Công an huyện Đắk Mil đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng

Thứ tư, 22/02/2023 15:27
Gần đây, việc lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra khá phổ biến. Trong bối cảnh mới được thành lập, nhưng bằng sự nỗ lực hết mình, lực lượng chuyên môn trong công tác đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này đã gặt hái được những thành công nhất định, trong đó có Công an các đơn vị địa phương cấp huyện.
Công an huyện Đắk Mil đấu tranh với một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Lực lượng Công an Đắk Mil phát tờ rơi tuyên truyền, cảnh báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Theo lãnh đạo Công an huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông), các đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản vẫn chủ yếu áp dụng các chiêu thức như chiếm quyền sử dụng Facebook, Zalo, giả danh chủ tài khoản; giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Ngân hàng, người nước ngoài… kết bạn, làm quen, nhắn tin, thông báo trúng thưởng và nhận quà tặng, bán hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Riêng từ cuối năm 2022 đến nay, lực lượng Công an huyện Đắk Mil đã tiếp nhận và giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Mới đây, vào đầu tháng 1 năm 2023, ông Nguyễn Đăng B., trú tại huyện Đắk Mil đã đến Công an huyện Đắk Mil trình báo về việc ông đã bị các đối tượng thông qua mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng với thủ đoạn giả danh các công ty mua sắm trực tuyến thông báo trúng thưởng và yêu cầu phải mua các mặt hàng để được tích điểm nhận thưởng. Theo tường trình, vào khoảng tháng 10 năm 2022, có một người phụ nữ gọi điện thoại đến giới thiệu là nhân viên mua sắm trực tuyến ở TPHCM và hỏi, xác nhận tên tuổi, địa chỉ của ông B. rồi cho biết hiện nay Công ty đang triển khai chương trình quay số trúng thưởng, nếu tham gia Công ty sẽ gửi cho ông B. 1 đơn hàng để chứng thực. Sau khi ông B. đồng ý, người phụ nữ này đã gửi cho ông B. 1 đơn hàng là nồi lẩu điện 2 ngăn trị giá 1.780 ngàn đồng. Sau đó, người phụ nữ này tiếp tục gọi điện thoại thông báo ông B. đã trúng thưởng tổng trị giá 289 triệu đồng gồm 1 ti-vi, 1 xe máy SH, 1 ĐTDĐ và thẻ mua hàng trị giá 100 triệu đồng và cho biết nếu ông B. muốn nhận thưởng phải đóng góp1/2 tổng số tiền giải thưởng để làm hồ sơ nhận thưởng bằng hình thức tiếp tục nhận đơn hàng để tích điểm. Tin tưởng, từ ngày 5-10 đến ngày 27-12-2022 ông B đã nhận 11 đơn hàng và trả tiền cho người phụ nữ nói trên với tổng số tiền gần 300 triệu đồng.

Công an huyện Đắk Mil đấu tranh với một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Một trường hợp khác là anh Mai Văn D. (H. Đắk Mil) cũng đã đến Công an huyện Đắk Mil trình báo về việc anh đã bị các đối tượng thông qua mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 200 triệu đồng với thủ đoạn thành lập các công ty rồi đăng hình ảnh rao bán các mặt hàng sắt thép với giá rẻ trên các website rồi nhận tiền đặt cọc, tạm ứng và cắt đứt liên lạc, không giao hàng theo thỏa thuận.

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, lực lượng Công an huyện Đắk Mil đã tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh, triệt phá 8 nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Mới đây, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, với tinh thần quyết tâm cao, trong thời gian ngắn, lực lượng Công an huyện Đắk Mil đã tập trung đấu tranh, triệt phá 2 nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet với số tiền lớn liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố. Qua đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố 2 vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Hoàng Tuyết Hảo (1979, trú Q. 11, TPHCM, Cao Văn Hoàn (1996, trú H. Xuân Trường, tỉnh Nam Định) Trương Đình Trọng (2002) và Nguyễn Đình Vui (1997), cùng trú H. Đô Lương (tỉnh Nghệ An) để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời thu giữ 1 laptop, 1 máy in, 2 ĐTDĐ, 2 ĐT cố định, 1 con dấu khắc chữ "Trung tâm mua sắm trực tuyến"...

Bước đầu, các đối tượng khai nhận đã thực hiện trên 70 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet với số tiền chiếm đoạt trên 4 tỷ đồng của nhiều người dân tại TPHCM và các tỉnh Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Dương... Bước đầu, Công an huyện Đắk Mil đã thu hồi được 506 triệu đồng do các nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt của các bị hại.

Lãnh đạo Công an huyện Đắk Mil cho biết, để đấu tranh, phòng, chống loại tội phạm này đạt hiệu quả cao, cùng với việc đấu tranh quyết liệt của lực lượng Công an và ngành chức năng thì mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định. Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch; thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; thường xuyên thay đổi để bảo đảm tính an toàn của mật khẩu; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân; không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng; không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết… Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Hồng Long

.