Cơ hội, thách thức khi tham gia FTA thế hệ mới
(Cadn.com.vn) - Ngày 20 và 21-7, tại TT Lăng Cô (TT- Huế), Ủy ban đối ngoại Quốc hội phối hợp với cơ quan phát triển Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo “Quốc hội với việc phê chuẩn và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA)”. Hội thảo với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội (QH), đại diện các Bộ ngành, các hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các chuyên gia cao cấp của cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID).
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, mở rộng tự do hóa thương mại diễn ra ngày càng sâu sắc, liên kết thương mại đa tầng nấc thông qua hàng loạt các FTA song phương và đa phương ngày càng được các nước thúc đẩy mạnh mẽ và trở thành một xu thế bao trùm trong quan hệ kinh tế quốc tế. Nhận thức rõ điều này, trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh đổi mới trong nước, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia đàm phán, ký kết các Hiệp định FTA song phương và đa phương với nhiều đối tác thương mại quan trọng.
Đến nay, Việt Nam đã chính thức tham gia, ký kết và thực hiện 10 hiệp định FTA, trong đó năm 2015 ký kết 2 hiệp định mới là hiệp định FTA với Hàn Quốc và hiệp định FTA với liên minh kinh tế Á - Âu. Đây là dấu ấn rất quan trọng của Việt Nam trên con đường hội nhập ngày càng sâu hơn với kinh tế thế giới. Những FTA đa phương thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, FTA Việt Nam - EU, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực và Việt Nam đang đàm phán với các nước là những FTA thế hệ mới điển hình với những cam kết sâu rộng hơn và lộ trình tự do nhanh hơn những nội dung Việt Nam đã cam kết trong WTO...
Quang cảnh hội thảo. |
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định trong Hiến pháp 2013, QH Việt Nam có vai trò phê chuẩn các điều ước quốc tế. Việc đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế là một trong những lĩnh vực thuộc phạm vi giám sát theo luật định của Ủy ban đối ngoại QH. Để thực hiện tốt chức năng này, vai trò của QH đối với việc đàm phán, ký kết và thực hiện các FTA có ý nghĩa rất quan trọng và rất cần thiết đối với các đại biểu QH, qua đó góp phần tăng cường vai trò của QH trong việc thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.
Theo các đại biểu, việc tham gia các FTA thế hệ mới có những tác động tích cực và khó khăn đến nền kinh tế của các nước thành viên, đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức đối với nền kinh tế của Việt Nam. Một đại biểu cho rằng, các FTA tạo ra nhiều thách thức đối với Việt Nam như: thách thức đối với năng lực cạnh tranh ở ba cấp độ, cấp quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.
Ở cấp độ quốc gia nổi lên vấn đề hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, đáp ứng các yêu cầu cao của hội nhập quốc tế nói chung, đặc biệt là tham gia TPP, một hiệp định thương mại tự do của thế kỷ XXI, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng mềm như tri thức, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.
Ở cấp độ doanh nghiệp, đối với sự cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp chưa nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, nếu không tích cực điều chỉnh và thích nghi kịp thời sẽ dễ bị đào thải khỏi thị trường Việt Nam. Ở cấp độ sản phẩm, khả năng cạnh tranh của Việt Nam còn thấp, giá cả, phẩm chất, kiểu cách, mẫu mã còn yếu. Ngoài ra, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức như: hệ thống pháp lý, chế tài, thực thi pháp luật, nền tảng ngân hàng, mở cửa thị trường mua sắm công, đảm bảo an sinh xã hội...
Hội thảo “QH với việc phê chuẩn và thực thi các FTA” nhằm chia sẻ, phân tích quy định và quy trình của các FTA thế hệ mới; tìm hiểu về trách nhiệm của các đại biểu QH trong việc phê chuẩn các cam kết của Việt Nam; tổng hợp các phản hồi về thách thức cũng như cơ hội của các Hiệp định này đối với khu vực tư nhân tại Việt Nam.
H.Lan