Công an xã “4 cùng” với người dân vùng biên giới

Thứ sáu, 17/05/2024 07:08
Hồng Kim là một trong các xã miền núi của huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên- Huế) có hơn 90% dân số là người đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy sinh sống. Do cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, một số tập tục được truyền từ đời này sang đời khác nên muốn thay đổi nhận thức của người dân không phải là câu chuyện dễ dàng.
Cán bộ Công an xã Đông Sơn đến nhà đồng bào Pa Cô để thăm hỏi, động viên và tuyên truyền pháp luật.
Cán bộ Công an xã Đông Sơn đến nhà đồng bào Pa Cô để thăm hỏi, động viên và tuyên truyền pháp luật.

Thiếu tá Hồ Thị Kim Anh- Phó trưởng Công an xã Hồng Kim cho biết, thấu hiểu được điều này, cùng với việc nắm bắt rõ phong tục, tập quán của người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn xã nên thời gian qua, Công an xã thường xuyên đến nhà người dân, tích cực tuyên truyền các quy định pháp luật, qua đó vận động người dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ). “Để có thể trò chuyện và thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con, các cán bộ chiến sĩ Công an xã đều phải học và nói thành thạo tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tiếng của người Pa Cô. Qua đó lực lượng Công an xã đã thực hiện phương châm 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số” với người dân địa phương”, Thiếu tá Hồ Thị Kim Anh chia sẻ.

Nhờ thực hiện phương châm “4 cùng” nên tại địa bàn xã Hồng Kim, tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3, thứ 4 và các hành vi vi phạm pháp luật đã giảm thiểu đáng kể.

Tại địa bàn xã Đông Sơn, huyện A Lưới, nhiều năm trở lại đây, lực lượng Công an xã cũng đã thực hiện nhiều mô hình hay để lan tỏa phong trào Toàn dân BVANTQ, cùng huy động sức dân vào công tác giữ gìn ANTT địa bàn. Trong đó, phương châm “4 cùng” được Công an xã Đông Sơn tiếp tục duy trì và mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo chân Đại úy Lê Khánh Long- Phó trưởng Công an xã Đông Sơn và Trung úy Hồ Thành Yến, Cảnh sát khu vực phụ trách thôn Ka Vá đến thăm gia đình chị Đào Thị Hảo (người dân tộc Pa Cô ở thôn Ka Vá, xã Đông Sơn), chúng tôi mới hiểu thêm phần công việc vất vả của những cán bộ Công an làm nhiệm vụ ở địa bàn miền núi. Chị Hảo cho biết: “Mỗi tuần, các đồng chí Công an xã đều ghé đến thăm nhà nhiều lần. Nhờ được cán bộ Công an xã tuyên truyền, vận động nên người dân ở thôn Ka Vá đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Tình trạng thanh, thiếu niên gây gổ đánh nhau, tụ tập cờ bạc, vi phạm Luật Giao thông đường bộ đều giảm thiểu đáng kể. Người dân luôn ghi nhớ lời căn dặn của các đồng chí Công an như chăm chỉ lao động, không sinh đẻ vượt kế hoạch để nuôi dạy con cái được tốt hơn…”.

Thượng tá Lại Phước Lợi- Trưởng Công an huyện A Lưới cho biết thêm, thông qua những mô hình hay, cách làm sáng tạo cùng với thực hiện phương châm “4 cùng” nói trên nên lực lượng Công an các xã thuộc địa bàn huyện đã thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo ANTT địa bàn. Công an các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa ngày càng được người dân tin yêu, được người dân cung cấp nhiều nguồn tin giá trị trong công tác phòng, chống tội phạm, đã giải quyết tốt các vụ việc phát sinh từ cơ sở. Bên cạnh đó, Công an các xã đã phối hợp xây dựng nhiều mô hình như “Liên kết các dòng họ phòng, chống ma túy”; “Đoàn Thanh niên phòng, chống ma túy”; “Tổ tự quản phòng, chống ma túy tuyến biên giới Việt - Lào”. Các mô hình này tập hợp các dòng họ, các khu dân cư, người có uy tín tại các thôn, bản tích cực thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, tham gia phong trào Toàn dân BVANTQ. Qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả đề án “Chuyển hóa tình hình ma túy tại địa bàn huyện A Lưới và tăng cường công tác phòng, chống ma túy xâm nhập tuyến biên giới Việt - Lào trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế”.

A.K