Công ty 6666 xin tiếp tục tận thu xái quặng từ mỏ vàng Phước Sơn

Thứ ba, 09/11/2021 11:22

Công ty Cổ phần Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666 (Cty 6666) vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ công ty được tiếp tục lấy xái quặng từ đập thải của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (Cty Vàng Phước Sơn) về xưởng chế biến tận thu kim loại và xử lý môi trường.

Nhà máy chế biến quặng thải của Cty 6666 bỏ hoang nhiều năm qua do không có nguyên liệu để hoạt động.

Điều đáng nói, trước đây Cty 6666 được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép lấy xái quặng từ đập thải của Cty Vàng Phước Sơn, nhưng sau khi tái cơ cấu, Cty Vàng Phước Sơn không để đơn vị này tiếp tục tận thu xái quặng khiến doanh nghiệp này lao đao. Còn phía Cty Vàng Phước Sơn cho rằng, hồ sơ pháp lý về môi trường của Cty 6666 chưa đảm bảo nên đơn vị chưa thể “mạo hiểm” cho Cty này tiếp tục tận thu xái quặng được.

Theo Cty 6666, năm 2013 đơn vị được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép lấy xái quặng ở đập thải của Cty Vàng Phước Sơn về chế biến tận thu kim loại và xử lý môi trường, thời gian hoạt động là 18 năm. Trong hợp đồng tận thu quặng thải số PS2013-68 giữa Cty 6666 và Cty Vàng Phước Sơn ký ngày 3-9-2013 cũng đã thể hiện điều đó. Sau đó, Cty 6666 đã đầu tư xây dựng và giải phóng mặt bằng với số tiền hơn 47 tỷ đồng và đã lấy quặng thải từ Cty Vàng Phước Sơn về chế biến tận thu. Đến năm 2017, Cty Vàng Phước Sơn tạm dừng hoạt động để chuyển đổi cổ đông. Sau khi cơ cấu lại, năm 2020 Cty Vàng Phước Sơn tiếp tục hoạt động, khối lượng xái quặng thải ra tương đối lớn, gây áp lực lên đập thải và đã nhiều lần nâng cao bờ đập thải.

“Trước tình hình trên, Cty 6666 đã nhiều lần có văn bản gửi cho Cty Vàng Phước Sơn xin được vận chuyển xái quặng từ nhà máy vàng Phước Sơn về nhà xưởng của Cty 6666 theo hợp đồng tận thu đã được ký kết trước đó. Thế nhưng, đến nay Cty Vàng Phước Sơn vẫn chưa có văn bản trả lời đồng ý cho Cty 6666 được vận chuyển xái quặng. Nếu Cty 6666 được lấy xái quặng, vận chuyển về nhà xưởng của Cty 6666 thì sẽ làm giảm áp lực đập thải của Cty Vàng Phước Sơn, tránh sự cố gây vỡ đập”, ông Trương Quốc Sỹ - Giám đốc Cty 6666 nói.

Cũng theo ông Sỹ, Cty 6666 mới đầu tư vào dự án trên chưa được bao lâu thì năm 2017 đã phải dừng hoạt động. Thời gian tạm dừng hoạt động quá lâu khiến máy móc hoen rỉ, hư hỏng, xuống cấp gây thiệt hại rất lớn cho Cty; ngoài ra Cty phải trả lương cho bảo vệ trông coi nhà xưởng, trả lãi vay ngân hàng và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên Cty đang gặp rất nhiều khó khăn. “Nếu biết trước, sau khi đầu tư xong mà Cty Vàng Phước Sơn không cho lấy xái quặng thì chắc có lẽ Cty 6666 đã không dám đầu tư để bây giờ thiệt hại rất lớn. Nếu bây giờ được vận chuyển xái quặng thì Cty có nguồn nguyên liệu để hoạt động trở lại, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách cho địa phương và thu hồi một phần vốn đã đầu tư”- ông Trương Quốc Sỹ chia sẻ.

Trong khi đó, chiều 8-11, trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng giám đốc Cty Vàng Phước Sơn cho rằng, hợp đồng giữa đơn vị và Cty 6666 từ năm 2013, do đó liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường đến nay đã có nhiều thay đổi. “Qua rà soát lại các điều kiện trong hợp đồng trước đây, chúng tôi thấy những nội dung trong đó giờ chưa đủ cơ sở thực hiện tiếp được. Giờ Cty 6666 muốn tận thu xái quặng của Cty chúng tôi thì cần đảm bảo căn cứ pháp lý về môi trường, đánh giá lại tác động môi trường để đảm bảo theo quy định hiện hành. Nếu không đủ điều kiện thì không thể tiếp tục thực hiện được”- ông Minh nói.

Ông Minh cũng cho rằng, để thực hiện hợp đồng trên phải đảm bảo hai điều kiện, thứ nhất căn cứ pháp lý của các cơ quan có thẩm quyền, thứ hai là ý chí nguyện vọng giữa hai bên. “Hiện cả hai điều kiện đó tôi thấy chưa rõ lắm, đặc biệt là căn cứ pháp lý để thực hiện hợp đồng liên quan đến vấn đề môi trường. Nếu cơ sở pháp lý chưa vững thì chúng tôi không thể mạo hiểm tiếp tục thực hiện hợp đồng trên được”- ông Minh nói.

Về phía tỉnh Quảng Nam, sau khi nhận tờ trình trên của Cty 6666, ngày 3-11-2021, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 1515/VP-UBNDKTN gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND huyện Phước Sơn kiểm tra, xem xét, tham mưu UBND tỉnh giải quyết.

Thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Quảng Nam cùng các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp giải quyết, qua đó nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp giữa các bên, đồng thời gắn với việc bảo vệ môi trường bền vững.

BÃO BÌNH