Có nên làm mới?

Thứ ba, 12/01/2016 08:58

(Cadn.com.vn) - Cuối năm vừa qua, tôi có xem chuyên mục “Bàn tròn âm nhạc” của Đài TNVN, một chương trình tôi rất thích và thường xuyên quan tâm theo dõi. Khách mời của chương trình là nhạc sĩ (NS) tài hoa Huy Thục, NS Giáng Son và một nhà báo. Trước khi vào cuộc trò chuyện với khách mời, người dẫn chương trình mở đĩa bài hát “Cô gái Pa Kô” của NS Huy Thục với âm giọng được phối khí hoàn toàn mới mẻ. Nghe xong ca khúc, NS Huy Thục giãy nảy: “Lúc đầu, tôi cứ tưởng bài hát của ai. Nghe một lúc mới biết đó là tác phẩm của mình...”. Và ông cho rằng việc làm mới một bài hát cũng có thể nhưng làm mới  phải giữ cho được cái hồn cốt, gốc gác của tác phẩm. Việc “rờ tuốt” lại bản nhạc “Cô gái Pa Kô” như thế là hoàn toàn không đúng. Ông bộc bạch: Bài hát này được viết vào ngày 19-5-1969, khi đó NS đang ở chiến trường Đắc Rông, tỉnh Quảng Trị. Những lời của bài hát tuôn chảy khi ông bất ngờ gặp người con gái Pa Kô Hồ Thị Hồng trẻ trung đang gùi đạn ra mặt trận phục vụ bộ đội đánh giặc. Khi chia tay, Hồ Thị Hồng dặn: “Bao giờ đất nước thống nhất, miềng nhớ về thăm dân bản em nhé”. Chính vì vậy những lời cuối của bài hát mới có “Ngày chiến thắng anh về/cùng bản làng em hát/người con gái Pa Kô”. Bài hát đã được người Pa Kô dịch sang tiếng bản địa và họ hát bằng hai thứ tiếng rất rành rọt. Tháng 4-2015, NS Huy Thục trở lại Đắc Rông, A Lưới thăm dân bản, nhiều người thấy ông đều rạng rỡ mừng vui, họ bảo bài hát “Cô gái Pa Kô” là của họ. Ai hát khác đi giọng điệu là xuyên tạc, không còn nét riêng của đồng bào dân tộc Pa Kô.

“Cô gái Pa Kô” là bản nhạc cách mạng kinh điển, ca ngợi lòng yêu nước thiết tha của đồng bào Pa Kô nói chung, của phụ nữ Pa Kô nói riêng, có giá trị sâu sắc, biểu cảm, rất sáng tạo về hình tượng âm nhạc, lời ca mạnh mẽ mà đằm thắm, giàu tính gợi cảm, lại dễ hát. Bài ca được hát theo phong cách phối khí mới đã làm cho chính tác giả không hài lòng và NS Giáng Son cũng như nhà báo tham gia chương trình đồng ý với quan điểm của NS Huy Thục. Tiếp đến, đĩa nhạc “Hò kéo pháo” của NS Hoàng Vân cũng được mở ra bằng phong cách hát mới, tôi nghe rất xa lạ với âm điệu quen thuộc của các ca sĩ nổi tiếng trình bày. Điều dĩ nhiên là các vị khách mời “Bàn tròn âm nhạc” đều phải lắc đầu thôi. Xem đêm khai mạc liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 35 tại TP Đồng Hới, Quảng Bình tối 16-12-2015 được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài THVN, ca sĩ Hồ Ngọc Hà hát bài “Quảng Bình quê ta ơi” cũng của NS Hoàng Vân lại tiếp tục mở lối riêng, khác hẳn với âm điệu vốn có từ lâu. Sau đó, trên các trang mạng xã hội có nhiều luồng ý kiến khác nhau, nhiều người trẻ ủng hộ với cách hát mới nhưng cũng không ít người “la ó”, phản đối và cho rằng “phá” nhạc ghê gớm. Có phóng viên tìm gặp tác giả để phỏng vấn nhưng NS Hoàng Vân không nghe được Hồ Ngọc Hà hát trong đêm đó vì bị ốm nặng phải nằm viện, song tin chắc ông cũng không đồng ý. Riêng PGS-TS nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái, nhà phê bình văn học, giảng viên Trường Đại học KH-XH và nhân văn Hà Nội thì thốt lên: “Một bài hát rất hay mà trình bày nhố nhăng”. Có thể nói “Quảng Bình quê ta ơi” là tác phẩm đã ăn sâu vào máu thịt của người dân cả nước, nhất là đồng bào, chiến sĩ Quảng Bình. Một tác phẩm nghệ thuật không chỉ được coi là đặc trưng của xứ sở Kiến Giang, Nhật Lệ mà còn có giá trị vĩnh hằng. Bài hát ngợi ca phẩm chất sáng ngời, tinh thần đoàn kết, lạc quan, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi hy sinh, gian khổ của nhân dân Quảng Bình trong cuộc chiến tranh vệ quốc với sức sống, niềm tin về tương lai rạng rỡ. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất thích nghe bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” và trước khi đi xa, Đại tướng cũng bảo các điều dưỡng Bệnh viện 108 mở nghe bài hát lần cuối, và lần nào Người cũng rơi lệ.

Vẫn biết rằng mỗi bài hát cũng giống như một món ăn được nhiều người cùng thưởng thức. Người khen ngon, kẻ chê dở bởi tùy theo khẩu vị của từng người, do đó mới có chuyện cải sửa để làm mới. Việc làm mới chỉ có giá trị thực thụ khi tác phẩm đã cũ đến độ khán giả nhàm chán nhưng các bài hát trên cũng như không ít bài khác vẫn còn đi theo mãi với thời gian, được nhiều người yêu mến đến thế thì tại sao phải làm mới? Hơn ai hết, chính những NS sáng tác mới đủ năng lực để thấy cái hay nhất về tác phẩm của mình và thành công của họ chính là sự sống lâu dài của tác phẩm.

Thái Mỹ