Kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới

Con đường di sản (Bài 1: Hội An - Mỹ Sơn những ngày đầu tiên)

Thứ tư, 28/08/2019 14:46

Tháng 9 tới, Quảng Nam sẽ diễn ra kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Đây là sự kiện được tổ chức với quy mô lớn, bao gồm các hoạt động văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo quốc tế, du lịch,... với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, vận động viên chuyên nghiệp, các nhà ngoại giao, các nhà đầu tư trong, ngoài nước và nhân dân trên địa bàn tỉnh. 20 năm, chỉ là một chấm thời gian nhỏ trong tuổi đời của những di tích hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi như Hội An và Mỹ Sơn. Thế nhưng, 20 năm ấy lại chứng kiến một sự trở lại của giá trị văn hóa một thời. Đặc biệt hơn nữa, đây cũng là thời điểm Quảng Nam chia tách, tái lập tỉnh và có thể khẳng định, sự công nhận cùng lúc 2 Di sản văn hóa thế giới trên cùng một địa phương mới được chia tách, còn "bỡ ngỡ" đã trở thành động lực rất lớn cho cán bộ và nhân dân địa phương lúc bấy giờ.

Mỹ Sơn ngày nay trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng.

"Dẹp loạn" ở Mỹ Sơn

Chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Hài - nguyên Giám đốc Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam với hy vọng được nghe những câu chuyện ít ai biết đằng sau quá trình hình thành nên dáng vóc của 2 di sản văn hóa thế giới Hội An - Mỹ Sơn như ngày hôm nay. Nhưng điều bất ngờ nhất đối với tôi không chỉ là những số liệu, những mục tiêu, kế hoạch, cột mốc đánh dấu chặng đường 20 năm mà còn là những câu chuyện thuở sơ khai khi di tích còn hoang phế. Trong cuộc chuyện trò suốt 3 tiếng đồ hồ đó, chúng tôi biết rằng mình đang ghi lại những vết tích của lịch sử mà không tài liệu nào có thể ghi chép được.

Nghỉ hưu trí từ năm 2017 và hiện nay đang sinh sống tại quê nhà xã Duy Phước (H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nhưng ông Đinh Hài vẫn rất say mê với các hoạt động văn hóa tại địa phương. Gặp tôi, ông hồ hởi "khoe" về công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 20 năm Di sản văn hóa sắp tới. Trong giai đoạn Mỹ Sơn còn đang hoang phế, chưa được bạn bè quốc tế biết đến, ông Đinh Hài giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND H. Duy Xuyên phụ trách mảng văn hóa. Ông kể: "Đó là vào những năm 1992, Mỹ Sơn khi ấy còn nguyên dáng vẻ hoang tàn của chiến tranh. Cây cối rậm rạp, lối vào khó khăn nên chẳng ai có thể "nhìn ra" dáng vóc của một Di sản văn hóa thế giới ở thời điểm ấy. Thế nhưng, sự hoang tàn ấy lại trở thành điều thú vị của những du khách Tây ưa khám phá. Họ tìm mọi cách vượt đường rừng để vào Mỹ Sơn tham quan. Lúc này, một nhóm người dân địa phương tự phát hình thành dịch vụ xe ôm chở khách Tây vào khu thánh địa. Tuy nhiên, vì tự phát nên hoạt động vô cùng mất trật tự, bát nháo. Trước tình hình ấy, tôi được giao nhiệm vụ lập lại trật tự ở Mỹ Sơn".

Một thời gian dài tiếp cận và thuyết phục, nhóm xe ôm gây bát nháo tại Mỹ Sơn đã bị dẹp bỏ. Tuy nhiên, không còn "lối vào", lúc này Mỹ Sơn chỉ là một điểm đến đơn thuần, không có cơ quan chuyên môn phụ trách, hạ tầng không, giao thông khó khăn nên ông Hài lại tiếp tục giải bài toán hóc búa này. "Tôi quyết định trưng dụng chiếc xe jeep của Cơ quan CAH Duy Xuyên lúc bấy giờ làm phương tiện vận chuyển khách. Thời gian đầu chính những cán bộ chiến sĩ công an làm tài xế dẫn khách... Vấn đề đặt ra lúc này là dòng suối Khe Thẻ vào Mỹ Sơn chưa được xây dựng cầu, chiếc xe jeep phải vượt qua con suối này như thế nào? Trong cái khó ló có khôn, anh em cán bộ lại cùng nhau kết bè chuối để đưa chiếc xe jeep qua dòng nước xiết. Từ đó, trật tự tại khu di tích Mỹ Sơn bước đầu đã được lập lại", ông Đinh Hài cho biết.

Thời khắc lịch sử

Hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) được tổ chức vào ngày 4-12-1999, tại thành phố Marrakech, Morocco, Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn khi ấy đã chính thức được công nhận và vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới. Trong ký ức của ông Đinh Hài và những cán bộ ngành văn hóa khi ấy, thời điểm biết tin 2 di tích cùng lúc được công nhận Di sản văn hóa thế giới là thời khắc lịch sử.

Như để chắc chắn hơn về trí nhớ của mình, ông gọi cho GS.TS Trương Quốc Bình - Nguyên Phó Cục trưởng cục di sản văn hóa để "xác tín" lại một lần nữa. Trong quá trình lập hồ sơ công nhận di sản vào 20 năm trước, GS.TS Trương Quốc Bình là một trong những người nắm rõ nhất, đồng hành cùng Quảng Nam tháo gỡ nhiều khó khăn, khúc mắc về mặt thủ tục pháp lý. Khi nhận được điện thoại của ông Đinh Hài, GS.TS Trương Quốc Bình đang dự một hội nghị tại TP Hồ Chí Minh nhưng vẫn hồ hởi khi nghe phóng viên đang muốn tìm hiểu về câu chuyện này.

"Phiên hội nghị lần thứ 23 tại Morocco tôi đi cùng với chị Hồ Thị Thanh Lâm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ. Để đi đến hội nghị này trước đó từ Bộ văn hóa đến UBND tỉnh Quảng Nam đã phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình lập hồ sơ, đáp ứng các yêu cầu đề ra của UNESCO. Do tôi rành tiếng Anh còn chị Lâm thì không nên trong phiên hội nghị đầu tiên vào buổi chiều tôi đã "linh cảm" được vấn đề này sẽ được thông qua. Do lệch múi giờ nên tôi đã liên lạc về Đài truyền hình Việt Nam đề nghị soạn thảo trước thông tin công nhận di sản để khi nào chính thức được thông qua thì kịp thời thông tin đến nhân dân cả nước. Và đúng như tôi dự đoán, khi thông tin Mỹ Sơn - Hội An cùng lúc được công nhận là Di sản văn hóa thế giới thì không chỉ người dân Quảng Nam mà trên cả nước đều hoan hỉ với sự bất ngờ này. Là người làm công tác văn hóa tôi không bao giờ quên thời điểm đó", GS.TS Trương Quốc Bình nhớ lại.

Nói về những ngày đầu của Hội An và Mỹ Sơn, trong câu chuyện kể của ông Đinh Hài còn có rất nhiều nhân vật được nhắc đến. Đó là ông Nguyễn Công Hường - nguyên Trưởng ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, đó là bà Hồ Thị Thanh Lâm - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh... Những "nhân vật" ấy ở vai trò vị trí riêng của mình đều đã có phần đóng góp công sức vào công cuộc hình thành nên vóc dáng của 2 di sản. Nhưng xa hơn nữa là tấm lòng của họ với quê hương, với văn hóa đã hình thành nên dải đất này.

   (còn nữa)

                                   HÀ DUNG