Con trâu mà biết nói năng...

Thứ bảy, 19/04/2014 10:40

(Cadn.com.vn) - Ngày 10-4-2013, gia đình chị Hà Thị Hoài (trú bản Đôm 2, xã Châu Phong, H. Quỳ Châu, Nghệ An) bị mất một con trâu đực khoảng 6 - 7 tuổi, đã tổ chức tìm kiếm nhiều ngày nhưng không thấy. Đầu năm 2014, tình cờ chị Hoài vào nhà ông Lương Văn Xuân (trú bản Xốp Hốc, xã Diên Lãm) tìm mua lợn giống thì phát hiện con trâu nhà mình bị mất bấy lâu đang được ông Xuân nuôi giữ. Chị Hoài mừng rỡ, hỏi răng bác bắt trâu tui về nuôi thì ông Xuân lại khẳng định đây là trâu nhà mình đã đi lạc, mới tìm về được.

Trước sự việc trên, chính quyền địa phương đã vào cuộc và cho đôi bên đối chất. Theo chị Hoài thì trâu nhà chị có đặc điểm, ký hiệu riêng như trâu đã được 6 - 7 năm tuổi, có cắt tai trái khoảng một phân và thường đi ăn ở vùng Huôi Chán ở bản Tóng trên địa bàn xã Châu Phong, hiện còn trâu mẹ và 3 trâu em. Trong khi đó, phía ông Xuân thì cho rằng, con trâu này ông mua của ông Lương Văn Thà tại bản Ná Cống (xã Châu Hoàn) với giá 12 triệu đồng từ năm 2012, và cũng có đặc điểm là cái tai trái bị cắt. Sau khi mua về nuôi được một năm thì con trâu lạc mất. Ngày 10-4- 2013, ông Xuân nhận được thông tin con trâu của mình đang gặm cỏ ở khu vực Huôi Khúc nên đi bắt về.

Sự việc tưởng chừng như đơn giản để phân định con trâu, nhưng hóa ra lại quá phức tạp khi mọi phương án đưa ra như: đưa trâu ra bản Đôm xem trâu về nhà ai? Đưa trâu ra xã Châu Hoàn nơi ông Xuân mua, xem nó có về nhà chủ cũ không? Đưa con trâu này nhập vào hai đàn trâu của hai xã, xem nó sẽ theo đàn nào thì người đó sẽ nhận trâu... nhưng đều bị ông Xuân phản đối, yêu cầu gửi đơn lên tòa án để giải quyết.

Tục “nâm trâu” của đồng bào miền núi thường dễ bị mất hoặc thất lạc.

Ông Lý Châu Đại - Chủ tịch UBND xã Diên Lãm cho biết, do tranh chấp giữa hai gia đình kéo dài, chính quyền đã hướng dẫn cho chị Hoài làm thủ tục khởi kiện lên TAND H. Quỳ Châu. Hiện vụ án đang trong quá trình thụ lý. Được biết, trong thời gian xảy ra tranh chấp, Ban CAX Diên Lãm yêu cầu gia đình ông Lương Văn Xuân không được sử dụng trâu vào việc cày kéo hay làm thay đổi hình dạng bên ngoài của trâu để phục vụ cho công tác điều tra.

Đại tá Thái Doãn Hiệu - Trưởng CAH Quỳ Châu cho biết, đồng bào miền núi thường có tục “nâm trâu”, tức là thả trâu vào rừng trong thời gian dài nên thường dẫn đến mất, hoặc bị lạc đàn. Trên địa bàn cũng đã từng xảy ra những vụ tranh chấp tương tự, nhưng vụ án này có cái khó là tranh chấp giữa hai gia đình ở hai xã khác nhau nên chính quyền khó phân xử. CAH đã tham mưu cho các bên liên quan gửi đơn ra tòa án để được giải quyết dân sự thỏa đáng.

Kỳ án “con trâu lạc” với sự tranh chấp quyết liệt giữa hai gia đình chị Hà Thị Hoài và ông Lương Văn Xuân vẫn chưa có hồi kết. “Trâu ải, trâu ai” đang được tòa án dân sự H. Quỳ Châu vào cuộc xác minh, làm rõ, nhưng người dân ở hai xã Châu Phong và Diên Lãm thì đùa rằng, “con trâu mà biết nói năng thì...”.

X.S