Chuyện nhặt trên “lãnh địa” voi rừng xứ Quảng (Kỳ 1: Phát hiện quý giá)

Thứ hai, 27/04/2020 08:22

Vừa qua, các ngành chức năng phát hiện một đàn voi rừng 8 con, trong đó có 1 chú voi con trên lâm phận xã Quế Lâm (H. Nông Sơn, Quảng Nam), thuộc Khu bảo tồn (KBT) loài và sinh cảnh Voi H. Nông Sơn. Đây được xem là phát hiện tích cực, cho thấy hiệu quả ban đầu của những quyết tâm và nỗ lực bảo tồn voi của tỉnh Quảng Nam. Và thực tế cho thấy, từ khi KBT Voi được thành lập (2017), tình trạng xung đột giữa đàn voi với người dân vùng lân cận hầu như rất hiếm khi xảy ra so với trước đây...

Cán bộ BQL KBT Voi Nông Sơn tuần tra, kiểm soát khu vực voi sinh sống.

Tháng 6-2016, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức đoàn khảo sát về thực trạng voi tại tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận tại xã Quế Lâm có đàn voi Châu Á khoảng 5-6 cá thể. Đoàn công tác đã đề nghị tỉnh Quảng Nam triển khai các giải pháp để bảo vệ. Từ thực trạng đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục điều tra khảo sát, xây dựng và phê duyệt Đề án xác lập KBT loài và sinh cảnh Voi Quảng Nam với diện tích 18.997ha. Đến ngày 9-6-2017, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định thành lập Ban quản lý KBT loài và sinh cảnh Voi H. Nông Sơn (BQL KBT Voi) để triển khai các hoạt động, như: Tổ chức phòng ngừa và ngăn chặn hành vi săn bắn, xâm hại voi, xâm lấn trái phép vào vùng quy hoạch bảo tồn loài và sinh cảnh voi; Điều tra khảo sát các giá trị sinh thái, giá trị tự nhiên, đa dạng tự nhiên cần bảo tồn và giảm thiểu xung đột giữa voi và người...

Bên cạnh đó, Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cũng đã triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ, phát triển rừng cùng bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có hoạt động điều tra, đánh giá đa dạng sinh học tại KBT Voi. Theo kết quả báo cáo hoạt động khảo sát tại KBT Voi từ tháng 2 đến 3-2020, ngoài việc ghi nhận dữ liệu về đa dạng sinh học chung, đoàn khảo sát đã ghi nhận về tình trạng đàn voi hiện nay tại đây có 8 cá thể.

Dựa trên quan sát và hình ảnh ghi nhận tại hiện trường, bước đầu xác định cấu trúc của đàn bao gồm, 1 voi đực trưởng thành, 1 voi đực bán trưởng thành, 3 voi cái trưởng thành, 2 voi cái bán trưởng thành và 1 voi con (khoảng 1 tuổi). Với dữ liệu trên có thể thấy, đây là đàn voi có cấu trúc đàn nhiều cấp tuổi khác nhau và rất khả thi cho sự phát triển trong tương lai. Ngoài ra, nhóm chuyên gia cũng đã xác định sơ bộ được vùng sống của đàn voi ở đây chủ yếu là khu vực phía Nam của KBT, nơi tập trung rừng hỗn giao tre nứa.

“Kết quả về sự có mặt của 8 cá thể voi một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của KBT loài và sinh cảnh voi đối với việc bảo tồn loài thú lớn cực kỳ nguy cấp của Việt Nam. Ngoài ra, các thông tin về cấu trúc cũng như vùng sống của đàn voi có ý nghĩa đặc biệt trong việc xây dựng chiến lược quản lý hiệu quả đảm bảo sự hài hòa giữa nhu cầu phát triển của con người và sự tồn tại của quần thể voi tại KBT. Các hoạt động nghiên cứu lâu dài về vùng sống, sinh thái thức ăn cũng như tăng cường các biện pháp bảo vệ loài voi cần được tiếp tục thực hiện tại KBT để đảm bảo quần thể voi có thể tồn tại và phát triển trong tương lai”, đại diện Dự án Trường Sơn Xanh nhấn mạnh.

Quần thể voi có cả voi con vừa được phát hiện ở Nông Sơn.

Đánh giá về kết quả trên, ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam nhận định: Đây là thông tin rất đáng trân trọng, vì chỉ hơn 2 năm sau khi USAID hỗ trợ tỉnh Quảng Nam thành lập KBT Voi tại H. Nông Sơn và tiếp tục các hỗ trợ về kỹ thuật cho KBT và cộng đồng địa phương thì đàn voi tại KBT đã đón nhận thêm thành viên. Điều này cho thấy sinh cảnh sống của voi đã ổn định hơn, thông qua việc giảm thiểu các nguy cơ bị đe dọa, nguồn thức ăn cho voi tại KBT cũng dồi dào hơn do các hoạt động xâm lấn, khai thác được kiểm soát; và thực tế chứng minh, từ khi KBT được thành lập tình trạng xung đột giữa đàn voi với người dân vùng lân cận hầu như rất hiếm khi xảy ra so với trước đây.

Có thể thấy, phát hiện tích cực này cho thấy hiệu quả ban đầu của những quyết tâm và nỗ lực bảo tồn của tỉnh Quảng Nam. Cho đến nay, USAID đã và đang hỗ trợ KBT Voi về điều tra đa dạng sinh học, áp dụng công cụ Smart trong tuần tra, xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững, hỗ trợ KBT tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương cũng như hỗ trợ một số mô hình nâng cao sinh kế cho người dân sống trong khu vực vùng đệm của KBT.

(còn nữa)  

TRẦN TÂN