Cơ hội cho người dân đi lao động tại Hàn Quốc

Thứ tư, 31/07/2024 11:23

Nhiều lao động tại tỉnh Đắk Lắk đã có cơ hội được đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài (còn gọi là Chương trình EPS), từ đó có việc làm tốt, thu nhập cao.

Chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) này đang tiếp tục hấp dẫn người lao động.

Anh Phan văn Huệ, SN 1987, ở thôn 1B (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) vừa tham gia kỳ thi kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực (đợt thi vòng 2) ngành sản xuất chế tạo do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Việt Nam tổ chức. Hiện, anh đang chờ kết quả để được làm hồ sơ dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc. Đây là lần thứ 2, anh Huệ tham gia XKLĐ theo chương trình EPS.

Cách đây hơn 10 năm (vào tháng 4/2014), anh Huệ sang Hàn Quốc làm việc trong ngành sản xuất chế tạo, với thu nhập bình quân khoảng 20-25 triệu đồng/tháng (lương cơ bản), có tháng cao điểm (tăng ca nhiều), thu nhập lên đến hơn 70 triệu đồng. Số tiền dành dụm được trong thời gian XKLĐ đã giúp gia đình anh xây dựng nhà cửa, mua đất đai canh tác.

Hiện nay, con cái tạm ổn, anh Huệ quyết tâm “vượt qua” hai vòng thi của chương trình EPS để được sang Hàn Quốc làm việc. Anh Huệ trò chuyện: "Thu nhập của người lao động ở Việt Nam hiện nay không cao bằng ra nước ngoài làm việc. Mình còn trẻ, phải chịu khó XKLĐ thêm mấy năm nữa để tích lũy vốn liếng, sau khi về nước tính chuyện làm ăn sẽ dễ dàng hơn. Sau đợt XKLĐ này, nếu Chính phủ Hàn Quốc cho gia hạn hợp đồng làm việc, tôi sẽ ở lại làm thêm".

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện M'Drắk tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước tại buôn M' Lốc B (xã Krông Jing).
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk hướng dẫn người lao động làm hồ sơ tham dự kỳ thi tiếng Hàn đợt 1, năm 2024.

Tương tự em Đặng Thị Trúc Ly, SN 2001, ở thôn An Bình (xã Ea Tih, huyện Ea Kar) cũng vừa tham dự vòng 2 - kỳ thi kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực vào ngành sản xuất chế tạo với hy vọng có cơ hội được lựa chọn sang Hàn Quốc làm việc.

Em Trúc Ly cho hay, em lựa chọn XKLĐ sau 5 năm "lăn lộn" làm công nhân da giày, may thú nhồi bông ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai với việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh không đủ trang trải cuộc sống xa nhà. Trở về địa phương, tìm hiểu về các chương trình đi xuất khẩu lao động, em được cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Đắk Lắk (thuộc Sở LĐ-TB&XH) tư vấn, hỗ trợ giải đáp thắc mắc về các vấn đề liên quan đến chính sách, công việc, chế độ đãi ngộ khi XKLĐ tại các thị trường và em đã chọn thị trường Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Trên đây chỉ là 2 trong số 174 lao động của tỉnh đã đăng ký dự tuyển đi lao động theo Chương trình EPS đợt 1, năm 2024. Qua đây có thể thấy, EPS có "sức hút" đối với lao động bởi có chi phí thấp, đảm bảo các điều kiện cho người lao động khi tham gia làm việc ở thị trường Hàn Quốc. Song, XKLĐ theo chương trình này đòi hỏi người lao động phải đáp ứng các tiêu chuẩn khá khắc khe hơn so với một số thị trường lao động khác.

Một trong những tiêu chí để được xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc là người lao động phải vượt qua hai vòng thi kiểm tra năng lực tiếng Hàn và đánh giá tay nghề sau đó nộp hồ sơ dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc, được chủ sử dụng lao động lựa chọn ký hợp đồng rồi mới đóng chi phí xuất cảnh. Việc tiếp nhận đăng ký thi tiếng Hàn được thực hiện thông qua Trung tâm DVVL Đắk Lắk.

Đồng thời, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Mức tiền ký quỹ là 100 triệu đồng, khoản tiền ký quỹ này lao động được nhận lại cả gốc và lãi sau khi về nước đúng hạn theo hợp đồng.

Nếu như trước đây, người lao động phải học tiếng Hàn tại các trung tâm ngoại ngữ ngoài tỉnh, thì từ năm 2022, tại tỉnh Đắk Lắk đã có Trung tâm Ngoại ngữ Khôi Nguyên (phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) - là một trong ít cơ sở ngoại ngữ được Sở GD-ĐT cấp phép đào tạo tiếng Hàn Quốc. Hiện nay, Trung tâm chủ yếu đào tạo tiếng Hàn Quốc cho người lao động, học viên có nhu cầu tham gia đi XKLĐ tại thị trường Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Học tiếng Hàn tại Trung tâm ngoại ngữ Khôi Nguyên.

Bà Phan Thị Hồng Phi, Giám đốc Trung tâm Ngoại Ngữ Khôi Nguyên cho biết: Trung tâm đào tạo tiếng Hàn đảm bảo thời lượng theo chương trình đã đăng ký với Sở GD-ĐT, giáo viên kèm sát học sinh, giao bài tập về nhà và kiểm tra bài hằng ngày. Cứ một tháng làm bài kiểm tra một lần để đánh giá năng lực. Trên cơ sở bài đánh giá sẽ xây dựng kế hoạch bổ túc cho học sinh yếu. Kết thúc thời gian đào tạo có bài kiểm tra cuối khóa để đánh giá năng lực của học viên.

Ngoài ra, để nâng cao tinh thần tự học của học viên, giáo viên chia nhỏ nhóm học thêm ngoài giờ học, bố trí địa điểm để các nhóm tự học; học viên vắng học quá 2 buổi, Trung tâm liên hệ gia đình để nắm tình hình, hỗ trợ kịp thời nếu gặp khó khăn. Với cách thức dạy, quản lý học viên trên kết quả thi đỗ tiếng Hàn của học viên do Trung taqam đào tạo khá cao.

Minh chứng rõ nhất, trong số 174 lao động của tỉnh Đắk Lắk có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS thi đỗ Kỳ thi tiếng Hàn đợt 1 năm 2024, phần lớn học tiếng Hàn tại Trung tâm.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện M'Drắk tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước tại buôn M' Lốc B (xã Krông Jing).

Ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm DVVL Đắk Lắk cho biết, thực hiện các chương trình về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đơn vị triển khai kịp thời các văn bản liên quan, trong đó có chương trình EPS.

Theo đó, Trung tâm triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) về chương trình phái cử người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Lồng ghép tuyên truyền chương trình EPS tại các cuộc tư vấn việc làm, phiên giao dịch việc làm cho hàng chục ngàn lượt người trên địa bàn tỉnh.

Nhờ đó, từ sau đại dịch COVID-19 đến nay đã có 1.271 lao động của tỉnh đăng ký kỳ thi theo Chương trình EPS, trong đó có 425 lao động đã vượt qua cả hai vòng thi, được làm hồ sơ dự tuyển để giới thiệu với các nhà tuyển dụng Hàn Quốc.

Nguyên Phượng