Còn lại với thời gian

Thứ ba, 28/07/2020 21:09

"Còn lại với thời gian" là tựa đề tập bút ký do Nxb Hội Nhà văn vừa ấn hành (tháng 7-2020). Sách dày hơn 300 trang, gồm hơn 20 bài viết của bạn bè, thân hữu về nhân vật Phan Đức Nhạn (một trong những nhân vật trong Nhật ký Chu Cẩm Phong, hiện còn sống) cùng những sự việc một thời liên quan đến một vùng đất và gia đình của anh. Bút ký góp mặt những tác giả như: Thái Bá Lợi, Thuận Hữu, Đình Kính, Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm, Vũ Ngọc Hoàng, Hồ Thanh Hải, Huỳnh Văn Hoa, Hồ Trung Tú, Trần Trung Sáng, Hồ Sĩ Bình, Nguyễn Ngọc Hạnh, Trần Quế Sơn... Trong phần mở đầu, nhà văn Thái Bá Lợi nêu: "Trong tập sách này, các tác giả đã làm chúng ta hình dung ra những gương mặt, những vùng đất, những sự kiện, trong hoàn cảnh nào cũng toát lên sức mạnh tinh thần, đi tới cùng con đường mà mỗi người đã định hướng cho đời mình không phải chỉ có Phan Đức Nhạn và gia đình anh".

Tập sách "Còn lại với thời gian".

  Đọc lại Nhật ký chiến tranh, qua mấy dòng văn ngắn nói về "cậu bé tên Nhạn", mà Chu Cẩm Phong vẫn có thể lột tả rất đầy đủ về tính chất, sở trường và kể cả ước mơ của cậu bé Nhạn thời niên thiếu: "Trưa nay mình về nhà chị Lạng, nhà đang làm lễ 21 ngày cho mẹ. Đây là một bà mẹ kiên cường. Chồng đi tập kết, bà ở nhà vẫn nuôi cán bộ, sau ngày giải phóng, tích cực tham gia công tác kháng chiến. Mình nghe bà con hàng xóm thương tiếc "Nhà đó mới là cách mạng toàn gia". Nhà có ba con trai, anh cả đi công tác huyện; người thứ hai đi du kích, hy sinh; cậu út tên là Nhạn, mới 15 tuổi, đã tỏ ra là người đàn ông trong gia đình. Cậu lanh lợi, thuộc nhiều thơ Tố Hữu, Thu Bồn, có giọng ngâm rất tốt, rất ham học, cứ mơ ước được học lên đại học. Cậu ta hỏi mình "Em không biết ra sao - người học lớp 4 có người lớp 7 dạy, người học lớp 7 có người lớp 10 dạy, người học lớp 10 có người đại học dạy, người dạy đại học là ai mà giỏi rứa? Ước chi..." (trang viết thứ ba ngày 7-1-1969). Đặc biệt, về một câu văn: "Bà Bảng (mẹ anh Nhạn) đấu tranh sản xuất chi cũng hì", anh Nhạn cho rằng chữ "hì" này đậm đặc ý nghĩa và tính cách Quảng Nam, nhưng có tập sách đã sửa thành chữ "cừ", rất uổng! Dù sao, cũng may, nhờ Nhật ký Chu Cẩm Phong  ghi lại khá đầy đủ mà tôi nhớ lại những câu chuyện, những hình ảnh thời thơ ấu.

Nhà văn Hồ Duy Lệ trong bài viết "Vùng Đông yêu thương và nhớ" kể về chuyến đi làm phim "Giở lại trang Nhật ký Chu Cẩm Phong", đã nhắc lại: "Bấy giờ, chàng trai 15 tuổi mà Chu Cẩm Phong đã nhắc đến trong nhật ký đã là Giám đốc Cty Xây dựng và phát tiển Quảng Nam- người thiết kế chuyến đi với mục đích chính là xin tỉnh cho xây dựng một cây cầu bắc qua sông Trường Giang- một nguyện vọng cháy bỏng của bà con Bình Dương, bà con vùng Đông Thăng Bình". Để rồi, vào ngày 30-9-2001, chiếc cầu ấy bằng xi-măng cốt thép đã được hoàn thành như một món quà thiết thực không chỉ riêng Bình Dương, mà cho cả vùng Đông. Và không chỉ có thế, "Cậu bé tên Nhạn" ngày ấy, bằng nhiều hình thức đã không ngừng tham gia đóng góp nhiều phần việc để xây dựng vùng Đông trở thành nông thôn mới, có đầy đủ những yêu cầu cho cuộc sống cả về đời sống kinh tế, văn hóa và tinh thần...

Tác giả Vũ Ngọc Hoàng trong bài viết "Các bạn ấy là học sinh miền Nam" có đoạn: "Trong thời gian còn công tác ở Quảng Nam- Đà Nẵng và tại TPHCM, Phan Đức Nhạn làm việc ở đâu đều để lại ấn tượng thành công, có sản phẩm cụ thể trong công việc. Ông Mai Thúc Lân- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam- Đà Nẵng là người mà chúng tôi rất quý trọng cũng nhận xét như thế về Phan Đức Nhạn".

   KTS Nguyễn Văn Tất trong bài "Trong rừng lớn một chú ong làm mật có tên" nêu nhận định: "Nếu nói về những đức tính tốt đẹp ở Nhạn, theo tôi, chỉ là một mặt con người này. Điều làm tôi cảm kích, đó là con người kết nối. Thấy Nhạn sống như có cùng một tứ sống thú vị của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đại ý, anh Sơn hay nói, mình có nhiều người bạn tốt, thích giới thiệu họ với nhau, tin rằng sẽ có nhiều chuyện tốt cùng nhau. Nhạn quan hệ rộng, nhưng quan trọng nhất là phải có đủ kỹ năng và bản lĩnh để điều hòa các mối quan hệ khi kết nối họ với nhau, nhất là để làm việc cùng nhau".

Nhân vật Phan Đức Nhạn (hàng trên cùng, ngồi) tại buổi giới thiệu bút ký "Còn lại với thời gian". 

Chiều 25-7, có mặt tại buổi ra mắt tập sách "Còn lại với thời gian" do Chi nhánh Nxb Hội nhà văn MT-TN tổ chức, ông Lê Doãn Hợp- nguyên Bộ trưởng Bộ TT- TT bày tỏ xúc động khi nhận xét về tập sách này. Ông cho biết, dù đã từng là người lính trải qua nhiều cuộc chiến, nhưng ông ít thấy nơi đâu chịu đựng sự tàn phá khốc liệt như miền đất Bình Dương, cùng những mất mát, đau thương như bản thân và gia đình anh Phan Đức Nhạn. Ông nói, cến phải có thêm những quyển sách như "Còn lại với thời gian", để tôn vinh những giá trị truyền thống, để con người hãy sống với nhau tốt đẹp hơn.

Trở lại với cuộc sống hiện tại. Những ngày này, anh Phan Đức Nhạn đã nghỉ hưu, công việc bận rộn hằng ngày của anh  là lo cho gia đình, chăm sóc cho chị Cúc, người vợ yêu thương bị bệnh nặng từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội, với bao điều thay trắng, đổi đen, xấu tốt lẫn lộn... không phải không làm cho anh ưu tư, suy nghĩ. Trả lời một câu hỏi về vấn đề như vậy, anh Nhạn nói: "Hồi tuổi thiếu niên, khi ra Bắc, tôi đã là đứa học trò chăm chỉ, giỏi giang. Lên cấp 3, tôi được làm lớp phó lớp chuyên Toán. Vào Đại học, tôi mê ngành cơ khí, chứ không phải xây dựng, nhưng lại được  bố trí vào lớp xây dựng (theo cơ cấu).

Tuy nhiên, khi vào học, gặp các thầy kiến trúc, tôi rất thích. Ra trường, tôi bị  bố trí theo những hướng không phù hợp, tôi luôn phản ứng, đề đạt được trở về đúng nguyện vọng. Cuối cùng, tôi được bố trí về Cty Hợp doanh Xây lắp. Tôi thường nói với anh em: khi tham gia trận đá bóng, là người thủ môn, mình phải ra vào hợp lý và chọn đúng điểm rơi. Vì lòng tự trọng của chính mình, luôn luôn tâm huyết với nghề mình học. Sau này khi chuyển công tác vào TPHCM  (theo nhu cầu thuận lợi cho việc chữa bệnh cho vợ), tôi cũng xin được bố trí theo chuyên môn xây dựng của mình, mặc dù những công việc khác có thể đem đến cơ hội tốt hơn. Sau cùng tôi được chấp thuận".

TRẦN TRUNG SÁNG