Còn nhiều vướng mắc khi thực hiện chính quyền đô thị

Thứ bảy, 13/08/2022 11:28
Dù Đà Nẵng đã qua hơn 1 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) nhưng hiện vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn chưa thể tháo gỡ. Trong đó, khó và vướng nhất vẫn là cơ chế về tài chính, ngân sách, nhân sự.
Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình CQĐT ở Đà Nẵng bộ máy quản lý đô thị tinh gọn hơn, thủ tục giải quyết cho người dân nhanh hơn nhưng vẫn tồn tại nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ.
Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình CQĐT ở Đà Nẵng vẫn tồn tại nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ.

Qua giám sát của HĐND TP Đà Nẵng, sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm mô hình CQĐT trên địa bàn TP đã có những tích cực và hiệu quả rõ nét. Tổ chức bộ máy quản lý đô thị tinh gọn hơn, tiết kiệm chi thường xuyên, thủ tục hành chính giảm hơn so với trước, thời gian triển khai kế hoạch nhanh hơn, phù hợp với tính chất, yêu cầu quản lý của đô thị. Ngoài ra, tính năng động trong hoạt động điều hành của chính quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu UBND quận, phường được nâng cao; việc phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới và cơ quan chuyên môn được đẩy mạnh; việc giải quyết yêu cầu chứng thực giấy tờ, chữ ký của nhân dân ở cấp phường được nhanh hơn…

Tuy nhiên, khi chuyển sang mô hình CQĐT cũng phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn về nhân sự, các cơ quan chức năng của TP đã hoàn thành chuyển công chức phường thành công chức thuộc biên chế UBND quận (618 trường hợp kể từ 1-7-2021 đến nay). Điều này dẫn đến cán bộ phường (khối Đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị- xã hội) có sự so sánh với công chức phường. Bên cạnh đó, với khối lượng công việc ngày càng tăng trong điều kiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cán bộ công chức phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, áp lực công việc rất lớn. Q. Ngũ Hành Sơn đã kiến nghị TP bổ sung thêm biên chế để đảm bảo nhân lực thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền trong điều kiện thực hiện mô hình CQĐT. Với các phường có địa bàn rộng, dân số đông như ở Hòa Xuân, Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc… áp lực công việc còn lớn hơn. Biên chế bố trí cho phường theo định mức quy định thì rất khó khăn trong công tác quản lý. Vì thế, Q. Liên Chiểu kiến nghị TP cho nâng từ 5 phường hiện nay lên 7 phường. Các quận khác cũng kiến nghị TP nâng mức chi hành chính cho cán bộ công chức quận/phường để ổn định thu nhập, đời sống và tạo động lực cho cán bộ công chức yên tâm công tác.

Khi thực hiện thí điểm mô hình CQĐT ở Đà Nẵng, số lượng người hoạt động chuyên trách công tác HĐND quận, phường giảm 63 người (18 ở quận và 45 ở phường). Theo đó chức năng, nhiệm vụ của HĐND TP tăng thêm rất lớn (cả phạm vi và đối tượng). Tuy nhiên, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ít (2 Phó Chủ tịch và 12 lãnh đạo Ban chuyên trách). Mặt khác, số lượng biên chế của Văn phòng ĐBQH và HĐND TP được phân bổ thấp (29 biên chế). Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến của cử tri nói riêng, chất lượng giám sát của HĐND TP nói chung.

Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình CQĐT ở Đà Nẵng bộ máy quản lý đô thị tinh gọn hơn, thủ tục giải quyết cho người dân nhanh hơn nhưng vẫn tồn tại nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất khi thực hiện mô hình CQĐT hiện nay chưa thể tháo gỡ vẫn là cơ chế tài chính. Khi thực hiện thí điểm mô hình CQĐT thì quận, phường trở thành đơn vị dự toán ngân sách nên không còn nguồn tăng thu, kết dư ngân sách (theo Luật Ngân sách) để chủ động bổ sung dự toán phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và công tác đảm bảo an sinh xã hội như một cấp ngân sách. Thực tế quá trình quản lý Nhà nước trên địa bàn quận, phường phát sinh nhiều nội dung chi, nhất là sửa chữa cơ sở hạ tầng đô thị, an sinh xã hội, giải quyết bức xúc của nhân dân…nên khi không còn là cấp ngân sách, quận, phường không chủ động trong điều hành ngân sách, nguồn chi để kịp thời xử lý những vấn đề cấp thiết này. Chưa kể, UBND quận, phường là đơn vị dự toán thì không còn nguồn dự phòng ngân sách theo Luật Ngân sách để chủ động chi cho công tác phòng, chống dịch và khắc phục hậu quả thiên tai… mà phải bị động chờ thời gian dài để TP phân bổ kinh phí.

Trước thực trạng này, Q. Sơn Trà đề xuất tăng định mức các sự nghiệp từ 2-3 lần so với định mức giai đoạn trước; bố trí chi khác ngân sách cho cấp quận, phường từ 10-15% trên tổng chi ngân sách; bố trí thêm kinh phí thực hiện các đề án nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Các quận cũng kiến nghị TP tháo gỡ nhiều vướng mắc khác để việc thực hiện thí điểm mô hình CQĐT hiệu quả hơn, như TP ủy quyền cho các quận quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án dưới 15 tỷ đồng do quận quản lý, điều hành. Việc bố trí nguồn vốn đầu tư phân cấp cho các quận cần đảm bảo được sự chủ động để việc triển khai các dự án đồng bộ, giải quyết dứt điểm các tồn đọng, đem lại hiệu quả dài lâu, tránh sự đầu tư chắp vá, nhỏ lẻ, chỉ đáp ứng được nhu cầu trước mắt.

Đặc biệt, qua thực hiện mô hình CQĐT, các quận ở Đà Nẵng đều kiến nghị điều chỉnh để quận, phường trở về lại là một cấp ngân sách như trước đây thay vì là một đơn vị dự toán để chủ động hơn trong điều hành nguồn chi tại các địa phương. Đây là vấn đề vướng mắc, khó khăn lớn mà tất cả các quận, phường phản ánh khi thực hiện thí điểm mô hình CQĐT và Đà Nẵng cũng đã kiến nghị T.Ư để sớm tháo gỡ. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc phát sinh của Đà Nẵng trong quá trình thực hiện thí điểm mô hình CQĐT, trong đó có vướng mắc về quản lý tài chính, ngân sách.

Ngoài ra Chính phủ cũng đang giao nghiên cứu đề xuất sửa đổi nội dung về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, tổ dân phố, thôn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

HẢI QUỲNH