“Con Lạc cháu Hồng” đây sao?
(Cadn.com.vn) - Mỗi người Việt sinh ra ở trên đời đều tự nhận mình là con Lạc cháu Hồng, tức là con rồng cháu tiên. Từ lúc sinh ra đến khi khuất núi, nhận thức ấy chẳng những không phai mờ mà ngày càng sâu sắc.
Bởi lẽ đó, người Việt Nam nào cũng đầy ắp lòng tự hào dân tộc và tự trọng cá nhân. Không tự hào – tự trọng sao được, khi họ đang thừa hưởng và giữ gìn thành quả dời non lấp bể của các bậc cha anh thần kỳ, vĩ đại. Không tự hào sao được, khi chính họ là những người đã viết nên “thiên anh hùng ca nghìn năm sáng chói lưu danh đến muôn đời” trong cộng đồng nhân loại.
Không tự hào – tự trọng sao được, khi họ là hiện thân của dân tộc nghìn năm văn hiến, là chủ nhân của thời đại mới, là cư dân của những khu dân cư văn hóa, làng văn hóa. Không tự hào, tự trọng sao được, khi họ là chủ nhân, là người thừa hưởng những thành ngữ, câu ca chan chứa tình người, quá hay, quá đẹp: Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn; áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá, miệng cười buốt giá, chân không giày, thương nhau tay nắm bàn tay. Không tự hào – tự trọng sao được khi hằng ngày, hằng giờ họ khấn vái tổ tiên, cầu mong những điều tốt đẹp, từ bi, hỉ xả ở trong đời...
Dù vậy, trong cuộc sống thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp những câu chuyện buồn lòng...
Mới đây nhất, ngay khi chiếc xe chở bia gặp nạn ở vòng xoay Tam Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai lúc 14 giờ ngày 4-12-2013, thì nhiều người túa ra hôi của. Bất chấp sự gào khóc van xin thảm thiết của nạn nhân, hàng trăm người chen lấn, xô đẩy nhau nhào đến hiện trường để giành cho bằng được mấy lon bia.
Khi anh tài xế cố níu người dân xin họ đừng tranh cướp nữa, một số người còn dọa đánh anh ta. Và chỉ 15 phút sau, những người này đã dọn sạch sành sanh, cảnh đó đã được một người đi đường ghi lại, đưa lên mạng để cả thế giới biết! Và lúc này, hàng nghìn hàng vạn ý kiến phản hồi gay gắt, dữ dội lại một lần nữa bùng lên trên khắp các diễn đàn.
Đói khát gì cho lắm, mà hàng trăm người phải cướp bia trong một vụ tai nạn giao thông giữa thanh thiên bạch nhật ở Biên Hòa; hàng trăm người chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lẫn nhau mấy miếng ăn miễn phí ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội, ở trung tâm kinh tế TPHCM. Thiếu thốn gì cho lắm, mà hàng trăm người đứng chửi nhau giành giật đổi cho kỳ được mũ bảo hiểm cũ lấy mũ bảo hiểm mới ở Đà Nẵng.
Và còn những câu chuyện cười ra nước mắt khác diễn ra hằng ngày phô bày nhan nhản khắp nơi, bàn tán xôn xao trên Internet. Ngay cả trên truyền hình quốc gia, mới đây còn đề cập một sự sỉ nhục. Ấy là, tại một số nơi ở Thái Lan, Singapore, người ta phải treo những tấm biển nhắc nhở ăn hết khẩu phần, không xả rác, không "úp mặt vào tường" ... Tất cả đều chỉ được ghi bằng duy nhất một thứ tiếng, đó là tiếng Việt!
Đám đông người tranh cướp đó, họ không thể nào, không bao giờ đủ tư cách đại diện cho hình ảnh và nhân phẩm của con người Việt Nam trong dặm dài lịch sử cũng như 90 triệu người hôm nay, ví như họ chỉ là tập hợp tạo nên chấm đen trên tờ giấy trắng mà thôi. Hành động của họ làm phần lớn người Việt cảm thấy bức xúc, hổ thẹn và lên án. Ấy thế nhưng, cũng phải thẳng thắn nhìn vào một thực tế đau xót rằng, họ không đơn lẻ, cá biệt. Mỗi sự việc xảy ra, có đến hàng trăm người tham gia; hành động của họ bôi xấu hình ảnh Việt Nam không chỉ một lần.
Việt Nam không chỉ là cộng đồng những người biết tự hào – tự trọng mà còn biết vị tha. Hành động của những người tranh cướp ấy, có thể, không phải là bản chất mà chỉ là sự bột phát nhất thời, hội chứng đám đông, và phần nào đó cũng rất đáng thương chứ không hoàn toàn chỉ là đáng trách. Nhưng lòng vị tha không bao giờ đồng nghĩa với sự bỏ mặc, bàng quan.
Bởi lẽ đó, trước khi giải quyết căn cơ vấn đề, nghĩa là xóa bỏ được những nguyên nhân xã hội ẩn sâu trong những hành vi đáng xấu hổ ấy, cùng với việc lên án, dường như đã đến lúc cần đến một giải pháp thực sự hiệu quả hơn, kể cả giải pháp pháp luật, để uốn nắn, răn đe những hành vi tranh cướp đó. Chắc rằng, việc đó sẽ khó khăn và đau đớn, nhưng còn gì đáng làm hơn việc ra tay bảo vệ hình ảnh, nhân phẩm, lòng tự hào, tự trọng của con Lạc cháu Hồng, của dân tộc Việt Nam?
Nguyễn Lê