"Cô bé ngón tay" - những thách thức của thời đại công nghệ

Thứ năm, 12/05/2022 15:59
Trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu 2022, hôm nay 12-5, tại Viện Goethe, 56 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội diễn ra buổi tọa đàm "Cô bé ngón tay - Một thế hệ đột biến ra đời trong kỷ nguyên kỹ thuật số" do Viện Pháp tại Hà Nội và Công ty Sao Bắc Media tổ chức  với sự tham gia của các diễn giả: Tiến sỹ Vật lý Đinh Trần Phương, giáo viên Trường THPT Hà Nội Amsterdam và ông Nguyễn Trí Dũng- Giám đốc Công ty Sao Bắc Media...
Bìa sách "Cô bé ngón tay".
Chân dung tác giả Michel Serres (1930- 2019).

"Cô bé ngón tay- Petite poucette" vừa là tên cuốn sách, vừa là tên đặt cho những cô bé, cậu bé học sinh, sinh viên trẻ tuổi ngày nay của tác giả Michel Serres, do Hoàng Mai Anh dịch (Sao Bắc Media & Nxb Văn học ấn hành). Điều này bắt nguồn từ khả năng điêu luyện khi soạn các tin nhắn trên điện thoại chỉ với ngón tay cái của thế hệ trẻ. Cuốn sách phân tích và nhấn mạnh tầm quan trọng của những thay đổi trong thập kỉ gần đây. Sự ra đời của "Cô bé ngón tay" báo trước cho sự ra đời của một xã hội toàn cầu mới, sáng tạo và hòa bình.

Michel Serres (1-9-1930 - 1-6-2019) là Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp, triết gia, nhà lý luận và nhà văn nổi tiếng người Pháp, tác giả của nhiều bài luận triết học và lịch sử khoa học. Là chuyên gia về lịch sử khoa học và triết học đời sống , ông đã từng đồng hành trong nhiều năm cùng với triết gia nổi tiếng Michel Foucault thành lập ra Trung tâm Đại học Thực nghiệm ở Vinncennes (1968). Michel Serres cũng đã theo chân René Giral đến Mỹ, giảng dạy ở đó gần 30 năm. Ông là một trong số ít các nhà triết học đương đại đưa ra cách nhìn nhận thế giới kết hợp giữa khoa học và văn hóa. Đặc biệt, bằng lối viết đậm chất văn chương khúc chiết và hóm hỉnh, tác giả phân tích sâu sắc về tâm lý trẻ em cũng như những thay đổi trong cuộc sống của giới trẻ khi công nghệ bùng nổ; và vai trò giáo dục của gia đình đối với trẻ em, học sinh, sinh viên trong thời đại này.

Từ khi ra mắt (2012) đến nay, "Cô bé ngón tay" với 80 trang khổ nhỏ của Michel Serres đã luôn đứng trong số những cuốn sách bán chạy nhất tại các hiệu sách, được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và tác giả của nó cũng được mời đi nói chuyện khắp nơi để giới thiệu về cuốn sách.

Trong "Cô bé ngón tay", Michel Serres đề cập tới những vấn đề thời cuộc khi con người, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, đối diện với những thách thức của thời đại công nghệ. Trong đó, tác giả phân tích sâu về tâm lý trẻ em cũng như những thay đổi trong cuộc sống của giới trẻ khi công nghệ bùng nổ; bên cạnh đó là vai trò giáo dục của gia đình đối với trẻ em, học sinh, sinh viên trong thời đại này. Đây chính là hình ảnh ẩn dụ chỉ giới trẻ hay thế hệ Z (những người sinh từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2010) trong thời đại công nghệ bùng nổ mà tác giả Michel Serres muốn nói đến.

Bìa sách "Cô bé ngón tay".

Nền tảng lý thuyết tác phẩm "Cô bé ngón tay" của Michel Serres đó là một lý thuyết về lịch sử phát triển của nhân loại được xác lập bởi sự tiến hóa kỹ thuật không ngừng. Theo lý thuyết này, con người, ngay từ khi mới xuất hiện, về cơ bản là một "sinh vật kỹ thuật", nó thiết lập mối quan hệ với môi trường xung quanh, với giới tự nhiên thông qua vai trò trung gian của các cơ quan nhân tạo. Và theo nhận định của tác giả Dương Thắng: "Nửa cuối thế kỷ XX đã trở thành thời kỳ lên ngôi của kỹ thuật số, mạng internet toàn cầu, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo... Giờ đây bộ óc của từng cá nhân, hệ thống thần kinh của toàn nhân loại đều đã được "ngoại hóa". Đây là một bước đột biến vĩ đại, công nghệ kỹ thuật số đã cho phép "ngoại hóa" gần như tất cả các khả năng nhận thức của con người: trí nhớ, trí tưởng tượng, lý trí và suy luận. Giờ đây ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời điểm nào, mỗi cá nhân thông qua những chiếc máy tính hay điện thoại di động thông minh, có thể tiếp cận với bộ não khổng lồ của toàn nhân loại chứa đựng trong những đám mây điện toán".

Theo kế hoạch, tại buổi tọa đàm, chân dung "Cô bé ngón tay"- đại diện cho thế hệ trẻ thời bùng nổ công nghệ- dần được lộ diện và khán giả sẽ tiếp cận hàng loạt vấn đề thời cuộc như: Tâm lý của trẻ em và giới trẻ thời công nghệ bùng nổ biến đổi ra sao? Nhận diện mọi mặt cuộc sống của trẻ em thay đổi khi công nghệ internet bùng nổ; Môi trường quanh trẻ em (gia đình- nhà trường- xã hội) thời công nghệ có gì xáo trộn? Vai trò giáo dục của gia đình đối với trẻ em thời bùng nổ công nghệ giữ vai trò như thế nào? Sức hấp dẫn của tác phẩm đầy tính triết học nhưng giàu chất văn chương…

Sao Bắc Media là công ty chuyên chọn dịch ra tiếng Việt và xuất bản các tác phẩm văn học tinh tuyển và những tựa sách thuộc chủ đề Khoa học Xã hội & Nhân văn. Độc giả Việt Nam đã quen thuộc với nhiều tựa sách do Sao Bắc Media phát hành như: Văn học và cái ác (G. Battaille), Lưỡi gươm: bàn về nghệ thuật chỉ huy (Charles de Gaulle), Đừng mơ từ bỏ sách giấy (Jean-Claude Carrière và Umberto Eco), Mặt khác của trăng: Khảo luận về Nhật Bản (Claude Lévi-Strauss), Thông thái và số phận (Maurice Maeaterlinck) v.v...

TRẦN TRUNG SÁNG