Chuyện về những người nằm xuống
(Cadn.com.vn) - Hơn một vạn cán bộ chiến sĩ (CBCS) Quân khu 5 đã hy sinh trong 10 năm bảo vệ biên giới Tây Nam và nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường K. Mỗi người nằm xuống trên đất bạn là một câu chuyện gắn liền với tinh thần quốc tế cao cả, đặc biệt khi đến ngày kỷ niệm giải phóng Campuchia 7-1-1979.
Sư đoàn trưởng trẻ nhất toàn quân
Năm 1984, những ai yêu mến Đại tá Trương Hồng Anh, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 đều bàng hoàng khi nghe tin một trong những sư đoàn trưởng trẻ nhất toàn quân lúc bấy giờ đã hy sinh trên đất bạn. Trương Hồng Anh sinh năm 1948 ở xã Bình Thuận, H. Bình Sơn (Quảng Ngãi). 16 tuổi nhập ngũ. Mới 22 tuổi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 90, 29 tuổi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 và 35 tuổi là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2. Chưa đầy 20 năm trong quân ngũ, anh được phong 13 cấp, từ binh nhì đến đại tá, từ chiến sĩ trinh sát đến sư đoàn trưởng. Anh hai lần có mặt ở chiến trường Campuchia trên cương vị trung đoàn trưởng và sư đoàn trưởng.
Đại tá Nguyễn Đình Ngật, nguyên Chánh Văn phòng Bộ tư lệnh Quân khu 5 nhớ lại: “Khi tôi làm Sư đoàn phó về chính trị thì Trương Hồng Anh làm Sư đoàn trưởng. Trong trận đánh vào căn cứ 547, ta và địch giằng co quyết liệt, lực lượng địch bố trí dày đặc. Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh ra lệnh cho Trung đoàn pháo binh 368 cơ động 2 khẩu pháo nòng dài 85mm và 4 khẩu pháo phòng không 37mm lên phía đài quan sát thực hiện “bắn xăm” vào các hốc đá, tiêu diệt các hỏa điểm địch.
Trận địa pháo 105mm cũng được lệnh phối hợp với pháo của xe tăng bắn cấp tập ghìm đầu địch xuống, tạo điều kiện cho pháo 37mm cơ động. Nhờ cách đánh này, các hỏa điểm địch đã nhanh chóng bị tiêu diệt. Tuy nhiên, Sư đoàn cũng chịu một tổn thất lớn. Ngày 27-3-1984, trên đường đi kiểm tra chiến trường trở về, Trương Hồng Anh bị thương nặng. Cuộc giành giật sự sống cho anh đã diễn ra khẩn trương, Mặt trận huy động cả máy bay trực thăng vận chuyển cấp cứu; hàng trăm chiến sĩ xung phong truyền máu cho anh, nhưng anh đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 2-4-1984”.
Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng Đặng Xuân Thu vẫn nhớ như in ngày Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh bị thương: “Ngày đó tôi là phóng viên của chuyên mục LLVT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Chúng tôi từ trên chốt về và gặp xe Sư đoàn trưởng Trương Hồng Anh bị nạn. Đây là độc đạo chỉ có thể đi được một xe, anh cho xe của mình tránh sang bên để nhường xe chở thương binh về cấp cứu kịp thời. Xe GMC bị trúng mìn tăng của tàn quân Pôn Pốt cài lại. Anh bị nặng nhất”.
Đại tá Trương Hồng Anh (thứ hai từ phải sang) cùng đồng đội tiếp quản sân bay Đà Nẵng |
Chiếc lư hương thờ đồng đội
Năm 1978, đang là nhân viên ngành Bưu điện, Nguyễn Đình Hoàng đã viết đơn xin nhập ngũ, sau đó anh theo đơn vị sang chiến trường Campuchia. Trong một lá thư gửi về gia đình ở Đắc Lắc năm 1983, anh viết: “Con đang làm nhiệm vụ quốc tế vẻ vang và thật sự thấu hiểu những đau khổ, mất mát dưới chế độ diệt chủng mà người dân Campuchia phải chịu đựng. Bản thân con cũng đau khổ, căm hờn chẳng khác gì họ. 3 lần sang đây, đã 2 lần đơn vị con đổ máu, nhiều đồng đội con đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Ba má, anh chị và các em hãy tự hào vì đã có người con, người em đang làm tròn nhiệm vụ của một người lính tình nguyện...”.
Đại tá Nguyễn Văn Thu, Chính ủy Lữ đoàn Pháo binh 572 (Quân khu 5) nhớ lại ngày Hoàng hy sinh: “Bây giờ Hoàng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 733, Sư đoàn 315, nổi tiếng là người đánh địch mưu trí và dũng cảm. Hôm ấy, tôi về Stung Treng học nghị quyết, còn Hoàng vừa nghỉ phép sang nên cũng đang ở đây và theo xe đơn vị về lại Krachê. Không ngờ chiếc xe anh Hoàng đi đã lọt vào trận địa phục kích của Pôn-pốt. Hầu hết CBCS trên xe hy sinh. Hôm đó là ngày 23-10-1988. Năm 1989, Hoàng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Đại tá Lê Lan, nguyên cán bộ Phòng Tuyên huấn Quân khu 5 hiện ở P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) vẫn còn lưu giữ chiếc lư hương đã từng dùng làm lễ truy điệu 13 liệt sĩ hy sinh ở Krachê trong đó có Nguyễn Đình Hoàng. Giọng nghẹn ngào, ông kể: “Toàn Mặt trận 579 nặng trĩu đau thương khi nhìn thấy 13 đồng đội không còn nguyên vẹn hình hài. Buổi lễ truy điệu trước sân của doanh trại Mặt trận hôm đó tràn ngập nước mắt. Bộ phận chính sách đặt chiếc lư này và lọ hoa. Mọi người lần lượt đi qua thắp hương, nguyện biến căm thù thành hành động, giúp bạn truy quét hết Pôn Pốt, đem lại cuộc sống yên lành cho người dân Campuchia”. Khi đoàn xe chở các liệt sĩ về nước, Trợ lý tuyên huấn Mặt trận 579 Lê Lan ở lại, lặng lẽ mang lư hương cất giữ. Một năm sau về nước, ông đưa lư hương về cùng, rồi lập bàn thờ ở nhà cho đến nay.
Lá thư chưa kịp đọc hết
CCB Trần Chiến Chinh, hiện ở 15-Nguyễn Cư Trinh (Đà Nẵng) kể câu chuyện về một đồng đội đã hy sinh. Đó là tháng 12-1984, ông đang là chủ nhiệm hậu cần, Trung đoàn 3, Sư đoàn 859. Đơn vị ông được tăng cường cho Sư đoàn 307 lúc này đóng ở chân núi Pretvihia. Đơn vị cử một trung đội trinh sát gồm 20 đồng chí lên trục 30 chuẩn bị phương án để đánh quân Pôn Pốt từ biên giới Thái Lan đưa lương thực vào Campuchia. Trong khi hành quân, trung đội trinh sát bị dính mìn địch. Một đồng chí hy sinh tại chỗ, Trung đội trưởng Nguyên bị thương nặng. Khi ông Chinh đến, Nguyên cầm tay thủ trưởng, chỉ vào túi áo: “Anh lấy lá thư của người yêu em gửi đọc cho em nghe với. Em muốn nghe một lần nữa, sáng nay chỉ mới kịp đọc vội rồi đi”.
Lá thư còn nóng hổi máu của người chiến sĩ. Hiện lên trên đó là nét chữ mềm mại của người con gái với những lời thật yêu thương, da diết. Ông Chinh vừa đọc vừa nén những giọt nước mắt. Mới đọc được một nửa thì đã thấy Nguyên ngưng thở... Ông Chinh khẽ khàng vuốt mắt cho Nguyên và bỏ lại lá thư vào túi cho anh. Chiến trường ác liệt và liên tục di chuyển, ông không kịp hỏi Nguyên quê cụ thể ở đâu. Chỉ biết rằng chàng chiến sĩ trẻ này ở khu vực Tượng đài mẹ Nhu, Thanh Khê. Về nước, ông đã nhiều lần đi hỏi về người thân của Nguyên, cô người yêu trong bức thư ấy... nhưng không sao tìm thấy. Ông hy vọng rằng, bài báo này sẽ giúp ông làm được điều đó.
Hồng Vân