Chuyện về những chiếc quần... rách!
Sách giáo khoa đạo đức lớp 3 viết năm 1962 có bài Chiếc áo bà ba lành nhẹ nhàng mà ý nhị. Khi được anh Vinh rủ đi chơi, hai chị em Tuyết và Hiển liền reo mừng, nhưng anh Vinh bảo Tuyết đi thay chiếc áo bà ba lành và sạch sẽ, còn Hiển thì rửa mặt, chải tóc gọn gàng. Thấy em chỉnh tề, Vinh khen: "Em ngoan lắm. Nhờ cái áo bà ba lành, Tuyết trông xinh lên. Khi ra đường, các em nhớ ăn mặc tử tế. Quần áo phải sạch sẽ, thẳng thớm và lành lặn".
Áo dài truyền thống tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt. |
Câu chuyện này được viết cách đây hơn nửa thế kỷ, khi mà đời sống người dân nước ta còn gặp nhiều khó khăn, việc có quần áo lành lặn, sạch sẽ không phải ai cũng thực hiện được. Nhưng bài học dặn dò trẻ khi ra đường phải ăn mặc lịch sự, cho thấy đó là đòi hỏi chính đáng để mọi người phải tạo ra một hình ảnh đẹp khi tiếp xúc với người khác, khi đến nơi công cộng. Bởi điều đó không chỉ tạo ra nét đẹp chung cho mọi người mà còn tạo nên sự tự tin cho bản thân người ăn mặc lịch sự. Cũng từ nhận thức đó, trước đây khi có giỗ chạp, tiếp xúc với nhiều người hoặc phải ra đường, nhiều người dù nghèo vẫn cố gắng mặc quần áo ngoài chỉnh tề, dù bên trong phải mặc quần áo rách. Do đó, nhiều người luôn "thủ" một bộ đồ "vía" (đồ đẹp, nghiêm túc) để "ăn nói", tức là khi đi đám tiệc, tiếp khách, ra đường...
Bài học về chiếc áo bà ba lành hiện có thể không được nhiều người chú ý, bởi bây giờ, vẫn còn một số người nghèo nhưng về cơ bản không đến nỗi phải mặc quần áo rách. Với không ít người, quần áo chưa kịp cũ thì đã bỏ, do đã có quần áo khác, do bị lỗi "mốt", do không phù hợp với sở thích... Dẫu vậy, bà con ở một số nơi vẫn còn thiếu quần áo để mặc, trẻ em đi học vẫn chưa có đồng phục..., thì yêu cầu về trang phục lịch sự khi đến nơi đông người, đến chỗ trang nghiêm vẫn còn giá trị.
Trên thực tế, hiện còn một số người không phải vì thiếu quần áo mà vẫn mặc quần áo rách khi đến nơi nghiêm trang, lịch sự, khi ra đường... Nhiều bạn trẻ đến giảng đường nếu không bắt buộc phải mặc đồng phục thì khá thoải mái trong ăn mặc; một số bạn gái mặc đầm, váy, áo sơ mi, dù có khi không thực sự phù hợp với môi trường giảng đường; một số bạn khác mặc áo thun, quần jeans... Cá biệt, có một số bạn trẻ mặc loại quần jeans bị xé rách ở nhiều nơi, từ phần ống chân cho đến phần đùi, luôn cả mông, kể cả các bạn nữ, và xem đó là một loại mốt. Có người còn cố ý làm cho quần rách nhiều hơn, xem đó như là một phong cách, là đậm "chất trẻ". Đôi lúc, sinh viên đứng nói chuyện, phát biểu trước lớp, trước mặt giảng viên và nhiều sinh viên, trong bộ quần áo rách nhưng được cho là "đậm khí chất" thực sự không phải là hình ảnh đẹp. Nếu còn gắn với đầu tóc không gọn gàng, lời nói, thái độ thiếu nghiêm túc, thì rõ ràng đó chưa phải là hình ảnh sinh viên đúng chuẩn mực.
Bên cạnh đó, hiện có không ít bạn trẻ khi ra đường còn chưa thể hiện rõ tính lịch sự, nghiêm trang trong ăn mặc, ứng xử, hành vi... Việc ăn mặc, thể hiện đầu tóc, phục sức, thái độ, hành vi... đôi lúc còn nhiều biểu hiện không phù hợp. Chẳng hạn, có người ở trần hoặc mặc quần áo ngủ, trang phục quá "tự nhiên" (quá ngắn, quá mỏng, quá ít vải...) khi đi xe buýt, khi xuất hiện ở chỗ đông người; có người vô tư hút thuốc, nhai chewing gum, ăn uống rồi xả rác bữa bãi; có người mở miệng là văng tục, chửi thề, cứ như không có những tiếng ấy thì không thể nói được; có người sẵn sàng hạ cẳng tay, thượng cẳng chân với bất cứ ai khi có va chạm, xung đột, kể cả người lớn tuổi; có người đến cơ sở tôn giáo, nơi trang nghiêm nhưng ăn mặc, cử chỉ, thái độ không phù hợp, như mặc quần áo quá "tự nhiên", nói lớn tiếng, chỉ trỏ, bình phẩm thô tục... Và có những người mang cả những điều đó khi ra nước ngoài, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.
Bài học về chiếc áo bà ba lành vẫn nên xem là bài học quan trọng và sơ đẳng cho mọi người, mọi gia đình. Cha mẹ cần phải giáo dục con cái việc giữ gìn hình ảnh lịch sự khi đi học, lúc tiếp khách hay khi ra đường; giáo viên phải nhắc nhở, chấn chỉnh học sinh, sinh viên khi có biểu hiện ăn mặc, thái độ không phù hợp; một số nơi tôn nghiêm cần hạn chế tiếp những người có trang phục, thái độ chưa phù hợp… Bên cạnh đó, phim ảnh, truyền hình, sân khấu... cần mạnh mẽ phê phán những biểu hiện lệch chuẩn này, thay vì vô tư hoặc cổ súy với những điều đó.
Chiếc áo bà ba lành nên được xem là biểu hiện đầu tiên để khẳng định một con người lành lặn về phẩm cách. Nên đó vẫn đáng để mọi người lưu ý, nhất là các bạn trẻ.
Nguyễn Minh Hải