Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam: Hướng đến mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD

Thứ năm, 09/08/2018 12:16

Ngày 8-8, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD vào năm 2018 và phát triển bền vững vào những năm tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thăm triển lãm nội thất gỗ trong khuôn khổ hội nghị.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố có ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển; đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các hiệp hội cùng hơn 400 doanh nghiệp đại diện cho 4.500 doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

6% thị phần thế giới

Trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đang dần khẳng định vị thế là ngành kinh tế xã hội quan trọng của đất nước, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới. Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu lâm sản, đặc biệt là mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức tăng trưởng bình quân 13%/năm trong giai đoạn 2010-2017, đạt 8,032 tỷ USD vào năm 2017, tăng 10,2% so với năm 2016, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020.

Bên cạnh việc đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, ngành chế biến lâm sản hiện nay với khoảng 4.500 doanh nghiệp, trong đó khu vực tư nhân chiếm 95% đã tạo ra khoảng 500.000 việc làm trong các cơ sở chế biến và cho hàng triệu lao động trồng ở khu vực nông thôn miền núi, góp phần ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững.

Với sự tham gia của đông đảo cộng đồng các doanh nghiệp trong ngành, các hiệp hội ngành hàng chế biến gỗ và lâm sản, các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp về đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chất lượng cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả; phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản; phát triển nguồn nhân lực cung cấp cho ngành chế biến gỗ và lâm sản, đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến xuất khẩu...

Kiên quyết bảo vệ rừng tự nhiên

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, biểu dương các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nhân, người lao động đã có nhiều đóng góp vào những thành tựu lớn của ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam.  Theo Thủ tướng, trong thời gian qua, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương đã chỉ đạo trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc rất kiên quyết, đi cùng với bảo vệ rừng tự nhiên. Độ che phủ rừng của Việt Nam năm 2018 ước đạt 42%, trong khi bình quân thế giới là 29%. 11 triệu ha rừng tự nhiên được đóng cửa, bảo vệ phù hợp với Luật Lâm nghiệp, nhất là tại những địa bàn nóng như Tây Nguyên, Tây Bắc... Đây là kết quả đáng mừng, là sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường và tạo nền tảng cho tương lai.

Thủ tướng đánh giá dư địa của ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam còn rất lớn, nhưng vẫn nổi lên một số tồn tại như: Việc đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chất lượng còn hạn chế. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán. Phần lớn nguyên liệu gỗ đường kính nhỏ, còn non, chất lượng không đồng đều. Nguồn gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Gỗ khai thác rừng trồng để sản xuất sản phẩm thô giá trị thấp, dăm gỗ chiếm tỷ lệ lớn...

Đặc biệt là xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm còn yếu, chưa có nhiều thương hiệu gỗ, lâm sản Việt Nam cạnh tranh trên khu vực và quốc tế. Việc xuất khẩu phải thông qua đối tác nước ngoài, hiệu quả giá trị được nhận trực tiếp còn thấp. Một số lâm sản có giá trị kinh tế cao như sâm, thảo quả, hồi, quế... chưa xây dựng, phát triển được thương hiệu. “Nhiều mặt hàng chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất được, đảm bảo chất lượng nhưng vẫn phải nhập khẩu do không có thương hiệu để cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước” - Thủ tướng trăn trở.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục yêu cầu các chính quyền địa phương phải có chính sách quản lý rừng chặt chẽ hơn, kiên quyết xử lý việc phá rừng. Thủ tướng nhấn mạnh, phải kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không phá rừng để trồng cây công nghiệp, tập trung phát triển bền vững, hiệu quả, hội nhập sâu rộng và thực hiện các cam kết quốc tế.

Mục tiêu 20 tỷ USD

Từ những thành quả bước đầu quan trọng của ngành gỗ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra quan điểm, mục tiêu trong thời gian tới là: phát triển bền vững, hiện đại hội nhập, sâu rộng với quốc tế, khu vực; sử dụng nguyên liệu hợp pháp, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến; đào tạo nguồn nhân lực tốt; phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ tốt hơn nữa trong thời gian gần đây.

Tại hội nghị, Thủ tướng đặt hàng cho ngành chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản: Trong 10 năm tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín trên thị trường quốc tế. Mục tiêu cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu năm 2018 đạt 9 tỷ USD; năm 2019 đạt 10 - 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 - 13 tỷ USD; đến năm 2025 đạt 18 - 20 tỷ USD.

Thủ tướng nhấn mạnh, để đạt được những mục tiêu đó, phải có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, lâm sản để phát huy lợi thế so sánh của Việt Nam. Đây cũng là hướng phát triển để tạo nhiều việc làm ở miền núi, nông thôn, phát triển nông lâm nghiệp. Sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị để ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam có điều kiện phát triển tốt hơn, bền vững hơn trong thời gian tới.

B.T – X.T