Con đường tiến tới bình thường hóa của thế giới hậu COVID-19

Thứ hai, 07/03/2022 09:14

Tình hình dịch COVID-19 trong tuần tính đến sáng 6-3 đã có nhiều chuyển biến tích cực khi số ca mắc mới và tử vong toàn cầu có chiều hướng giảm so với tuần trước, với tỷ lệ lần lượt là 11% và 19%.

Dân Đan Mạch không đeo khẩu trang khi vui chơi tại trung tâm thủ đô Copenhagen ngày 4-2. Ảnh: NY Times

Xu hướng này được ghi nhận ở hầu hết các châu lục, ngoại trừ châu Á khi số ca nhiễm mới tăng thêm 7% nhưng số ca tử vong lại giảm 3%. Ngày càng nhiều những ý kiến kêu gọi xem COVID-19 là bệnh đặc hữu bởi con người đã có được hiểu biết nhất định và những công cụ hữu hiệu chống lại dịch bệnh. Tại châu Âu, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và ca nhiễm biến thể Omicron có xu hướng ít chuyển biến nghiêm trọng hơn, hàng loạt quốc gia đang loại bỏ những quy tắc được coi là không còn hiệu quả trong cuộc chiến chống dịch.

Trong đó, Đức đang thực hiện "bước thứ hai" trong lộ trình 3 bước nhằm nới lỏng các biện pháp hạn chế để chống dịch COVID-19, theo đó mở cửa trở lại các dịch vụ nhà hàng, quán bar, cà phê và khách sạn cho cả những người chưa tiêm chủng. Kể từ ngày 4-3, những người chưa tiêm chủng vẫn có thể đến nhà hàng hoặc những địa điểm, không gian công cộng, nhưng sẽ thực hiện quy tắc 3G (có chứng nhận đã tiêm chủng hoặc đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2). Các câu lạc bộ đêm và vũ trường cũng được phép mở cửa trở lại với quy tắc 2G+ (đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi và xét nghiệm âm tính).

Tây Ban Nha đang cân nhắc dừng ứng phó với COVID-19 như một cuộc khủng hoảng, mà tiếp cận giống như bệnh cúm hoặc bệnh sởi, tức chấp nhận nguy cơ xuất hiện những đợt bùng phát, nhưng bố trí nguồn lực y tế để chăm sóc người bệnh. Anh cũng đã cải tiến chiến lược đối phó với COVID-19. Các thay đổi bao gồm thời gian cách ly ngắn hơn và loại bỏ quy định xét nghiệm cho những du khách tới Anh.

Nguyên nhân chủ yếu là do chủng Omicron đã lan rộng ở Anh nên việc xét nghiệm cũng không khiến tốc độ lây lan giảm là bao. Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định mọi người "phải học cách chung sống với COVID giống như cách chúng ta chung sống với bệnh cúm". Trong khi đó, Mỹ đã ghi dấu giai đoạn mới trong phản ứng với dịch COVID-19 khi Tổng thống Joe Biden ngày 1-3 tuyên bố "COVID-19 không còn kiểm soát cuộc sống của chúng ta". Hiện nay, với trên 75% người dân Mỹ đã được tiêm vaccine, các chuyên gia hy vọng rằng nước này có thể hướng đến kiểm soát dịch bệnh tốt hơn và chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu.

Nhật Bản sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm cho phép nhiều người nhập cảnh hơn, đặc biệt là sinh viên, song vẫn siết chặt quy định ở một số khu vực, trong đó có Tokyo.

T.N