Công tác phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Làm thế nào để hiệu quả hơn ?

Thứ tư, 14/09/2022 18:22
Vào tháng 4-2022, Cục QLTT Đắk Lắk đã có văn bản gửi Cục QLTT Khánh Hòa với nội dung đề nghị hỗ trợ xác minh nguồn gốc lô hàng mực khô mà Cục QLTT Đắk Lắk đang tạm giữ của một cửa hàng kinh doanh tại tỉnh này khai báo mua từ một cơ sở chế biến thực phẩm ở TP Nha Trang (Khánh Hòa). Trên cơ sở đó, Cục QLTT Khánh Hòa đã tiến hành xác minh và phúc đáp lô hàng này khôngmua từ cơ sở chế biến thực phẩm ở TP Nha Trang. Có thêm dữ liệu xác minh này, Cục QLTT Đắk Lắk đã có đủ cơ sở pháp lý để xử phạt cửa hàng kinh doanh nói trên về hành vi gian lận thương mại.
Lực lượng QLTT TP Đà Nẵng kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP.
Lực lượng QLTT TP Đà Nẵng kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP.

Đây chỉ là một trong hàng trăm vụ gian lận thương mại được xử lý kịp thời và hiệu quả trong hơn 1 năm qua từ sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ giữa cục QLTT các tỉnh, thành duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên. Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 1 năm công tác phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BL, GLTM & HG) giữa cục QLTT các tỉnh, thành duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên vừa được tổ chức tại TP Đà Nẵng, cho thấy trong thời gian qua, cục QLTT các tỉnh, thành trong khu vực tiếp tục phối hợp tốt trên nhiều mặt công tác như: cung cấp thông tin và hỗ trợ tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường; trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ; hỗ trợ xác minh hóa đơn chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; tống đạt, đôn đốc chấp hành các quyết định xử phạt hành chính đối với các trường hợp BL, GLTM & HG… đã góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn này ngày càng tinh vi và phức tạp. Chỉ tính từ tháng 6-2021 đến tháng 6-2022, lực lượng QLTT các tỉnh, thành trong khu vực đã phát hiện gần 5.600 vụ BL, GLTM & HG; qua đó, xử phạt tiền với tổng số tiền phạt nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 24,5 tỷ đồng, đồng thời bán đấu giá hàng tịch thu thu được gần 8 tỷ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác phối hợp đấu tranh chống BL, GLTM & HG giữa cục QLTT các tỉnh, thành ven biển Miền Trung và Tây Nguyên trong hơn 1 năm qua cũng có một số tồn tại và hạn chế. Ông Trần Phước Trí, quyền Cục trưởng Cục QLTT TP Đà Nẵng, cho biết, công tác phối hợp theo dõi, nắm bắt tình hình và thông tin về tình hình BL, GLTM & HG chưa thường xuyên; nội dung phối hợp còn còn đơn giản, mang tính sự vụ, sự việc và chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm của các đối tượng vi phạm, nhất là những vi phạm trên lĩnh vực vận chuyển, kinh doanh xăng dầu, hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại… Bên cạnh đó, theo ông Lê Tuấn, quyền Cục trưởng Cục QLTT Kon Tum, việc phối hợp trao đổi thông tin, tình hình hoạt động với các cục QLTT trong khu vực tuy đã đạt được những hiệu quả nhất định nhưng chưa được thường xuyên, liên tục; công tác phối hợp, cung cấp thông tin giữa các đội QLTT quản lý địa bàn là các tuyến đường quốc lộ, đường Hồ Chí Minh, v.v… và các đội QLTT quản lý các địa bàn giáp ranh chưa thường xuyên; một số nội dung trong Quy chế phối hợp công tác giữa cục QLTT các tỉnh, thành trong khu vực khi thực hiện vẫn còn lúng túng chưa triển khai được như: chưa thiết lập quy trình về trao đổi thông tin theo định kỳ, chưa xây dựng kế hoạch kiểm tra kiểm soát thị trường chung trong toàn khu vực theo hướng chuyên đề; một số đội QLTT thuộc cục QLTT các tỉnh, thành có địa bàn giáp ranh với nhau chưa tổ chức ký kết kế hoạch hoặc chương trình phối hợp cụ thể, vì vậy, việc phối hợp trong thời gian qua chỉ mang tính đột xuất, chưa đi vào chiều sâu…

Để công tác phối hợp chống BL, GLTM & HG giữa cục QLTT các tỉnh, thành duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, lãnh đạo cục QLTT các tỉnh, thành trong khu vực đều có chung kiến nghị Tổng cục QLTT làm cầu nối để các hiệp hội doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp nói riêng có sự chủ động phối hợp với cục QLTT các tỉnh, thành khu vực này trong công tác đấu tranh chống BL, GLTM & HG; tăng cường trang bị các thiết bị, phương tiện chuyên dụng phục vụ hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường phù hợp với tình hình hiện nay cho cục QLTT các tỉnh, thành; thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức cho lực lượng QLTT cả nước nói chung, khu vực duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên nói riêng, đặc biệt là kỹ năng trong kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm đối với một số lĩnh vực, ngành hàng trọng tâm như: hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, thương mại đa cấp, v.v…

Ông Trần Đức Tiến, Cục trưởng Cục QLTT Bình Định cho rằng cục QLTT các tỉnh, thành trong khu vực cần tăng cường học hỏi, giao lưu, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phối hợp tốt trong các hoạt động, nhất là đội QLTT quản lý các địa bàn giáp ranh cần tổ chức triển khai cụ thể hóa các nội dung Quy chế phối hợp mà lãnh đạo cục QLTT các tỉnh, thành đã thống nhất, ký kết; đẩy mạnh chia sẻ thông tin, định kỳ họp giao ban, tăng cường mối quan hệ trong công tác chống BL, GLTM & HG; thường xuyên tổ chức sơ kết công tác phối hợp, rút ra những kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ chính trị ngày càng tốt hơn… Theo ông Trần Đức Thanh, Phó cục trưởng Cục QLTT Đắk Nông, cục QLTT các tỉnh, thành trong khu vực cần thông tin kịp thời cho nhau về những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm có quan hệ đến nhiều tỉnh, thành; đối với những vụ việc phức tạp, khi phối hợp kiểm tra và xử lý cần thông báo cho nhau về kết quả thực hiện để học tập kinh nghiệm; các đội QLTT quản lý các địa bàn có các tuyến QL1A, QL14, QL 19, QL24, đường Hồ Chí Minh đi qua cần tăng cường hơn mối quan hệ phối hợp, chia sẻ thông tin, thông báo kịp thời, chính xác các phương tiện vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, hàng giả, v.v… để phối hợp kiểm tra và xử lý.

Ngoài ra, theo ông Trần Minh Khoa, quyền Cục trưởng Cục QLTT Ninh Thuận, lãnh đạo cục QLTT các tỉnh, thành trong khu vực cần quán triệt hơn nữa đến từng CBCC QLTT về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung mối quan hệ phối hợp trong Quy chế phối hợp đã ký kết; tạo điều kiện cho các đội QLTT trực thuộc thuận lợi về thời gian và kinh phí để tổ chức giao lưu, trao đổi nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm trong công tác trinh sát, kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm đối với các trường hợp BL, GLTM & HG…

PHÚ NAM