Cô gái miền núi mê làm từ thiện

Thứ hai, 17/07/2017 11:51

(Cadn.com.vn) - Sinh ra nơi miền cát trắng Bình Dương (H. Thăng Bình, Quảng Nam), nhưng sau khi có gia đình, Nguyễn Thị Hồng Thương (1988) cùng chồng quyết định lên... núi để lập nghiệp. Nơi vợ chồng Thương chọn gắn bó với tuổi thanh xuân của mình nằm dưới chân núi Ngọc Linh, nơi có những nóc nhà nằm chênh vênh trên sườn đồi, có những nóc đi nửa ngày đường mới đến...

Nguyễn Thị Hồng Thương (bìa trái) đem số tiền kêu gọi quyên góp được đến bệnh viện
trao cho cha cháu Hưng.

Đến đầu xã Trà Cang (H. Nam Trà My), hỏi tiệm tạp hóa Nam Thương ai cũng biết. "Các chú cứ đến ngã ba rẽ phải, chạy thẳng lên con dốc một đoạn, nhìn bên tay trái sẽ thấy tiệm Nam Thương. Tiệm đó ngay đầu thôn 3"-bé trai bứt đót bên đường cho chúng tôi hay. Vợ chồng Thương được nhiều người biết đến bởi ngoài việc cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân một số thôn trong xã, còn được mọi người biết thông qua những việc làm từ thiện thiết thực. Tiệm tạp hóa Nam Thương (chồng tên Nam-P.V) cũng là nơi gặp gỡ, trao đổi, mua bán của những người dân trong xã. Vì vậy, nơi đây cũng là "nguồn tin" mà những chuyện xảy ra trong xã, chủ tiệm này đa phần nắm được. Bởi thế, khi trong thôn, trong xã có người đau ốm, bệnh tật không tiền chữa trị, vợ chồng Thương đều ra tay cứu giúp. Tâm sự với chúng tôi, Thương chia sẻ: Cuộc sống vợ chồng Thương không giàu có, chỉ đủ sống qua ngày. Nhưng nhìn những hoàn cảnh người dân nơi đây, đa phần là đồng bào thiểu số, cuộc sống còn khó khăn, nhất là khi đau ốm, bệnh tật không có tiền đi bệnh viện, chỉ ở nhà cúng bái chờ chết, thấy rất đau lòng... "Họ sinh ra ở nơi khó khăn, thiếu thốn, khi gặp hoạn nạn mới cần mình giúp đỡ. Những lúc như thế mình không thể làm ngơ được. Và khi phát hiện những trường hợp đó, thông qua mạng xã hội, Thương làm cầu nối nhằm lan tỏa sức mạnh cộng đồng, chung tay giành lại mạng sống cho những người dân khốn khó, để họ biết dân tộc nào cũng là người Việt Nam, là con cháu Bác Hồ, họ không hề đơn độc và xã hội luôn quan tâm đến những mảnh đời không may mắn đó"- Thương tâm sự.

Nguyễn Thị Hồng Thương thường xuyên đến thăm hỏi, giúp đỡ hoàn cảnh cháu
bị bệnh não úng thủy tại thôn 3, xã Trà Cang.

Với suy nghĩ đó, trong những năm qua, Thương làm cầu nối kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm quyên góp, giúp đỡ cho hàng chục trường hợp người đồng bào Xê Đăng nơi đây vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Riêng trong 2 tuần vừa qua, Thương kêu gọi mọi người giúp đỡ cho 2 trường hợp đặc biệt khó khăn, đó là trường hợp em Phạm Xuân Hưng (12 tuổi, người Xê Đăng, thôn Long Cheng, xã Trà Cang). Trước đó trong lúc rẫy, không may em Hưng đạp trúng bẫy thú bằng sắt của người dân đặt trong rừng. Cứ nghĩ đơn giản nên gia đình lấy lá rừng đắp lên vết thương. Tuy nhiên đến ngày thứ 3 thì Hưng lên cơn sốt, co giật, hôn mê. Gia đình đưa đến bệnh viện Nam Trà My, rồi chuyển xuống bệnh viện Nhi Quảng Nam. Xét nghiệm cho thấy Hưng bị nhiễm trùng uốn ván rất nặng, hôn mê sâu hơn 10 ngày, thường xuyên bị co giật, phải thở oxy. Sau đó Hưng được chuyển ra Bệnh viện Phụ sản-Nhi ở Đà Nẵng. Tại đây, qua chẩn đoán ban đầu cho thấy Hưng hiện bị nhiễm trùng máu, suy hô hấp, 2 chân gần như bại liệt, 2 tay đã hết ven phải lấy ven ở cổ... Qua 2 ngày kêu gọi giúp đỡ, Thương đã nhận từ bạn bè, các tấm lòng hảo tâm hơn 12 triệu đồng và đã vượt đường xa hơn 200km để đến Bệnh viện trao cho cha mẹ em Hưng. Trước đó, tối 3-7, anh Hồ Văn Hốc (1984, dân tộc Xê Đăng, trú làng Tắk Pu 1, thôn 2, xã Trà Nam, H Nam Trà My) bị lên cơn động kinh co giật ngã vào bếp lửa làm bỏng cả khuôn mặt, mắt trái bị hỏng. Hoàn cảnh gia đình anh Hốc vô cùng khó khăn, vợ có chồng khác để lại anh đứa con nhỏ chưa đầy 1 tuổi cho anh và bà nội nuôi. Vì không có tiền đưa anh đi điều trị nên bệnh càng ngày càng nặng hơn, một ngày lên cơn co giật trên 5 lần. Trước tình cảnh đó, giáo viên và người dân nơi đây chung tay quyên góp đưa anh Hốc xuống bệnh viện Đa khoa Quảng Nam chữa trị. Sau khi nhận được thông tin trên từ người bạn, Thương đã nhanh chóng kêu gọi mọi người giúp đỡ và đã trao tận tay cho anh Hốc gần 10 triệu đồng...

Nói về tấm lòng của Thương, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết: Ngoài việc đáp ứng nhu yếu phẩm cho người dân các thôn trong xã, gia đình chị Thương còn mua bán, trao đổi nông sản với người dân địa phương, giảm bớt quãng đường đi lại, qua đó tạo thuận lợi cho người dân hăng say lao động. Bên cạnh đó, chị Thương là tấm gương điển hình tại địa phương trong công tác từ thiện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, gia đình chị Thương được người dân địa phương rất tin yêu, quý mến. Vợ chồng Thương còn được nhiều người biết đến trong công tác quảng bá hình ảnh sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến với bạn bè trong và ngoài nước. Chính việc làm đó mà trong Lễ hội sâm núi Việt Nam tổ chức tháng 6 vừa qua, Thương được UBND H. Nam Trà My tặng giải thưởng cho công tác bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh.

BÃO BÌNH