Chuyện nhặt trên “lãnh địa” voi rừng xứ Quảng (Kỳ 4: Đàn voi rừng ở Trà Đốc - nỗi ám ảnh của người dân )
Lọt thỏm giữa đại ngàn, cuộc sống người dân đồng bào Ca Dong tại Khe Dưng (thuộc thôn 3, xã Trà Đốc, H. Bắc Trà My, Quảng Nam) gần chục năm qua luôn bất an vì lo sợ “ông Tượng” về quấy phá. Trở lại Khe Dưng, chúng tôi gặp già làng Hồ Văn Xiết (70 tuổi) để hỏi chuyện về voi rừng. Trước đó, năm 2014, khi đàn voi về làng quậy phá, uy hiếp tính mạng của người dân, chúng tôi đã có mặt nơi đây để ghi nhận sự việc. Nhắc đến chuyện voi rừng ở đây, già Xiết cho biết, những năm qua dân làng vẫn luôn nơm nớp lo sợ, họ không dám lên nương rẫy mỗi khi vào mùa.
Già làng Khe Dưng chỉ ngọn đồi voi thường hay về giẫm đạp, ăn hoa màu của dân. |
Để “kể tội” đàn voi, ông dẫn chúng tôi đến gặp những người thường xuyên nhìn thấy voi, hoặc những gia đình bị voi về rẫy giẫm đạp hoa màu. Nhà đầu tiên chúng tôi được dẫn đến là nhà ông Hồ Văn Xếch (65 tuổi). “Mùa rẫy vừa rồi tôi tỉa đến 10 ang lúa giống, nhưng đến mùa lúa chín, voi về ăn giẫm đạp tan hoang. Chúng ăn ở mấy ngày liền không ai dám đến gần. Vài ngày sau khi đàn voi đi, gia đình tôi lên rẫy xem thì không còn lúa để thu hoạch”, ông Xếch than thở.
Qua tiếp xúc với người dân nơi đây, hầu hết ai cũng mong muốn các ngành chức năng sớm di dời đàn voi đi nơi khác, bởi họ không muốn tiếp tục xảy ra xung đột với voi. “Voi thường xuyên về nương rẫy nên dân chúng tôi không dám lên đó để trồng trọt. Nếu trồng được thì đến mùa thu hoạch chúng về giẫm đạp, ăn hết. Lều trại dựng trên đó nó cũng quật ngã. Người dân sống nhờ vào nương rẫy nhưng nay lúa, bắp làm ra không thu hoạch được thì sao mà sống. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị các ngành chức năng sớm có biện pháp di dời đàn voi này đi nơi khác”, bà Hồ Thị Bồng kiến nghị.
Từ khi đường Đông Trường Sơn mở ra, cánh rừng nguyên sinh của xã Trà Đốc bị cắt thành 2 mảnh. Theo người dân, 2 năm nay đàn voi chỉ sinh sống ở cánh rừng phía dưới, giáp ranh với lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3. Khu rừng này phía Tây giáp với đường Đông Trường Sơn, phía Đông giáp với lòng hồ thủy điện, còn hai đầu giáp với làng dân. Không gian sinh sống của chúng ngày càng bó hẹp nên voi thường xuyên về làng quậy phá.
Già làng Hồ Văn Xiết và ông Hồ Văn Xếch kể chuyện voi rừng về phá nương rẫy với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng. |
Theo tìm hiểu của P.V, ngoài khu vực thôn 5, xã Trà Đốc, trước đây khi thủy điện Sông Tranh 3 chưa tích nước, đàn voi hay di chuyển về hướng suối Na Cau (thuộc xã Tiên Lãnh, H. Tiên Phước). Nhưng hiện nay mực nước Sông Tranh dâng cao do thủy điện tích nước khiến không gian sinh sống của đàn voi càng bó hẹp. Chúng chỉ có thể quanh quẩn khu vực rừng già giáp ranh giữa xã Trà Đốc với xã Phước Trà (thuộc H. Hiệp Đức). Tuy nhiên diện tích rừng khu vực này đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi người dân phát nương làm rẫy và phá rừng trồng cao su, nên nguy cơ đàn voi này bị xóa sổ rất lớn. Nếu như năm 2007, người dân phát hiện đàn voi trên có đến 7 con, thì 2 năm trở lại đây, người dân xã Trà Đốc chỉ nhìn thấy đàn voi còn 2 con.
“Tôi hay chèo thuyền đi đánh cá trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3 nên thường xuyên thấy voi ra khu vực rẫy trống để ăn. Chúng rất dạn và thường hay ăn chung với đàn bò. Điều đáng nói, cách đây hơn 10 năm tôi thấy đàn voi có đến 7 con, nhưng nay chỉ còn 2 con. Qua đây kiến nghị các ngành chức năng có biện pháp khẩn cấp bảo vệ, nếu không đàn voi trên sẽ không còn”, ông Huỳnh Ngọc Sơn, một người dân xã Tiên Lãnh cho biết.
Theo Hạt Kiểm lâm H. Bắc Trà My cho hay, diện tích rừng tự nhiên tại khu vực giáp ranh trên chỉ còn chưa đến 200ha. Việc người dân xâm hại đến diện tích rừng nói chung và nơi cư trú của đàn voi nói riêng là có thật. Và khi nương rẫy của người dân lên xanh tốt, đàn voi về quậy quá cũng thường xuyên xảy ra. Từ đó dẫn đến sự xung đột giữa voi với người dân ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
TRẦN TÂN
(còn nữa)