Có yêu thì nói rằng yêu...

Thứ tư, 22/04/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Có yêu thì nói rằng yêu/Chẳng yêu thì nói một điều cho xong/Làm chi dở đục dở trong/Lờ đờ nước hến cho lòng tương tư - ấy là lời trong bài hát “Yêu nhau ghét nhau”, nhưng nay đem “áp” vào trường hợp của chị Hà Thị Xuân Tưởng (1986) và anh Trương Văn Độ (1985, cùng trú thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thì quả là âm nhạc như đời sống.

Chuyện “yêu nhau ghét nhau” giữa hai người xin được kể thế này: Anh Độ và chị Tưởng yêu nhau đã hơn 4 năm và tình cảm của hai người xem ra cũng nồng nàn lắm lắm. Thế nhưng, có điều lạ, rất lạ là mặc dù hai nhà chỉ cách nhau có “mấy cái giậu mồng tơi”, song chưa một lần anh Độ đưa chị Tưởng về ra mắt gia đình như những người yêu nhau bình thường khác. Vậy nên cũng ngần ấy năm yêu nhau, địa điểm hai người gặp gỡ, tâm sự duy nhất là sân trường tiểu học của thôn.

Tại đây, lần nào anh Độ cũng thề non hẹn biển và khẳng định rằng anh yêu chị Tưởng thật lòng. Thì chị Tưởng cũng yêu anh, nhưng chị muốn Độ chứng minh tình yêu của anh dành cho chị bằng cách đưa chị về nhà giới thiệu với bố mẹ, gia đình. Chỉ có vậy thôi, nhưng anh Độ cũng rất lạ, lần nào cũng nói yêu, nhưng khi chị Tưởng đề cập đến chuyện đó thì anh cứ ỡm ờ, phớt lờ, làm chị hoang mang lắm. Rồi đêm 5-3, cũng như bao đêm hẹn hò trước, anh hẹn chị đến sân trường tiểu học của thôn để tâm sự. Vẫn những lời âu yếm và cả nụ hôn nồng cháy trao nhau, nhưng nó không kết thúc ngọt ngào như những lần trước.

Chị Tưởng bày tỏ quan điểm cùng người yêu: “Mình đã yêu nhau lâu như vậy nhưng chưa một lần anh đưa em sang nhà anh chơi, dù nhà anh với nhà em chẳng xa nhau. Nếu anh thấy ngại, không đưa em về nhà thì em muốn anh nói gia đình sang bên em để em có chút danh phận”. Lời đề nghị chân thành, tha thiết của chị không có gì là quá đáng đối với những người yêu nhau thật sự, thế nhưng đối với Độ không hiểu sao khó thế. Anh một hai nói với Tưởng là không thể được mà chẳng giải thích lý do. Hai người lời qua tiếng lại một lúc, Độ nổi khùng “tặng” người yêu một cái tát nảy đom đóm. Bị đánh đau, chị Tưởng ôm mặt khóc chạy về nhà mách với hai anh trai là Hà Xuân Toại (1982) và Hà Xuân Tân (1983).

Toại và Tân nghe xong câu chuyện của em gái liền hùng hổ chạy sang nhà Độ để “làm cho ra chuyện”, nhưng lúc này đã quá khuya nên ba mẹ can ngăn.  Mờ sáng hôm sau, Toại và Tân đến nhà Độ để “nói chuyện”. Thấy hai anh của Tưởng đến, Độ biết là vì chuyện tối qua nên vội mời vào nhà. Khi đã yên vị, Toại, Tân bắt đầu chất vấn Độ về việc vì sao lại giở thói côn đồ với em gái mình, vì sao không biết thương hoa tiếc ngọc, vì sao yêu nhau mà không dám công khai?...

Không những không nhận lỗi, chàng Độ ta còn ngoan cố cãi chày cãi cối, bung ra những lời lẽ khó nghe. “Đúng là em gái mình mà lấy phải tay này thì chắc khổ cả đời”, Toại nghĩ vậy nên tức lắm, đứng lên cầm ly trà ném vào đầu Độ. Ly bể nhưng đầu Độ không bị gì. Vẫn chưa hả giận, Toại tiếp tục vơ lấy cái gạt tàn thuốc bằng thủy tinh nhằm vào đầu Độ ném mạnh hơn nữa. Độ đưa hai tay lên đỡ, đầu vẫn không bị gì, nhưng thiệt hại chiếc đồng hồ đang đeo và bị thương nhẹ ở tay trái.

Sau khi nhận được thông tin, già làng Trương Văn Nhôi cùng trưởng thôn và các đoàn thể trong thôn Tà Lang đã phải tổ chức “cuộc họp khẩn” tại nhà Gươl, mời những người có liên quan trong vụ “yêu nhau ghét nhau” đến làm việc. Kết thúc buổi làm việc, Tân và Toại bị phạt hành chính. Còn về mối quan hệ tình cảm giữa chị Tưởng và anh Độ, giao cho 2 người tự giải quyết. Cũng tối hôm đó, chị Tưởng hẹn Độ đến sân trường tiểu học thôn để “chẳng yêu thì nói một lời cho xong!”...

Trần Tân