Còn nhiều bất cập trong thông báo xả lũ đến người dân
Hầu hết các hồ chứa thủy lợi chưa có thiết bị đo đạc, quan trắc, cảnh báo an toàn đập và xây dựng bản đồ ngập lụt. Theo ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 hồ chứa thủy điện đang tích nước phát điện. Có 2 hồ chứa là hồ điều tiết năm và nhiều năm (Hủa Na, Bản Vẽ), 20 hồ chứa còn lại là hồ vận hành theo chế độ điều tiết ngày đêm. Công tác cảnh báo khi vận hành xả lũ trong trường hợp bình thường và trong tình huống khẩn cấp, cảnh báo khi vận hành phát điện được quy định rõ trong quy trình vận hành liên hồ và đơn hồ chứa. Cụ thể, quy định tối thiểu trước 4 giờ phải thông báo trước khi vận hành mở cửa xả nước đầu tiên. Đồng thời chủ hồ phát tín hiệu cảnh báo, phát lệnh, truyền lệnh, thực hiện lệnh vận hành xả lũ. Việc cảnh báo sớm cho người dân ở vùng hạ du trước khi hồ chứa thủy điện xả lũ thời gian qua được thực hiện bằng văn bản, tin nhắn, loa truyền thanh, hệ thống Đài phát thanh, truyền hình và báo đến người dân vùng hạ du hồ chứa thủy điện theo thời gian quy định tại quy trình vận hành để người dân chủ động phòng tránh.
Kết luận phần chất vấn, ông Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng Nghệ An là tỉnh có hồ thủy lợi, thủy điện lớn nhất nước (chiếm 15%), lại chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai. Trong khi đó, các hồ đập xuống cấp, thiếu thiết bị quan trắc lượng mưa, bản đồ ngập lụt, đây là vấn đề được tỉnh, cử tri quan tâm, lo lắng. Theo Bí thư Tỉnh ủy, việc xả lũ thông tin tuyên truyền cảnh báo đến người dân ở hạ du còn khoảng trống không giám sát được. Đơn cử, nếu thông báo lúc 2 giờ sáng mà 6 sáng xả thì làm sao người dân chuẩn bị kịp. Quy định như thế nhưng trong thực tiễn có bất cập cần phải khắc phục. Bí thư tỉnh ủy đề nghị, các nhà máy thủy điện phải tính toán được lưu lượng nước về hồ để điều tiết đón, xả lũ cho phù hợp, tránh rơi vào thế bị động gây thiệt hại khó lường cho Nhà nước và nhân dân.
Dương Hóa