Cô gái Ca Dong đưa dược liệu vùng cao vươn tầm quốc tế

Thứ ba, 09/08/2022 18:54
Nhận thấy vùng núi nơi mình đang sinh sống có nhiều loại dược liệu quý hiếm nhưng chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, những năm qua, cô gái người Ca Dong Hồ Thị Mười (1983), trú xã Trà Mai, H.Nam Trà My (Quảng Nam) đã thu gom các sản phẩm dược liệu thô của người dân bản địa rồi chế biến bán lại cho người tiêu dùng. Bắt đầu khởi nghiệp bằng hình thức đó, đến nay, chị Hồ Thị Mười đã gầy dựng nên Cơ sở kinh doanh dược liệu Mười Cường phong phú chủng loại, uy tín, chất lượng.
Chị Hồ Thị Mười bên gian hàng các loại sản phẩm dược liệu của mình.
Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tham quan chụp hình lưu niệm tại gian hàng chị Hồ Thị Mười.

“Kho” dược liệu của người vùng cao

Sinh ra, lớn lên trên vùng đất Nam Trà My nghèo khó, từ nhỏ chị Hồ Thị Mười đã ý thức được việc cố gắng học hành để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Năm 2005, chị Mười tốt nghiệp ngành nông nghiệp Trường Đại học Nông lâm Huế trở về quê hương làm cán bộ khuyến nông của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp H.Nam Trà My. Sau nhiều năm theo dõi và xây dựng các chương trình liên quan đến nông lâm nghiệp, chị Mười nhìn thấy những loại dược liệu quý được bà con đi rừng mang về nhưng lại không tìm được thị trường. “Có rất nhiều loại củ quả, dược liệu quý bà con đi rừng kiếm được, nhưng lại không bán được do chưa tìm được thị trường. Hay cũng có khi bị thương lái dưới xuôi lên ép giá, bà con thấy rẻ quá nên không bán. Không bán thì treo lên gác bếp, hoặc đem ngâm rượu, nhưng lại không đúng cách. Lâu ngày, các loại này bị mất giá trị. Do đó, mình muốn tạo nên một cái kho đầy đủ quy chuẩn để mua sản phẩm của bà con với mức giá bình ổn, giúp người dân địa phương có việc làm, nâng cao nguồn thu nhập”- chị Mười chia sẻ.

Chị Hồ Thị Mười phát biểu tham luận tại Hội chợ giới thiệu sản phẩm - dịch vụ chất lượng cao Asean tại Singapore.

Trước khi thành lập Cơ sở sản xuất dược liệu lấy tên Mười Cường, người phụ nữ Ca Dong này đã tự nguyện trở thành một kênh kết nối giữa đồng bào với thị trường miền xuôi, thông qua việc bán lẻ cho các đoàn công tác đến Nam Trà My. “Trước đây, H.Nam Trà My chưa hình thành nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán các mặt hàng nông sản, dược liệu, sâm Ngọc Linh như bây giờ. Hầu hết các hộ buôn bán nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu người dân trong huyện. Nhận thấy các loại dược liệu tự nhiên tốt cho sức khỏe, tôi quyết định mở rộng kinh doanh và quảng bá các mặt hàng dược liệu địa phương đến khắp mọi miền. Để có vốn kinh doanh, tôi vay ngân hàng 100 triệu đồng để chế biến các sản phẩm như cao sâm nam, rượu sâm Ngọc Linh, rượu sâm các loại từ dược liệu..., giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn các sản phẩm phù hợp làm quà; hoặc những loại giảo cổ lam, chè dây… có công dụng ngăn ngừa các bệnh biến chứng tim mạch, xơ vỡ mạch máu, bảo vệ tế bào gan, tăng cường chức năng giải độc cho gan, hỗ trợ điều trị bệnh ung thư... mà ngày càng được nhiều người tìm kiếm”- chị Mười thông tin.

Du khách chụp hình lưu niệm với chị Hồ Thị Mười tại Lễ hội sâm Ngọc Linh 2022 vừa qua.

Đưa sản phẩm bay xa

Tháng 12-2018, chị tham gia dự thi chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”, “Trà giảo cổ lam” của chị đã đạt danh hiệu sản phẩm 3 sao cấp tỉnh, Cơ sở sản xuất dược liệu Mười Cường được công nhận ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh năm 2019. Càng vinh dự hơn khi chị Mười được tỉnh Quảng Nam bầu chọn là cá nhân tiêu biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2020. Cùng với đó, chị tham gia rất nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Đặc biệt là tham dự Hội chợ giới thiệu sản phẩm - dịch vụ chất lượng cao Asean tại Singapore. Tại đây, Cơ sở sản xuất Mười Cường đã được Ủy ban Tổ chức đánh giá và truyền thông về sản phẩm dịch vụ chất lượng cao Asean tại Singapore cấp chứng chỉ công nhận và cúp lưu niệm. “Hầu như hội chợ, triển lãm nào trong và ngoài tỉnh có điều kiện tham dự được tôi đều tham gia để đưa các sản phẩm của mình đến với khách hàng. Thông qua việc quảng bá những sản phẩm của mình, tôi muốn người tiêu dùng biết đến những dược liệu quý hiếm, nhiều công dụng của núi rừng Quảng Nam nói chung, vùng cao Nam Trà My nói riêng”- chị Mười trải lòng.

Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, thu nhập của gia đình chị Mười đạt trên 1 tỷ đồng. Chị lại đem số tiền lãi đó tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Cuối năm 2019, chị thành lập Hợp tác xã (HTX) cộng đồng Ngọc Linh. HTX với gần 20 hộ dân là người đồng bào thiểu số thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Ngoài việc mở rộng vùng sản xuất các loại dược liệu, HTX này còn đầu tư phát triển trồng sâm Ngọc Linh với diện tích hàng chục héc-ta. “Hiện tại, tôi đang xây dựng một số dự án cùng cộng đồng phát triển; HTX hoạt động trên tinh thần tất cả thành viên tự bỏ công sức vào làm thay vì góp vốn. Trong đó chủ lực nhất vẫn là cây sâm Ngọc Linh, một trong những loại sâm tốt nhất thế giới. Hy vọng phương án này sẽ giúp các hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống và thoát nghèo bền vững” - chị Mười tâm sự.

Chị Hồ Thị Mười bên gian hàng các loại sản phẩm dược liệu của mình.

Chủ tịch Hội LHPN H.Nam Trà My Vũ Thị Như Thuyên nhận xét: “Chị Mười là gương điển hình của phụ nữ H.Nam Trà My trong nhiều phong trào thi đua. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị còn vận động hội viên trong chi hội cùng xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả; giúp đỡ những hội viên khó khăn về vốn để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Chị luôn tích cực tham gia các hoạt động do Hội phụ nữ xã, huyện tổ chức, tích cực ủng hộ các phong trào quyên góp ở địa phương. Chị xứng đáng là tấm gương để chị em hội viên phụ nữ noi theo”.

Với những thành quả có được, chị Hồ Thị Mười vinh dự được các cấp, ngành, chính quyền địa phương tặng nhiều Bằng khen, giấy khen các loại. Đặc biệt tháng 6 vừa qua, chị Hồ Thị Mười được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2018-2022.

B.B