Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành du lịch
* Nghệ An, Thanh Hóa và Đà Nẵng liên kết phát triển du lịch
* VITM Đà Nẵng 2022 là sự kiện "B to B" lớn nhất của ngành du lịch Việt Nam
Đại biểu đến từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ngành du lịch các tỉnh thành, các đơn vị truyền thông trên lĩnh vực này khẳng định, chuyển đổi số và sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, kênh truyền thông trực tuyến đang trở thành phương thức tiếp cận thông tin thường xuyên, phổ biến và hiệu quả của doanh nghiệp du lịch đối với du khách. Đây cũng là môi trường mang đến cơ hội để du lịch được tiếp cận gần hơn với các thị trường trọng điểm, tiềm năng.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong trong việc triển khai thành công các giải pháp về chuyển đổi số như ứng dụng công nghệ du lịch thực tế ảo VR360 và metaverse, sàn giao dịch trực tuyến, ứng dụng du lịch Đà Nẵng trên thiết bị di động, ứng dụng Chatbot… Với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, chuyển đổi số, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông đã trở thành xu hướng tất yếu để ngành du lịch quảng bá và tiếp cận khách hàng tiềm năng sau đại dịch COVID-19. Hội thảo lần này là diễn đàn để thúc đẩy việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong kinh doanh, giao dịch và truyền thông của các doanh nghiệp du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, thu hút du khách quan tâm và trải nghiệm các điểm đến. Chia sẻ tại hội thảo, bà Phạm Trần Hồng Diễm - Giám đốc Truyền thông Bizverse World PTE. LTD (Singapore) cho rằng, thành công của chuyển đổi số phụ thuộc rất nhiều vào nhân sự và tài chính. “Từ trước đến nay, doanh nghiệp chỉ phải chăm sóc một kênh, giờ đây phải chăm sóc tối thiểu 3 kênh trở lên. Vì vậy, muốn chuyển đổi số, các đơn vị phải có chương trình đào tạo cũng như có chính sách giữ nhân viên bởi chính họ là người tìm và giữ nguồn khách. Chuyển đổi số không phải là cái gì đó cao siêu, mà quan trọng nhất là chuyển đổi ở con người”, bà Diễm trao đổi. Trong khi đó ông Phạm Ngọc Hà - Phó Tổng Giám đốc Sacotravel cho rằng, việc đo lường đối với những sản phẩm của doanh nghiệp du lịch như sản phẩm tour khó hơn là sản phẩm hữu hình như móc khóa, quà lưu niệm…. “Doanh nghiệp vẫn khá lúng túng khi tính toán lượt chuyển đổi khách hàng được truyền thông qua Tiktok để đặt tour du lịch. Họ sử dụng mạng xã hội để xây dựng thương hiệu là chính, còn tỷ lệ bao nhiêu lần khách hàng xem sẽ đặt tour thì vẫn chưa đo lường hay xác định được”, ông Hà cho hay. Còn bà Trương Cát Ngọc – một nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội cho rằng, sáng tạo các nội dung phù hợp với xu hướng giúp cho việc tiếp cận và thu hút sự quan tâm của người dùng trở nên dễ dàng hơn trên nền tảng số. Đó là chìa khóa giúp các doanh nghiệp gia tăng sự nhận diện thương hiệu, thu hút đối với khách hàng tiềm năng trong thời đại công nghệ số như hiện nay.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ quan điểm về bức tranh chung của chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông hiện nay cũng như nhận định những thuận lợi, khó khăn của hoạt động truyền thông trên nền tảng số trong lĩnh vực du lịch. Đại diện ngành du lịch các địa phương, các đơn vị truyền thông trên lĩnh vực du lịch tập trung vào giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông và tiếp cận người dùng trên nền tảng số cho các doanh nghiệp du lịch; phát triển cộng đồng du lịch trên nền tảng số; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển kênh Tiktok cá nhân.
“Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông đã trở thành xu hướng tất yếu trong việc quảng bá và tiếp cận khách hàng tiềm năng. Du lịch Đà Nẵng mong muốn cùng với cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng và chia sẻ những cơ hội, vượt qua thách thức trong quá trình chuyển đổi số hiện nay cũng như trong tương lai”, ông Nguyễn Xuân Bình chia sẻ. Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cũng cho rằng, các giải pháp về truyền thông du lịch trên nền tảng số sẽ được cụ thể hóa, mang lại hiệu quả và lợi ích tích cực không chỉ riêng đối với doanh nghiệp du lịch dịch vụ mà còn góp phần quảng bá hình ảnh du lịch các địa phương, của quốc gia đến với thế giới.
Nghệ An, Thanh Hóa và Đà Nẵng liên kết phát triển du lịch Trong khuôn khổ VITM Đà Nẵng 2022 đã diễn ra hội nghị giới thiệu quảng bá du lịch Nghệ An và liên kết điểm đến “Nghệ An - Về miền ví, giặm”. Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Nghệ An, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa với Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng đã thực hiện lễ ký kết thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương. Hội nghị giới thiệu các sự kiện, chương trình sản phẩm du lịch mới, công tác sẵn sàng đón, phục vụ khách du lịch trong dịp Tết cổ truyền 2023 và các hoạt động “Chào xuân Quý Mão - 2023”, “Chào hè năm 2023”. Sự kiện cũng có chương tình gặp gỡ, hợp tác, trao đổi sản phẩm, dịch vụ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp của 2 địa phương; không gian trưng bày ấn phẩm, tài liệu, vật phẩm giới thiệu về du lịch, thương mại, đầu tư của Nghệ An, Thanh Hóa; sản phẩm quà tặng du lịch, các đặc sản vùng miền của địa phương cũng như các tour du lịch kết nối Nghệ An đến các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, sự kiện giới thiệu quảng bá xúc tiến du lịch Nghệ An và triển khai liên kết hợp tác trong phát triển du lịch vùng Nghệ An, Thanh Hóa với Đà Nẵng hết sức có ý nghĩa, giúp thu hút được nguồn khách tiềm năng từ thành phố Đà Nẵng. Ông Khánh cũng cho rằng, sau hội nghị, các địa phương cần phối hợp tổ chức các đoàn quảng bá, xúc tiến, khảo sát cho các doanh nghiệp du lịch của Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ đến với Nghệ An, Thanh Hóa. Đồng thời Nghệ An, Thanh Hóa cũng cần tập trung công tác truyền thông, quảng bá hơn nữa tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung bằng cách ứng dụng công nghệ 4.0, các nền tảng số để quảng bá một cách hiệu quả nhất. |
Đông A