Chuyện về dòng họ hiến tặng tư liệu khẳng định chủ quyền Hoàng Sa

Thứ tư, 20/01/2016 09:30

(Cadn.com.vn) - Suốt chiều dài gần 2 thế kỷ qua, dòng họ Đặng ở xã An Hải, H. Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã giữ gìn gần như nguyên vẹn tờ lệnh điều binh ra Hoàng Sa vào năm Minh Mạng thứ 15, Giáp Ngọ 1834. Đây là một trong những tài liệu quý, có ý nghĩa lớn lao và vô cùng thiêng liêng đối với việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với biển Đông và quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa.

Anh Đặng Tấn Toàn, tộc trưởng đời thứ 7 của họ Đặng cho biết, theo gia phả của dòng họ Đặng ở Hà Tĩnh, vào triều Nguyễn, ông Đặng Sinh, cháu đời thứ 7 của ông Đặng Tất về Bình Sơn định cư một thời gian, sau đó dòng họ Đặng di cư ra đảo Lý Sơn sinh sống bằng nghề biển,  sau này sinh ra ông Đặng Văn Siểm, đến năm sau 1834,  ông Đặng Văn Siểm là một Đà công đưa những người ra Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền. Không chỉ cùng các dòng họ khác khai phá Lý Sơn, suốt 2 thế kỷ từ các Chúa Nguyễn đến triều Tây Sơn cũng như triều Nguyễn sau này, dòng họ Đặng cùng với nhiều dòng họ nổi tiếng khác như họ Phạm Văn, Phạm Quang, Võ Văn... ở làng Lý Vĩnh xưa đều là linh hồn của các hải đội Hoàng Sa và  Bắc Hải.

Sử sách tài liệu chính danh cũng như phả tộc làng Lý Vĩnh cho thấy: dòng họ Đặng là một trong những dòng họ gắn bó với nghề biển qua nhiều thế hệ nên rất thạo luồng rạch trên biển Đông và giỏi điều khiển thuyền buồm cho các chuyến ra Hoàng Sa, trong đó có chuyến đi năm 1834 do Đà công Đặng Văn Siểm điều khiển. Có thể nói chuyến đi này cũng giống như nhiều chuyến đi khác của triều vua Minh Mạng, song nó để lại một tư liệu hoàn toàn có thật về hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Đó là tờ lệnh điều binh ra Hoàng Sa vào năm Minh Mạng thứ 15, Giáp Ngọ 1834. Với con cháu họ Đặng, tờ lệnh này không chỉ là tấm giấy chứng nhận tinh thần xả thân vì nghĩa lớn của tiền nhân đối với đất nước, mà còn chứa đựng đức tin thiêng liêng của cả dòng họ. Trong tờ lệnh ghi rõ: "Giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn những thanh niên khỏe mạnh và giỏi nghề bơi, lặn để gia nhập đội thuyền, giao Đặng Văn Siểm lo kham việc đà công (người dẫn đường), giao Võ Văn Công phụ trách hậu cần". Tờ lệnh còn thể hiện cách thức tổ chức của đội Hoàng Sa, thủy quân Hoàng Sa, phiên chế, cách tuyển chọn, thời gian xuất hành mà nhiều bộ chính sử và các tư liệu lâu nay chưa đề cập rõ.

Bản sao tờ lệnh khẳng định chủ quyền Hoàng Sa tộc họ Đặng ở Lý Sơn
đã hiến tặng cho Nhà nước.

Tờ lệnh của dòng họ Đặng là bằng chứng lịch sử khẳng định hàng năm vua Minh Mạng cho thành lập một hải đội gồm 3 chiếc thuyền và 24 lính thủy canh với khả năng lặn thiện chiến nhất ở đảo Lý Sơn, dong buồm đến Hoàng Sa để tìm hải vật, trồng cây và cắm bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo này. Để giữ được tờ lệnh gần như nguyên vẹn sau ngần ấy năm trời quả là điều không dễ. Năm 1979, không hiểu do đâu mà có rất nhiều người lạ đã đến đảo. Với danh nghĩa là khảo cổ, họ  tìm tới các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa để đề nghị xem, rồi "mượn" đi hàng loạt tài liệu và văn bản cổ quý giá của nhiều họ tộc. Khi biết tin dòng họ Đặng đang lưu giữ một tài liệu quý, nhiều người đã đến đòi xem, thậm chí gạ mua lại với giá cao, nhưng những người cao tuổi cùng tộc họ Đặng đã thống nhất không được mở và cho bất cứ người lạ nào được xem vật gia bảo của dòng tộc, đồng thời cất giữ cẩn thận hơn. Hơn 175 năm qua, những giá trị thiêng liêng của cha ông một thời vâng mệnh triều đình mang gươm đi giữ biển đã được gìn giữ trân trọng.

Ngày 9-4-2009, gia tộc họ Đặng đã thống nhất hiến tặng tư liệu quý này cho Nhà nước. Tuy chỉ vỏn vẹn có 4 trang, thế nhưng với những thông tin xác thực, tờ lệnh góp thêm một bằng chứng khẳng định rằng vùng biển đảo Hoàng Sa từ xa xưa đã thuộc phạm vi cai quản của Việt Nam. Căn nhà cấp 4 ba gian của ông trưởng tộc đời thứ 6 là Đặng Tôn xây dựng từ năm 1964, đến nay đã tròn 50 năm. Khi đó, với vai trò là tộc trưởng, ông Đặng Tôn có trách nhiệm thờ cúng các vị tiền hiền của dòng họ, trong đó có Đà công Đặng Văn Siểm. Nhưng từ trước đến giờ, dòng họ Đặng chưa có nhà thờ riêng của tộc họ, nên ông Đặng Tôn đã dành gian giữa trong căn nhà của mình để đặt bàn thờ và linh vị tiên tổ. Trải qua sóng gió và thời gian, tuy đã được tu sửa nhiều lần, nhưng căn nhà nhỏ, nơi thờ cúng của tộc họ Đặng vẫn ngày một xuống cấp. Năm 2003, ông Đặng Tôn đột ngột qua đời khi chưa hoàn thành được tâm nguyện xây dựng một ngôi nhà thờ riêng cho dòng họ Đặng. Anh Đặng Tấn Toàn cũng muốn thay cha thực hiện sứ mệnh này nhưng lực bất tòng tâm.

Đã hơn 5 năm kể từ ngày tộc họ Đặng ở Lý Sơn hiến tặng tờ lệnh thiêng cho nhà nước, gần 200 hộ con cháu của tộc họ Đặng đang sinh sống ở Lý Sơn và rất nhiều những người con đã rời quê đi làm ăn xa vẫn đang đau đáu với niềm mong mỏi có được một nơi để vinh danh công đức tiền nhân, một nơi để mọi người trong tộc họ tìm về vào mỗi dịp Tế xuân, cúng tộc.

Quỳnh Như