Chuyện nghề phía sau con chữ

Thứ sáu, 21/06/2024 13:48

Thấm thoát vậy mà ngót nghét gần 10 năm tôi gắn bó với nghề báo. Ngần ấy năm đối với một người làm báo chưa phải là dài nhưng cũng đủ để tôi gói ghém riêng cho mình những kỷ niệm với nghề.

Có nỗi đau nào bằng nỗi đau người mẹ nghe tuyên án tử cho con trai.
Nỗi đau mất con giằng xé tâm can nhưng người mẹ ấy vẫn xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho kẻ đã tước đoạt mạng sống con mình.

Về công tác tại Báo Công an TP Đà Nẵng (nay là Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng) tôi được lãnh đạo đơn vị phân công mảng pháp đình. Người ta nói, tòa án, chốn công quyền là nơi khô khan, liên quan đến những vụ án, tù tội, “thượng vàng hạ cám”... phóng viên pháp đình cũng sẽ vì vậy mà khô khan, chai lì cảm xúc theo thời gian? Nhưng với tôi thì ngược lại, từng câu chuyện ở chốn pháp đình sẽ mang đến cho tôi những cảm xúc khác nhau song chung quy lại nó rất đời. Ở đó có những cảnh đời, cảnh người vì hoàn cảnh đẩy đưa mà họ rơi vào khốn cùng, cũng có những bị cáo “ghét” một cách vô đối nhưng còn có những bị cáo khiến người dự khán phải rơi nước mắt, có những bà mẹ lam lũ, vẫy vùng trong cảnh khó, vì con...

Điều khó khăn đối với những phóng viên pháp đình phải kể đến chính là mỗi lần dự các phiên tòa xét xử các bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, lái xe vi phạm giao thông dẫn đến chết người... Ai cũng sợ đối diện với cảnh thê lương của người mẹ khóc ngất khi con mình nhận án tử, khi những đứa trẻ chới với chạy theo xe chở phạm mà gào to “cha/ mẹ về với con”... Mọi thứ có thể giả vờ nhưng đối với cảm xúc thì không thể.

Như sáng hôm ấy, trong cơn mưa tầm tã TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử lưu động vụ án 2 đối tượng cướp ngân hàng, đâm chết bảo vệ gây rúng động Đà Nẵng. Mẹ bị cáo N.M.C (1988, trú huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) băng vượt mưa để có mặt tại phiên tòa xét xử đứa con trai duy nhất của mình, từ rất sớm. Hội trường xét xử chật kín người càng khiến bà Mỹ (tên nhân vật đã thay đổi) thêm phần áp lực, sợ hãi. Trước khi đến tòa, bà định sẵn phải thật bình tĩnh, ít ra cũng để con yên lòng. Bà đã liên tục ngửa cổ để ngăn nước mắt chảy và giữ chặt tiếng nấc nơi cuống họng… Nhưng mọi thứ đều không thể.

“Phải tử hình, giết người phải đền mạng; ác nhân thất đức, họ làm gì mà đâm chết họ; thứ đó chết cũng đáng đời, chỉ tội cho người làm cha làm mẹ...”, lời người nọ xen vào lời người kia cứ ong ong bên tai bà Mỹ. Bà cúi gằm mặt đau khổ. Bà ngồi co rúm. Bàn tay bà đan chặt vào nhau run lên bần bật...

Có nỗi đau nào bằng nỗi đau người mẹ nghe tuyên án tử cho con trai.

Giờ nghị án, tôi rón rén đến ngồi bên cạnh người mẹ cô quạnh và mở lời. Bà Mỹ như tìm thấy một chút đồng cảm giữa tầng tầng dèm pha, chửi rủa, nghẹn ngào: “Nó là đứa hiền lành, hiểu chuyện. Nó đi xuất khẩu lao động bên Nhật một thời gian rồi về. Qua bên đó cũng chịu khó làm ăn, tiết kiệm dữ lắm. Tôi đâu biết nó sa vào con đường cờ bạc, quá đau lòng... Chính cờ bạc đã đẩy nó vào con đường chết”.

Cá cược đen đỏ, cờ bạc online thua hết số tiền tằn tiện được khi đi xuất khẩu lao động. Không biết “trời xui, đất khiến” thế nào mà C. tham gia vào nhóm “Vỡ nợ làm liều” trên mạng xã hội Facebook rồi gặp và quen T.V.Tr (2001, trú TP Đà Nẵng), cũng là một tay nghiện cờ bạc online rồi vỡ nợ, nên rủ Tr về ở chung trọ. Và cả 2 đã bàn bạc cướp ngân hàng. Bất thành, 2 kẻ cướp bị ông Trần Minh Th. (nhân viên bảo vệ ngân hàng) truy đuổi. C. đã dùng dao đâm một nhát vào vùng lưng của ông Th. Vết thương gây rách phổi, suy hô hấp, trụy tim mạch làm ông Th. tử vong tại bệnh viện ngay sau đó.

TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo N.M.C mức án “Tử hình”, T,V.Tr 30 năm tù về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”... Phiên tòa kết thúc, trời mưa mỗi lúc càng nặng hạt, mưa như những giọt nước mắt tiễn đưa một số phận đang dần kết thúc. Khi bóng dáng chiếc xe chở phạm nhân hút tầm mắt cũng là lúc người mẹ ngã quỵ “con ơi, con giết mẹ luôn đi chứ để mẹ sống chi mà khổ quá ri con...”.

Có lẽ, đó là những nỗi đau giằng xé tâm can và không dừng lại ở phiên xử. Bà mẹ không dám ngẩng mặt nhìn thiên hạ... Nó ám ảnh tôi và bao đồng nghiệp hôm ấy.

Tương tự, vụ án vì mâu thuẫn gia đình, người chồng máu lạnh đã nhẫn tâm tước đoạt mạng sống của vợ, để rồi người chết, kẻ đi tù, để lại 2 đứa con thơ cho bà ngoại nuôi nấng. Tại phiên tòa sáng hôm ấy, bà Hiền (đã thay đổi tên) cũng có mặt từ sớm. Người phụ nữ ngoại lục tuần, dáng gầy gò, tóc đã thấp thoáng hoa râm đứng trong sân tòa, cầm tay 2 đứa cháu nhỏ mồ côi... là một cảnh tượng đầy bi thảm.

Chỉ vì ghen tuông, nghi ngờ vợ “cắm sừng” mình mà H.N.L (1989, trú thôn Quan Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tước đoạt mạng sống của vợ trước mặt 2 con thơ bằng 20 nhát dao oan nghiệt, đoạn nghĩa phu thê. L. bị TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử về tội “Giết người”. Nhìn thấy bị cáo, nỗi đau mất con lại khơi gợi qua từng lời khai này. Tuy nhiên, khi Viện Kiểm sát đề nghị mức án cho hành vi dã man, đê hèn của L., người mẹ vợ đã lên tiếng xin giảm nhẹ hình phạt. “Tôi đã mất con gái, 2 cháu ngoại mất mẹ, đau đớn vô cùng tận, nhưng tôi cũng không muốn để một người mẹ khác phải đau khổ thêm khi con mình nhận mức án nghiêm khắc của pháp luật và 2 cháu ngoại của tôi đã mất mẹ, chúng chỉ còn cha...”. Mỗi tiếng nấc nghẹn của bà Hiền là mỗi thời khắc gia đình bị cáo rơm rớm ánh nhìn biết ơn, tiếng xuýt xoa của những người có mặt.

Không biết có phải từ những điều ấy mà mỗi khi đặt bút tường thuật một phiên tòa, tôi vẫn luôn ao ước rằng các phóng viên pháp đình như mình “thất nghiệp”, ít nhất là những phiên tòa đã nêu.

THANH HOA

Bắt tạm giam kẻ chém chết vợ

VKSND tỉnh Hà Tĩnh vừa phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Mai Văn Hà (1968, trú xã Phúc Trạch, H. Hương Khê, Hà Tĩnh) về tội

Đâm hàng xóm tử vong

Ngày 18-6, TAND tỉnh Quảng Nam xét xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Võ Đức Hân (1986, trú P. Cẩm Châu, TP Hội An, Quảng Nam) 15 năm tù về tội: “Giết người”.