Có một loại “bài” được khuyến khích gìn giữ, phát triển
Là thành viên lớn tuổi nhất của CLB Dân ca - Bài chòi huyện Nghĩa Hành, ông Đào Ngọc Chúng (82 tuổi, xã Hành Thịnh) vẫn luôn nhiệt huyết biểu diễn và truyền dạy bài Chòi cho con cháu, lớp trẻ. Trước đây, ông Chúng từng tham gia đội văn công huyện phục vụ bộ đội, dân công, nhân dân trong chiến đấu. Thời bình, ông tiếp tục tham gia các đội văn nghệ quần chúng phục vụ người dân. Từ ngày CLB bộ Dân ca - Bài chòi huyện được thành lập, ông Chúng trở thành hạt nhân tiên phong trong các buổi diễn tập, biểu diễn. "Với tôi, hát bài Chòi không chỉ là đam mê mà nó còn là lẽ sống. Ngoài tham gia biểu diễn với CLB, tôi còn truyền dạy cho các thê hệ trẻ và tìm tòi, thu thập, chỉnh biên các lời hát Bả trạo, bài Chòi để làm phong phú, đa dạng trong cách trình diễn", ông Chúng chia sẻ.
CLB Dân ca - Bài chòi huyện Nghĩa Hành được thành lập vào tháng 12-2020, đã góp phần khơi dậy niềm đam mê bài Chòi, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại địa phương. Ban đầu CLB có 30 thành viên, đến nay đã phát triển lên 46 thành viên, trong đó thành viên nhỏ tuổi nhất là 7 tuổi, lớn nhất 82 tuổi. Từ ngày thành lập đến nay, CLB đã tổ chức hàng chục đợt biểu diễn văn nghệ, tham gia các hội thi tại huyện, tỉnh. CLB đã sưu tầm được 15 làn điệu dân ca, 6 tác phẩm bài Chòi và bài mẫu dùng để hô bài Chòi; sáng tác, đặt lời mới cho một số làn điệu Dân ca - bài Chòi; phát hành 100 tập sách "Sưu tầm, biên soạn một số làn điệu dân ca, tác phẩm bài Chòi và bài mẫu hô bài Chòi" dùng để sinh hoạt hội viên. CLB còn phối hợp với Phòng GD-ĐT, Huyện Đoàn tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên mầm non, giáo viên âm nhạc và đoàn viên thanh niên để đưa các làn điệu Dân ca - bài Chòi lan tỏa mạnh mẽ đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Từ năm 2019, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Trãi, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức đã linh hoạt lồng ghép dạy hát bài Chòi vào tiết âm nhạc địa phương. Cô Nguyễn Thị Thanh Hằng, giáo viên âm nhạc của trường thông tin, sau khi được tập huấn hát bài Chòi do huyện tổ chức, trường đã triển khai thí điểm ở hai khối lớp 7 và lớp 9 và được học sinh đón nhận, thích thú với loại hình này. "Hiện tại, trường đã thành lập được một CLB bài Chòi, với mục đích giúp các em hiểu được giá trị của thể loại dân ca này, truyền đam mê cho học sinh, góp phần giữ gìn bài Chòi" cô Nguyễn Thị Thanh Hằng cho hay.
Đến nay, huyện Mộ Đức đã có 10 trường Trung học Cơ sở dạy Dân ca- bài Chòi cho học sinh thông qua việc lồng ghép. Mộ Đức cũng đã mở các lớp tập huấn dạy Dân ca - bài Chòi cho giáo viên dạy âm nhạc. Từ lúc đưa bài Chòi vào trường học, nhiều học sinh có năng khiếu với bộ môn này được phát hiện, bồi dưỡng, trở thành thành viên CLB bài Chòi trong huyện. Định hướng của huyện thời gian tới là đưa bài Chòi trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ du khách.
Hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi có 7 huyện, thị xã, TP thành lập CLB Dân ca - bài Chòi. Các địa phương đã mở các lớp truyền dạy hát Dân ca- bài Chòi, cách thức tổ chức chơi bài Chòi cho người dân, thu hút nhiều người trẻ theo học. Em Võ An Nhiên, ở huyện Lý Sơn, dù mới 9 tuổi đã tự tin thể hiện rất nhiều bài hát dân ca bài Chòi như Lý Mô Ní, Lý Thiên Thai... Vốn có năng khiếu văn nghệ từ nhỏ, An Nhiên là một trong những thành viên nhỏ tuổi được thường xuyên biểu diễn trong các phong trào văn hóa - văn nghệ ở địa phương.
Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, ngành Văn hóa các cấp đã tổ chức nhiều hội thi, liên hoan nghệ thuật bài Chòi. Đặc biệt, vào các dịp lễ, Tết, tại các địa phương vùng biển đều diễn ra hội bài Chòi.Để giữ gìn, phát triển Di sản nghệ thuật bài Chòi, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng Ðề án Bảo tồn, phát huy Di sản bài Chòi Quảng Ngãi trình UBND tỉnh phê duyệt. Đề án tập trung nghiên cứu, sưu tầm, đánh giá tổng thể giá trị Di sản bài Chòi để phát hành rộng rãi đến công chúng; đào tạo những giáo viên dạy âm nhạc, người có năng khiếu ca hát thành hạt nhân hát bài Chòi; hình thành và phát triển thêm các đội, nhóm, CLB hát bài Chòi ở các địa phương, gắn kết nghệ thuật này với phát triển du lịch. Quảng Ngãi sẽ tổ chức truyền dạy bài Chòi trong trường học thông qua việc lồng ghép vào chương trình dạy âm nhạc...", ông Nguyễn Tiến Dũng thông tin.
Đ.H