Chuyện nhặt trên “lãnh địa” voi rừng xứ Quảng (Kỳ 3: Theo dấu đàn voi rừng)

Thứ tư, 29/04/2020 18:30

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi thành lập vào cuối năm 2017, với lực lượng gần 30 nhân viên thực hiện việc quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ đàn voi trong lâm phận gần 19.000ha. Để đàn voi sinh trưởng tốt như ngày nay, 2 năm qua đội ngũ nhân viên của Ban thường xuyên băng suối, ngủ rừng, lần theo dấu vết đàn voi...

Cán bộ BQL KBT voi trên đường tuần tra khu vực voi đang sinh sống.

Theo chân nhóm cán bộ của BQL KBT voi, chúng tôi băng qua những cánh rừng cao su bạt ngàn của Nông trường cao su Nông Sơn để đến khu rừng già Vũng Thùng, nơi đàn voi về ở những ngày qua. Anh Nguyễn Cao Cường, nhân viên KBT chia sẻ, mới đây, nhóm chuyên gia đã phát hiện thêm 1 chú voi con, nâng tổng đàn lên 8 con. Đây là niềm vui của cán bộ nhân viên trong Ban cũng như những người yêu quý loài voi.

Vừa đi, nhóm cán bộ vừa chỉ cho chúng tôi dấu vết để lại của bầy voi. Những dấu chân to in hằn dưới đất, dù cơn mưa rừng đêm qua nhưng vẫn không làm mờ được dấu chân của những “ông Tượng” để lại. Thỉnh thoảng, những bãi phân voi nằm rải rác ở lối mòn dẫn vào rừng sâu... “Những dấu vết trên chứng tỏ đàn voi đã đến đây tìm thức ăn. Khu này là rừng già nhưng hỗn giao bụi rậm, có nhiều loại như mây, giang, nứa, chuối rừng, dây leo... là thức ăn ưa thích của chúng”, anh Đỗ Đăng Vũ, nhân viên khu bảo tồn cho biết thêm.

Tiếp tục hướng vào khu vực rừng già Vũng Thùng, sau nhiều giờ băng rừng, chúng tôi vẫn chưa tận mắt thấy đàn voi. Anh Vũ cho hay, khu rừng rất rộng, ngay cả nhân viên chúng tôi ở đây cũng ít khi thấy chúng. Vì voi thường ở rừng sâu, chỉ khi cạn thức ăn, chúng mới tìm đến rừng thưa. Nhưng tốt nhất thì tránh gặp chúng, vì thời điểm này đàn voi đang có thêm voi con, nên rất hung dữ, mình không nên xâm phạm lãnh địa của voi. Đúng lúc này, chúng tôi nghe tiếng rống của đàn voi vọng lại từ rừng sâu, ai nấy cũng hớn hở. “Nghe tiếng nó như vậy nhưng vào đến đó phải mất vài ngày băng rừng. Giờ thì trời cũng sắp tối rồi, mình đi chưa có sự chuẩn bị nên không thể đi thêm vào đó được”, anh Vũ khuyên chúng tôi và hẹn một dịp khác.

Bấm tọa độ xác định vị trí khu vực voi rừng đã từng ở. 

Bởi, khu rừng này chẳng lạ lẫm gì với nhân viên của KBT, một tháng thì có đến nửa tháng họ ăn núi ngủ rừng, tuần tra, kiểm soát. “Để chuẩn bị cho một chuyến tuần tra dài ngày, anh em phải mang theo nồi niêu, võng, bạt... thay phiên nhau gùi thức ăn, dựng lều ngủ giữa rừng. Khu rừng rộng nên anh em không ở một chỗ mà đi tuần theo kim đồng hồ từ vùng bìa đến vùng đệm, tuần theo các tiểu khu. Do vậy, từ đây vào đến khu vực voi đang ở còn rất xa” - anh chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Dưỡng- Phó Giám đốc BQL KBT voi cho hay, từ lúc thành lập thì Ban đã xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, và bảo vệ đàn voi là ưu tiên hàng đầu. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát ở khu rừng này, theo dõi nắm bắt tình hình khi có đối tượng lạ xâm phạm vào rừng. “Qua công tác tuần tra, chúng tôi nhận thấy từ khi thành lập khu bảo tồn, đàn voi rất ít bị tác động bởi con người. Sau khi quy hoạch khu bảo tồn thì sinh cảnh sống của đàn voi được đảm bảo, nguồn thức ăn ổn định nên hơn 1 năm nay, đàn voi không về quậy phá hoa màu của dân”, ông Dưỡng nói.

Theo ông Dưỡng, voi ở KBT này có từ lâu, nhưng qua đợt điều tra lần này có một điều quý là có thêm một cá thể voi con dưới 1 tuổi. Thêm một cá thể mới, đây là tín hiệu tích cực, đàn voi đang phát triển, sinh trưởng mạnh, được bảo vệ tốt.

Tâm sự thêm với chúng tôi, ông Lương Quang Minh- Trưởng thôn Phước Hội cho biết, người dân làng Cấm La nơi đây nhiều năm qua chẳng lạ lẫm gì với đàn voi. Chúng ra tận bìa rừng để tìm thức ăn, vào rẫy của dân ăn hoa màu, cây cối. Từ khi KBT voi được thành lập, cảm giác sợ sệt đã qua, giờ họ thấy dường như voi thân thiện hơn với con người.

TRẦN TÂN