"Con là ban mai" - món quà trong trẻo của bà mẹ 8X dành cho thiếu nhi
Cùng với các kênh phát hành của Nhà xuất bản Kim Đồng, tôi cũng đăng ký mua lại một số lượng kha khá để gửi riêng theo yêu cầu của bạn bè, phụ huynh và cả một số trường học họ tự liên hệ đặt mua làm quà tặng học sinh. Những đêm đầu mới phát hành tập thơ "Con là ban mai", thú thật, tôi vui đến nỗi thức trắng để ký tặng, ghi lời đề tặng... Một số người còn đề nghị phải có chữ ký của cả gia đình. Phần lớn đó là những người đọc thơ tôi lúc còn nhỏ, một số thì có lẽ biết tôi qua các tờ báo, và cả qua… facebook", Nguyễn Hải Lý vẫn còn háo hức khi tập thơ đầu tay đã đến với độc giả hơn một tháng. Nữ biên tập viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia sẻ, dù đã sáng tác nhiều, đăng báo cũng kha khá, nhưng đây mới là tập thơ đầu tiên chị hợp tác với một nhà xuất bản để in và phát hành.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, cái tên Nguyễn Hải Lý trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ học trò yêu thơ. Nữ sinh miền biển Quỳnh Lưu, thành viên của nhóm bút Hoa Cát- Nghệ An ngày đó xuất hiện đều đặn trên các báo Thiếu niên Tiền phong, Mực tím, Khăn quàng đỏ, Nhi đồng TPHCM… Sau này đi học đại học rồi đi làm, thơ chị "già" hơn và được nhiều tờ báo như Tiền Phong, Phụ nữ Việt Nam, Tạp chí Thế giới phụ nữ, Tạp chí Non Nước… mở lời trong mỗi kỳ phát hành. Dù có "tài sản" của riêng mình, lại làm việc trong một nhà xuất bản lớn, nhưng phải bước qua tứ tuần thì Nguyễn Hải Lý mới xuất bản tập thơ đầu tiên, lại là thơ dành cho thiếu nhi. "Con là ban mai" là tập thơ có sự giao hòa giữa một thiếu nữ thuở "làm thơ trên sân trường" và một người mẹ làm thơ với cảm hứng từ hai cô con gái, từ những cảm xúc của một cử nhân văn chương:
Mẹ xây tầng một/Ba xây tầng hai/Phần con trang trí/Để thành lâu đài (Lâu đài cát)
Có điều, dù là bài thơ đầu tiên hay là tác phẩm khi bước qua độ chín của bút lực và cảm xúc thì vẫn luôn là cái nhìn, cái cảm nhận trong trẻo, hồn nhiên của tuổi thơ, đẹp đẽ và trong sáng: Mèo con trốn ở góc sân/Bướm vàng trốn giữa khu vườn đầy hoa/Cầu vồng trốn phía mưa xa/Trăng, sao trốn giữa ngân hà long lanh (Trốn tìm).
Nữ tác giả chia sẻ, chị sáng tác thơ cho thiếu nhi từ khi còn là… thiếu nhi, chủ yếu gửi đăng báo hoặc lưu giữ "làm của riêng". Từ nữ sinh làng quê, ra phố đi học rồi đi làm, lập gia đình với nhiều mối bận rộn thường nhật, chị vẫn làm thơ rồi lưu giữ. "Cho đến khi ấp ủ "Con là ban mai", tôi có mọi điều kiện để xuất bản nhưng vẫn phải cầu kỳ và khó tính với chính mình, vì đây là quà cho trẻ thơ. Tôi từng biên tập nhiều sách của người khác, nhưng đến thơ mình thì không tự làm việc đó, để tránh câu chuyện "văn mình". Tôi tuân thủ mọi yêu cầu của biên tập viên chịu trách nhiệm cho nội dung tập thơ", Hải Lý tâm sự.
Với cái nhìn của một người mẹ và thường tiếp xúc nhiều với con cái của bạn bè cũng đang ở lứa tuổi này, Nguyễn Hải Lý cho rằng mình có thuận lợi là được sống cùng thế giới của các bạn nhỏ, gần gũi, cùng chơi cùng học. Vì thế những suy nghĩ của trẻ thơ cũng tự nhiên thấm vào mình. Đó là những suy nghĩ, lời nói, hành động, những cái nhìn vô tư, hồn nhiên, trong trẻo rất dễ thương: Mùa hè cũng như con/Phải về đi học chứ!/Chơi suốt mấy tháng rồi/Nên phải ôn bài vở (Mùa hè trốn ở đâu?).
Trong 3 tập thơ dành cho thiếu nhi mới nhất mà Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, đứng cạnh "Góp nắng cho cây" (Lê Ký Thương), "Sài Gòn sót mấy con ve" (Trung Dũng KQĐ), "Con là ban mai" của Nguyễn Hải Lý góp phần cho thấy thơ thiếu nhi vẫn rất dễ tiếp cận bạn đọc. Những bài thơ với ngôn ngữ hồn nhiên, cái nhìn trong trẻo vun đắp thêm cho thế giới tinh thần của thiếu nhi trở nên phong phú và giàu có hơn. Lời tựa của Nhà xuất bản Kim Đồng viết: "Ngày còn bé ai cũng mong thành người lớn, đâu biết rằng mỗi người chỉ có một thời được sống với cảm xúc chân thật nhất, tự yêu, tự thích, tự vui. Đó là tuổi thơ. "Con là ban mai" ghi lại các khoảnh khắc tươi đẹp, tự do và trong veo của ngày thơ bé": Lá vườn gội sương ướt tóc/Cứ vẫy con ra cùng chơi/Gió sớm ngọt và hiền quá/Cứ theo thơm má con thôi (Con là ban mai).
"Với tập thơ này, bạn sẽ có cảm giác chạy ngược gió trên cánh đồng thênh thang, ngước lên cao như nâng cả bầu trời, và những câu thơ trong trẻo thấm vào bạn, từng nhịp bé xinh"… Đó hẳn cũng là nguồn cảm hứng cho những cây bút mới, những sáng tác mới dành cho trẻ em, cũng là sứ giả góp phần lan tỏa văn hóa đọc bằng một cách rất riêng.
Đông A