn.com.vn) - Trong bài viết về Đội Hồ sơ nghiệp vụ An ninh thuộc Phòng Hồ sơ CATP với nhan đề "Thầm lặng hồi sinh những cuộc đời" do đồng nghiệp Nguyễn Lê viết  cách đây 7 năm, có đề cập một phần hành trình của Đội đi xác minh, giải nỗi oan cho nữ giao liên, Tổ trưởng Biệt động tự vệ mật P.Bắc Mỹ An (nay là P. Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) Huỳnh Thị Thơ. Khi ấy, bà vẫn chưa được phong tặng danh hiệu AHLLVTND. Gần đây, qua một đồng nghiệp Báo Quân khu V, tôi được nghe kể thêm cuộc đời đầy bi oan của bà. Chính điều này đã thôi thúc tôi tìm gặp để viết lại trọn vẹn hơn về cuộc đời của một nữ anh hùng mang trong mình nỗi bi ai, oan nghiệt, phải đến 30 năm sau ngày giải phóng mới được... giải oan!

Nữ AHLLVTND Huỳnh Thị Thơ giở lại những tài liệu liên quan đến cuộc đời
hoạt động cách mạng của mình.

Tháng 12-2015, tôi liên lạc với bà qua điện thoại. Bắt máy là giọng nói nhẹ nhàng của một phụ nữ đã có tuổi. Bà tìm cách từ chối khéo, nói mình đang có nhiều việc bận... Đầu tháng 3-2016, tôi lại điện cho bà. Vận hết lý lẽ cố thuyết phục, cuối cùng bà cũng đồng ý, hẹn gặp và hướng dẫn tôi đến nhà ở tổ 82, P.Mỹ An (Q.Ngũ Hành Sơn). Đón tôi ở đầu ngõ là nữ AHLLVTND Huỳnh Thị Thơ với dáng người bé nhỏ, phong cách giản dị, mộc mạc. Trong ngôi nhà rộng với khu vườn trồng nhiều cây ăn trái, câu chuyện về cuộc đời thăng trầm, nhiều nỗi oan khiên, bi kịch đến tận cùng đã được bà kể lại bằng giọng kể lúc trầm, lúc bổng nghe sao đến thắt lòng...

Sinh năm 1952 tại thôn Đa Mặn, P.Bắc Mỹ An (nay là khu Đa Mặn 1, P.Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) trong một gia đình có 8 chị em, bà là chị cả. Cha bà được tổ chức sắp xếp làm ấp trưởng của địch để làm cơ sở cho cách mạng (CM) tại khu căn cứ lõm K20 (ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất). Là chị đầu nên từ nhỏ bà đã biết đi chăn trâu, hái rau, phụ giúp mẹ làm việc nhà. Theo lời bà kể thì năm 12 tuổi (1964), bà được ông Sáu Hưng- cán bộ CM, lúc đó ở trong nhà ông bà nội của bà- nhờ đem thư sang Khuê Đông (Hòa Quý bây giờ) đưa cho ông Hương Khoan. Theo sự chỉ dặn của ông Sáu Hưng, lận lá thư vào lai áo rồi đóng vai cô bé đi hái rau, bà băng qua khu vực sân bay Nước Mặn- nơi có nhiều đồn bốt để đem thư đến địa điểm được giao một cách an toàn. Đó là lần đầu tiên bà làm công tác giao liên cho CM. Tuy nhiên, phải đến năm 1965, bà mới chính thức trở thành giao liên hoạt động tại khu căn cứ lõm K20.

Bà Thơ bồi hồi nhớ lại: "Ban ngày thì làm giao liên đi qua khu vực Bà Đa, Mỹ Thị và các địa bàn khác thuộc khu vực quận Ba ngày ấy, tối thì đứng canh gác cho các chú, các anh chị hội họp, đưa bộ đội qua sông, đậy hầm bí mật rồi xóa dấu vết để địch không phát hiện...". Trong hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu AHLLVTND, tóm tắt tiểu sử về cuộc đời hoạt động của bà, được biết, do tính chất hoạt động bí mật nội thành nên bà phải thay đổi họ tên nhiều lần. Nào là Huỳnh Thị Hai, Huỳnh Thị Tiểu Muội, Nguyễn Thị Hai, Hai Nhỏ, Hai Thơ... Từ tháng 5-1966 đến 4-1968, bà được lãnh đạo quận Ba tin tưởng dìu dắt, hướng dẫn và giao nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Thời gian này, bà đã làm được 6 hầm bí mật ngoài đồng, 5 hầm bí mật trong làng, đồng thời được phân công quản lý thêm 5 căn hầm bí mật khác... Tháng 8-1968, một cán bộ phụ nữ bị địch bắt, do không chịu đựng được tra tấn đã chỉ điểm căn cứ CM K20. Thế là tại khu vực Đa Mặn có 4 người bị bắt, trong đó có bà. Hết bị đưa đi trại giam ở Đặc khu băng 2 đến trại giam Gia Long với những đòn tra tấn vẫn không khai thác được gì ở nữ giao liên "bé hạt tiêu" có mái tóc dài tuyệt đẹp, bọn địch đưa bà vào giam ở thị xã Hội An. "Hồi đó, địch có câu vè: "Không, ta đánh cho có/ Có, ta đánh cho chừa". Mấy chị em trong trại tự dặn lòng kiên trinh với CM, có câu đối lại như sau: "Chịu đau mau về/ dễ bề hợp pháp". Ở nhà tù Hội An, ban đầu bà ở chung phòng giam với các chị lớp trên, nên được xem là nhỏ tuổi nhất.

Vì vậy được các chị thương lắm. Thấy mái tóc bà vừa dài, dày bị chấy rận quá nhiều, nên mỗi buổi sáng, khi được bọn lính ngụy cho ra ngoài làm vệ sinh, các chị lén múc thêm nước đem về phòng dành để gội đầu cho bà. Ai dè, sự việc bị quản lý trại giam phát hiện. Khi bà đang gội đầu  chưa kịp xóa dấu vết, quản lý trại giam bước vào lôi bà ra phạt cầm 2 viên gạch phơi nắng giữa trưa hè. Đến lúc ngất xỉu, bọn chúng mới đưa đi cấp cứu..."-bà kể. Sau 1 năm giam cầm không khai thác được gì, cuối năm 1969, chúng thả bà ra. Trở về địa phương, bà phải tìm mọi cách để móc nối lại với cơ sở CM để hoạt động trở lại.

Thương nhất là lần đem thư của cô Sáu Cừ (CM ở địa phương) để đem vào Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam) gửi cho chú ruột của bà là ông Huỳnh Ngọc Hồ. Khi đi đến ngã tư Điện Ngọc thì gặp lính Mỹ đi tuần. Sợ bị phát hiện, bà trốn vào bãi tha ma rồi buộc lòng phải ngủ qua đêm tại đây. Đến sáng, một cán bộ của ta trên đường đi chống càn về ngang qua, phát hiện nghi ngờ là điệp báo của địch nên định bắt bà. Đến khi biết bà đem thư cho thủ trưởng của mình, người cán bộ này đã... cõng luôn cô nhóc nặng chưa đến 37kg về cơ sở. Gặp cháu, người chú hỏi: "Thế tối qua, con ngủ ở đâu?",  bà đáp: "Dạ! Ngủ trong bãi tha ma". Ai cũng nghẹn lời...

Trong thời gian tham gia CM từ 1966 đến 1975, theo lời bà kể thì có 4 lần bị địch bắt giam tù. Hầu hết những lần bị bắt này là do những người từng tham gia CM vì không chịu nổi đòn roi tra tấn đã chỉ điểm. Trong số đó, oan khiên hơn cả, có cả người thân của bà... Có lần bị bắt vì cũng bị chỉ điểm, bà đòi được đối chất với người đồng đội phản bội, bà nhìn thẳng vào mặt người đó để trấn áp. Cuối cùng, xấu hổ trước tinh thần ngoan cường của bà, người này đã phản cung và bà được thả...

Cuối năm 1972, trong một lần cải trang để trốn địch truy lùng sau khi cùng cán bộ cơ sở K20 giải vây 4 cán bộ quận Ba trước họng súng của kẻ thù, bà buộc lòng đứt ruột cắt đi mái tóc dài óng mượt của mình. Phần tóc này được mẹ bà dùng làm chan vấn tóc. Mới đây, phần mái tóc đó đã được gia đình trao tặng cho Bảo tàng làm hiện vật trưng bày...

Ký: Phan Thủy
(còn nữa)