Có đường lớn mới nghĩ được việc lớn

Thứ bảy, 16/09/2023 09:15
Những ngày này, người dân thôn Khương Mỹ (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) ai ai cũng phấn khởi, bởi con đường làng nhỏ hẹp, xuống cấp lượn quanh các sườn đồi trồng keo vào khu nuôi cá nước ngọt Hóc Khế trước đây, giờ đã được bê-tông kiên cố dài 1km, rộng 5m với kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng...
Người dân thôn Khương Mỹ (xã Hòa Phong) đóng góp công sức mở rộng đường vào khu nuôi cá nước ngọt Hóc Khế.
Người dân thôn Khương Mỹ (xã Hòa Phong) đóng góp công sức mở rộng đường vào khu nuôi cá nước ngọt Hóc Khế.

Để có đủ mặt bằng mở rộng lòng đường từ 2,5m lên 5m, 22 hộ dân liên quan đã tự nguyện hiến 2.500m2 đất các loại, đóng góp công sức theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Theo Trưởng thôn Khương Mỹ Nguyễn Thịnh, lúc đầu lo lắm, vì đó là miếng cơm manh áo của bà con, trong khi thôn vẫn còn nhiều hộ nghèo, khó khăn. Vậy mà chẳng cần vận động nhiều, chỉ nghe về chủ trương, ý nghĩa của con đường, bà con đã hồ hởi đồng lòng hưởng ứng”.Trong đó, phải kể đến các hộ Đỗ Thị Hoa hiến 295m2 đất ở, Đặng Thị Phi Yến hiến 62m2 đất ở... Bà Hoa bảo: “Đường làng xưa nay vốn nhỏ, hẹp chỉ thích ứng với nhu cầu dân sinh đơn giản, hiện cần mở mang thông thoáng để phục vụ sản xuất, lưu thông. Hiến đất cũng tiếc, nhưng nghĩ đến cảnh con cháu đi học,ô-tô vận chuyển hàng hóa không vào được, phải đi lòng vòng qua các đồi keo cũng không an toàn. Vì vậy, gia đình tôi và bà con trong xóm chẳng nề hà thiệt hơn. Bởi có đường lớn, người dân quê tôi mới nghĩ được việc lớn, như mở rộng hồ nuôi cá, không còn vất vả lội bộ vác từng đoạn keo ra đường lớn tập kết nữa”.

Có thể nói, việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là tiêu chí “Giao thông” nông thôn mới luôn là niềm mơ ước bao đời nay của người dân vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng sau khi bắt tay vào triển khai xây dựng, nâng cấp cũng là nỗi lo lắng nhất của chính quyền cơ sở. Bởi, để nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn cần rất nhiều vốn và sự hưởng ứng, tham gia của nhân dân. Trong điều kiện đời sống người dân còn không ít khó khăn, nên khả năng đóng góp, tham gia của người dân vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cũng có hạn. Nắm bắt tâm tư này, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc, giải quyết ngay những vấn đề vướng mắc nhân dân nêu một cách có lý, có tình. Khi đã thông về tư tưởng, thì việc mở rộng đường không còn là việc khó...

Nhắc lại điều đó để thấy rằng, vùng thuần nông Hòa Phong có được kết quả như hôm nay, nhân tố quan trọng không thể không kể đến là sự chung tay, góp sức của người dân và in đậm dấu ấn của cộng đồng. Trong đó, góp tiền của, công sức, hiến đất, vật kiến trúc để mở rộng, nâng cấp đường là những hình thức hưởng ứng tích cực của người dân vào công cuộc xây dựng nông thôn mới... “Lâu nay, việc người dân hiến đất làm đường đã trở thành phong trào, lan tỏa hầu khắp các thôn, xóm. Qua đồi xẻ đồi, qua đồng đắp đất, những tuyến đường liên thôn, kiệt hẻm như mạch sống lan đến từng khu dân cư mà không có lực cản bởi phần lớn người dân đồng thuận. Việc mở rộng các tuyến đường cũng là một cách để địa phương khơi dậy nguồn lực trong dân, sẵn sàng đón những cơ hội phát triển. Có đường lớn rồi thì những định hướng về phát triển vùng nông nghiệp hàng hóa sẽ trở thành hiện thực hơn” - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Đặng Xuân Thành cho biết thêm.

VY HẬU