Còn khó khăn trong xử lý hình sự hành vi gian lận, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
Thanh tra làm rõ sai phạm nhưng doanh nghiệp chây ì, né tránh
Theo ông Đinh Văn Hiệp - Giám đốc BHXH TP Đà Nẵng, quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và BHXH Việt Nam, Kế hoạch liên ngành giữa Công an TP và BHXH Đà Nẵng được triển khai đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, thuận lợi cho 2 cơ quan trong phối hợp triển khai các yêu cầu, nhiệm vụ, góp phần tạo môi trường an toàn để thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người dân, giải quyết kịp thời các vụ việc từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp về ANTT.
Từ đầu năm 2022 đến nay, 2 đơn vị đã thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu về thu nộp BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động, góp phần phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh kịp thời các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính sách của pháp luật. 2 cơ quan đã phối hợp các đơn vị chức năng mời 233 đơn vị làm việc về vấn đề chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, qua đó thu được số tiền nợ 10,2 tỷ đồng (chiếm 45,07% số tiền nợ). Cũng thông qua công tác phối hợp, đã tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố trên lĩnh vực này.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh, một số đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu gia tăng nợ bảo hiểm của người lao động, dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài. Trong công tác thanh tra, kiểm tra, khi phát hiện có sai phạm thì các đơn vị lập biên bản vi phạm hành chính đa số với hành vi chậm đóng nợ. Tuy nhiên, tại các quy định, hướng dẫn hiện hành thì hành vi này không đủ yếu tố cấu thành tội danh trốn đóng BHXH dù đã bị xử lý hành chính nhiều lần. Do đó, khi cơ quan BHXH chuyển hồ sơ các đơn vị sử dụng lao động bị xử phạt vi phạm hành chính cho Công an TP để điều tra, xử lý theo điều 216 Bộ luật Hình sự không có kết quả.
Đại tá Trần Đình Liên - Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, việc phối hợp trong công tác chuyên môn giúp 2 đơn vị phát hiện một số thiếu sót, vướng mắc, qua đó kịp thời hướng dẫn các đơn vị tháo gỡ, xử lý. Lực lượng Công an cũng đã tham mưu BHXH hướng xử lý nhằm truy thu đầy đủ số tiền nợ, tiền phạt đối với các đơn vị không chấp hành việc đóng phạt theo đúng quy định. Cùng với đó, qua công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất, cơ quan chức năng cũng đã kịp thời phát hiện, giải quyết, ngăn chặn các vụ việc phức tạp nổi lên liên quan đến việc chủ sở hữu lao động nợ lương, chế độ bảo hiểm, thậm chí là bỏ trốn.
Qua đó chấn chỉnh, xử lý, không để hình thành các điểm nóng, phức tạp về ANTT trên địa bàn. Tuy nhiên, Đại tá Trần Đình Liên cũng cho rằng, việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN hiện vẫn còn tiềm ẩn các nguy cơ nảy sinh nhiều vấn đề. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ nợ bảo hiểm có chiều hướng gia tăng nhưng việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành chưa thường xuyên ở những đơn vị có số lao động ít, dẫn đến tình trạng người lao động mất các quyền lợi nếu chủ doanh nghiệp phá sản hoặc bỏ trốn.
Một số doanh nghiệp khi bị phát hiện sai phạm thì né tránh, không chấp hành kết luận thanh tra, tiếp tục tái nợ nhưng chế tài xử lý đối với hành vi này chưa đủ sức răn đe. “Các cơ quan liên quan khi thực hiện thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu trốn đóng bảo hiểm thì cần củng cố hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính các tổ chức, doanh nghiệp về hành vi này để làm căn cứ khi đủ điều kiện xử lý hình sự. Cùng với đó, các Bộ Công an, Y tế, LĐ-TB&XH cần có văn bản quy định chi tiết về các hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT, có hướng dẫn về việc xác định hành vi “trốn đóng”, “chây ì”, “chậm nộp”… để làm cơ sở cho cơ quan điều tra xử lý hình sự”, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng kiến nghị.
Không hình sự hóa, nhưng đủ căn cứ sẽ khởi tố
Ghi nhận sự vào cuộc, phối hợp quyết liệt, hiệu qủa của Công an TP và BHXH Đà Nẵng, Thiếu tướng Nguyễn Bạch Đằng - Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ Bộ Công an nhấn mạnh: Ngoài Công an, BHXH, nhiệm vụ phát hiện, xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng, gian lận BHXH, BHYT, BHTN cần sự vào cuộc của các đơn vị như Thanh tra, Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH, Cục Thuế, Hải quan… thì mới tạo ra sự đồng bộ, hiệu quả. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý không hình sự hóa, nhưng đối với các đơn vị cố tình vi phạm thì phải tiến hành chặt chẽ theo đúng giai đoạn từ lĩnh vực chuyên ngành, xử phạt hành chính rồi đến hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành. “Không chỉ riêng Đà Nẵng mà trên phạm vi toàn quốc, việc xử lý hình sự đang gặp một số khó khăn. Nhưng chúng ta phải phối hợp thực hiện chặt chẽ, thuyết phục để xử lý đủ sức răn đe. Khi làm rõ được các yếu tố, đủ căn cứ thì khởi tố về hành vi gian lận BHXH, BHTN theo Điều 214, 215 của Bộ luật hình sự để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có hệ thống nhằm bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động”, Thiếu tướng Nguyễn Bạch Đằng nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, chính việc triển khai quy chế ở cấp bộ và kế hoạch liên ngành ở cấp địa phương đã góp phần giảm thiểu chậm đóng, trốn đóng, gian lận, trục lợi bảo hiểm, qua đó góp phần ổn định mối quan hệ lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, Công an TP và BHXH cần phối hợp, kết nối chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị để tăng cường thanh kiểm tra đối tượng có nguy cơ cao. “Doanh nghiệp nào mà nợ thuế rồi thì sẽ đến nguy cơ nợ BHXH. Cho nên chắc chắn phải có sự liên thông, kết nối với cơ quan thuế, rồi sau đó là Y tế, LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động, BQL khu công nghệ cao và các khu công nghiêp… Phải có sự liên thông giữa các cơ quan, đơn vị để giám sát chặt và xử lý kịp thời”, ông Minh lưu ý. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu 2 đơn vị sớm có sự đồng bộ cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội, cơ sở dữ liệu tư pháp. Khi thực hiện được việc này chắc chắn sẽ kiểm soát được thông tin, hạn chế những nguy cơ gian lận, trốn tránh…
Đông A