Cơ hội cho Iran

Thứ bảy, 14/03/2015 09:58

(Cadn.com.vn) - Iran đang đứng trước cơ hội lớn khi LHQ và các nước phương Tây tính chuyện dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.

Các cường quốc thế giới ngày 13-3 tề tựu về Washington, bắt đầu các cuộc đàm phán theo đó có thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt của HĐBA LHQ chống Iran, bước đi có thể  khiến Quốc hội Mỹ gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực cản trở một thỏa thuận tiềm năng với Tehran.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và người đồng cấp Iran Mohammad Zarif đang nỗ lực để các bên đi đến một thỏa thuận hạt nhân bước ngoặt. Ảnh: Wochit

Các cuộc đàm phán giữa 5 thành viên thường trực HĐBA là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ cùng với Đức và Iran, diễn ra trước thềm các cuộc đàm phán khó khăn về vấn đề hạt nhân của Tehran, dự kiến sẽ được nối lại vào tuần tới. 8 nghị quyết của LHQ - 4 trong số này là áp đặt lệnh trừng phạt - cấm Iran làm giàu uranium và những hoạt động sản xuất nguyên tử nhạy cảm khác. LHQ cũng cấm quốc gia Hồi giáo mua và bán công nghệ hạt nhân và bất cứ điều gì liên quan đến tên lửa đạn đạo. Ngoài ra còn có một lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào quốc gia Hồi giáo.

Iran coi việc HĐBA LHQ dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt là cơ sở pháp lý Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) tiếp bước theo sau. Mỹ và EU thường viện dẫn việc Tehran vi phạm lệnh cấm của HĐBA LHQ về hoạt động hạt nhân nhạy cảm và các hoạt động khác để biện minh cho việc áp đặt các hình phạt bổ sung đối với quốc gia Hồi giáo.

Hiện, Washington đang có những bước đi nhượng bộ hơn. Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định, một thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không có ràng buộc về mặt pháp lý, có nghĩa là Tổng thống Mỹ trong tương lai có thể quyết định không thực hiện nó. Quan điểm này càng được nhấn mạnh trong bức thư ngỏ của 47 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa gửi cho Tehran, trong đó cảnh báo, bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể bị loại bỏ khi Tổng thống Barack Obama rời Nhà Trắng vào tháng 1-2017.

Nhiều nước chỉ trích lá thư này. Trong bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) hôm 13-3, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh, không cần bức thư nói trên, các cuộc đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân của nước này đã rất khó khăn và bức thư sẽ chỉ làm cho tình hình trở nên “phức tạp hơn”. Nhưng trên thực tế, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, một thỏa thuận hạt nhân với Iran khó có thể là ràng buộc về mặt pháp lý, động thái có thể làm phức tạp quá trình đàm phán và làm gián đoạn những nỗ lực của các bên liên quan.

Iran và 6 cường quốc đang hướng đến việc hoàn thành các khuôn khổ của một thỏa thuận hạt nhân vào cuối tháng 3, và đạt thỏa thuận đầy đủ vào ngày 30-6, để kiềm chế các hoạt động hạt nhân nhạy cảm nhất của Iran trong vòng ít nhất 10 năm để đổi lấy dỡ bỏ dần dần tất cả biện pháp trừng phạt. Cho đến nay, các bên đàm phán  tập trung vào các biện pháp đơn phương của Mỹ và EU nhằm vào ngành năng lượng Iran và các lĩnh vực tài chính, mà Tehran đang rất muốn loại bỏ.

Vấn đề trừng phạt này là điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán tiếp tục vào tuần tới tại Lausanne, Thụy Sĩ. Nhưng các quan chức phương Tây tham gia vào các cuộc đàm phán cho biết, họ cũng đang thảo luận về các yếu tố trong dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ nhằm bắt đầu nới lỏng lệnh trừng phạt của LHQ nhắm vào Iran từ tháng 12-2006.

Nếu các vấn đề trừng phạt này được giải quyết, một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran thật sự đang đến gần.

Khả Anh