Chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định: Đà Nẵng có gần 130.000 thuê bao chuyển đổi

Thứ bảy, 11/02/2017 10:45

(Cadn.com.vn) - Liên quan đến việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định trên địa bàn TP Đà Nẵng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Hoàng Cẩm.

P.V: Đà Nẵng có bao nhiêu thuê bao sẽ phải thay đổi mã vùng? Việc này có phức tạp, khó khăn gì không thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Cẩm: Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sẽ có khoảng 129.150 thuê bao (VNPT: 95.127 thuê bao, Viettel: 34.023 thuê bao) sẽ thực hiện chuyển đổi trong đợt này, việc chuyển đổi tương đối thuận lợi và đơn giản, chỉ chuyển đổi từ mã vùng cũ 511 sang mã vùng mới 236.

P.V: Việc chuyển đổi mã vùng chắc chắn sẽ tác động đến hoạt động của các cá nhân, tổ chức. Đối với các doanh nghiệp làm ăn với nhiều đối tác, việc liên lạc cũng sẽ gặp khó khăn, xáo trộn trong thời gian đầu. Ông có lời khuyên nào để người dân, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp có thể nhanh chóng thích ứng?

Ông Nguyễn Hoàng Cẩm: Quá trình chuyển đổi nào cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng. Để giảm thiểu việc này, Sở TT&TT đã chủ động triển khai, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn nhằm tạo thuận lợi tốt nhất cho các tổ chức cá nhân sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, trong 30 ngày đầu của quá trình chuyển đổi vẫn sử dụng song song (mã vùng mới và mã vùng cũ); trong 30 ngày tiếp theo sẽ có lời nhắn hướng dẫn cho khách hàng.

Trung tâm Thông tin Dịch vụ công TP Đà Nẵng sẽ hướng dẫn, giải đáp mọi thắc mắc của người dân liên quan đến việc chuyển đổi mã vùng viễn thông thông qua tổng đài 0511.1022.

P.V: Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cung cấp, hỗ trợ phần mềm giúp người dân có thể chuyển đổi mã vùng trong danh bạ điện thoại của mình. Tại Đà Nẵng, việc này sẽ được thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Cẩm: Thực hiện chỉ đạo của Sở TT&TT, Trung tâm Thông tin Dịch vụ công Đà Nẵng (PSC) đã triển khai tập huấn cho nhân viên để sẵn sàng hướng dẫn khi có yêu cầu của khách hàng về cách thức tải các ứng dụng (cả 2 HĐH Androi và IOS) để thực hiện việc chuyển đổi danh bạ của khách hàng một cách tự động.

P.V: Người dân Đà Nẵng làm thế nào để được hướng dẫn chuyển đổi mã vùng và các vấn đề khác liên quan?

Ông Nguyễn Hoàng Cẩm: Để được giải đáp, hướng dẫn việc chuyển đổi mã vùng điện thoại và tất cả những vấn đề liên quan xung quanh vấn đề này, người dân Đà Nẵng và cả các tỉnh khác có thể gọi vào Tổng đài Thông tin Dịch vụ công của thành phố qua số điện thoại 0511.1022.

P.V: Cảm ơn ông!

Công Khanh
(thực hiện)

Đảm bảo không gián đoạn

Bắt đầu từ 0 giờ ngày 11-2, có 13 tỉnh thành phố gồm Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh chính thức chuyển mã vùng điện thoại cố định.

Cơ quan quản lý và các doanh nghiệp viễn thông cho biết, tất cả công tác chuẩn bị cho việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định tại 13 địa phương trên đã hoàn tất, đảm bảo việc chuyển đổi được thuận lợi, không gây xáo trộn trong xã hội, coi trọng quyền lợi của người sử dụng.

Cơ quan quản lý và doanh nghiệp viễn thông đều khẳng định không gây gián đoạn việc thông tin liên lạc của người dùng trong quá trình chuyển đổi. Ảnh: Nguyễn Lê

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: Từ cuối năm 2014, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 22 về Quy hoạch kho số viễn thông. Sau đó, Bộ đã vào cuộc nghiêm túc để triển khai quy hoạch này mà một trong những nội dung quan trọng là đổi mã vùng. Lãnh đạo Bộ, Cục Viễn thông đã làm việc với các doanh nghiệp viễn thông như: VNPT, Viettel, MobiFone, FPT Telecom, CMC, Gtel, Vietnamobile, Đông Dương Telecom... để rà soát cụ thể, đảm bảo cho việc đổi mã vùng điện thoại cố định diễn ra đúng lộ trình. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng điều chỉnh kho số sau khoảng 10-15 năm để đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội.

Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) hiện có gần 4,5 triệu thuê bao điện thoại cố định, chiếm 90% thị phần tại Việt Nam. Ông Tô Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho biết cho biết: Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị của VNPT đã sẵn sàng để chuyển đổi giai đoạn 1. Trước đó, VNPT đã hoàn thành 5 đợt thử nghiệm chuyển đổi lần lượt vào các ngày 16-12, 23-12, 27-12 năm 2016; ngày 6-1 và 21-1 năm 2017. Sau khi hệ thống mã vùng mới đi vào hoạt động, trong tháng đầu tiên, hai mã vùng mới và cũ được sử dụng song song, khách hàng vẫn thực hiện được cuộc gọi khi quay mã vùng cũ. Sau một tháng, nếu khách hàng vẫn gọi theo mã vùng cũ sẽ được thông báo về mã vùng mới cùng hướng dẫn gọi theo mã vùng mới. Ông Tô Mạnh Cường khẳng định: Cách làm này của VNPT sẽ đảm bảo không gây gián đoạn việc thông tin liên lạc của người dùng trong quá trình chuyển đổi.

Lộ trình chuyển đổi mã vùng được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 11-2, áp dụng cho 13 tỉnh/thành phố nêu trên.

Giai đoạn 2 từ ngày 15-4 áp dụng cho 23 địa phương là Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng.

Giai đoạn ba bắt đầu từ ngày 17-6, gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắc Nông, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Tháp.

Mã vùng của 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang được giữ nguyên. Kế hoạch chuyển đổi mã vùng sẽ kết thúc vào 31-8-2017.

B.Ngọc