Cụ bà 30 năm cưu mang sinh viên nghèo

Thứ tư, 06/07/2022 16:15
30 năm nay, ngôi nhà 17/6 kiệt 104, phường Kim Long, thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế) là nơi trú trọ miễn phí cho các cô, cậu sinh viên nghèo của nhiều tỉnh thànhtrong cả nước. Điều đáng nói, chủ nhân ngôi nhà nhân ái này là cụ bà Huỳnh Thị Diệp, năm nay đã 90 tuổi, sống nhờ tiền phụ cấp neo đơn, khuyết tật của Nhà nước.
Nhiều người trẻ mãi tri ân bà vì đã tạo điều kiện cho họ được “khai tâm, mở trí”.
Cụ bà Huỳnh Thị Diệp đã đem ánh sáng văn hóa đến cho gần 200 sinh viên nghèo.

Sinh ra trong một gia đình nho giáo, từ nhỏ, bà Diệp đã được sống trong môi trường giáo dục kiểu mẫu. Khi còn thanh xuân, cũng có nhiều đấng mày râu theo đuổi nhưng bà Diệp một mực từ chối, không lập gia đình. Hàng năm, cứ đến mùa thi đại học, thấy nhiều người ở quê lên phố chạy vạy dáo dác khắp nơi tìm chỗ trọ cho con, có không ít bậc làm cha làm mẹ đã bậc khóc…, lòng bà xót thương. Đồng cảm trước những hoàn cảnh đó, bà đau đáu, trăn trở tìm cách để được sẻ chia. Năm 1991, khi đã 61 tuổi, hội đủ duyên lành, bà Diệp quyết định đón các sinh viên nghèo đến nhà mình ở miễn phí. Lúc đầu, chỉ có 7 em. Sau cứ tăng dần lên, có lúc lên tới 12 em cùng trọ học ở nhà bà. Thuở đó, chưa có điều kiện xây riêng từng phòng, nên con trai thì trải chiếu, nệm ngủ chung dưới nền nhà; còn con gái thì cho lên ngủ trên tầng gác. Lớp anh trước, lớp em sau, cứ hết 4 - 5 năm học khi một lứa sinh viên ra trường, nhà bà lại đón tiếp lứa sinh viên từ nhiều tỉnh thành trong cả nước mới vào trọ học. Sinh viên đến trọ học miễn phí ở nhà bà mỗi em một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, tất cả đều được bà đón nhận bằng tấm lòng nhân ái, tình yêu thương như chính con cháu ruột thịt.

Cho các sinh viên nghèo trọ học miễn phí, bà phải cất công đi lại nhiều lần, lên ủy ban phường, đến trụ sở công an, tổ dân phố… để làm thủ tục giấy tờ, khai báo tạm trú cho các em. Thậm chí, có một vài em chưa “thích nghi” chỗ ở mới, xảy ra xích mích, gây hấn với thanh niên trong khu phố…, bà trở thành người đại diện bố mẹ các em đến làm việc với cơ quan chức năng. Hết mực yêu thương, quan tâm chăm sóc, nhắc nhở các em từng ly, từng tý, từ việc ăn ở, vệ sinh, giờ giấc cho đến chuyện học hành, tu rèn đạo đức. Đặc biệt, bà rất nghiêm khắc, quản lí chặt chẽ, không để các em chơi bời lêu lổng, nhất là về khuya. Sau 9 giờ 30 tối là bà khóa cổng, tờ mờ sáng là đi gõ cửa kêu các em dậy sớm tập thể dục để nâng cao sức khỏe bản thân. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” nên dần dần các em đều cảm thấy thoải mái, thích nghi chỗ ở mới để yên tâm lo chuyện đèn sách, phấn đấu gầy dựng hạnh phúc cho cuộc sống tương lai. Khó ai ngờ tấm lòng hào hiệp, nhân từ đó lại có hoàn cảnh khó khăn. Hiện bà Diệp sống nhờ tiền phụ cấp neo đơn, khuyết tật của nhà nước 1.260.000đ/tháng. Vậy mà, mỗi lần dịp lễ, tết, hội hè, yến tiệc…, nếu được chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đến thăm, tặng quà: gạo, mì tôm, dầu ăn, đường, bột ngọt, sữa, xà phòng…, bà đem ra chia đều, san sẻ cho các sinh viên nghèo đang trọ học ở nhà mình. Bà Diệp khuyên nhủ các sinh viên phải thường xuyên đọc sách báo, bởi theo bà, chỉ có sách mới đem lại ánh sáng văn hóa, mở mang trí tuệ, góp phần hun đúc, dựng xây nếp sống văn hóa trong mỗi người Việt, đặc biệt là giới trẻ. Bởi vậy, việc đầu tiên khi các sinh viên nghèo đặt chân tới “Ngôi nhà nhân ái” là được bà dọn dẹp, bố trí nơi để tủ sách vở, bàn ghế học tập sao cho hợp lí, khoa học.

Nhiều người trẻ mãi tri ân bà vì đã tạo điều kiện cho họ được “khai tâm, mở trí”.

Em Trần Thị Ngọc Ánh, quê Nghệ An, sinh viên năm hai ngành Y đa khoa trường Đại học Y Dược Huế, được bà Diệp cho ở trọ miễn phí, xúc động bộc bạch: “Ở nhà bà rất thoải mái. Sự thân thiện, gần gũi, quan tâm của bà làm em vơi đi nỗi nhớ nhà và yên tâm học hành. Em ước tính, cứ một năm được bà cho ở miễn phí, em tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng để mua thêm sách vở, giáo trình ôn luyện và để giảm chi phí cho các khoản học tập khác. Công đức của bà thật lớn lao, biết khi nào em mới trả nổi”. Cũng với lòng biết ơn đó, em Hoàng Quốc Đạt, quê Hà Tĩnh, sinh viên năm cuối, ngành Công nghệ sinh học trường Đại học Khoa học Huế có duyên ở nhà bà Diệp từ năm 2014 đến nay, thổ lộ: “Nhà em đông anh em, bố mẹ thuần nông nên thu nhập thấp, lại không ổn định. Nếu không được cụ Diệp cưu mang giúp đỡ thì chắc em cũng không trụ nổi đến năm thứ nhất. Bà rất hiền nhưng cũng rất nghiêm. Hễ tụi em đi chơi về hơi khuya, bà kêu lên uốn nắn, răn đe. Nhiều lúc, chúng em bất đồng nên to tiếng cải vã nhau, bà làm quan tòa đứng ra phân xử, giải hòa. Em vô cùng yêu quý bà như chính bà nội của mình vậy”.

Ngoài việc kèm cặp, dõi theo giờ giấc học hành, giáo dục rèn luyện đạo đức cho các em vì thiếu vắng cha mẹ, người thân bên cạnh, những lúc rảnh rỗi bà còn chỉ dạy cho các sinh viên nữ “nữ công gia chánh”, chuyện bếp núc, nấu nướng… Dù tuổi đã “gần đất, xa trời”, tai hơi lãng, đôi mắt không còn nhìn rõ như trước bởi phải trải qua nhiều lần tiểu phẩu, nhưng trông bà vẫn minh mẫn, sáng suốt. Bà nhớ rõ mồn một, đọc vanh vách tên từng sinh viên khóa đầu (năm 1991) được bà bảo bọc, chở che, trong số đó có nhiều người nay đã lên chức ông bà ngoại.

Hơn 30 năm qua, bằng tấm lòng nhân từ, cụ bà Huỳnh Thị Diệp đã đem ánh sáng văn hóa đến cho gần 200 sinh viên nghèo ở trong Nam, ngoài Bắc đến xin “lưu trú” ở nhà bà để học đại học. Trong số đó, có nhiều em nay đã trưởng thành, có việc làm ổn định. Nhiều bác sĩ, kỹ sư, linh mục, doanh nghiệp giỏi… cũng đã từng được trọ học ở “ngôi nhà nhân ái” này: Trần Văn Duy – Giám đốc Trung tâm Âm nhạc Melody Huế, Châu Ngọc Quang – Chủ cửa hàng nhạc cụ Vĩnh Anh (Đà Nẵng), luật sư Đỗ Mạnh – đoàn luật sư TP HCM, Nguyễn Quang Cường – Giảng viên Toán kinh tế trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), bác sĩ Trần Văn Hùng – công tác ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, linh mục Trần Ngọc Tuyến – Giáo xứ Đại Lộc (Quảng Nam), linh mục Nguyễn Văn Đại – dòng tu Đa Minh (Thủ Đức, TPHCM)… Xin được mượn lời thơ dưới đây để thay lời tri ân sâu sắc của hơn 200 SV nghèo đã, đang được bà cưu mang để kết thúc bài viết này: “Bà Diệp tóc trắng như tiên/ Ba mươi năm cưu mang sinh viên nghèo/ Trong Nam, ngoài Bắc gieo neo/ Cùng chung số phận khó nghèo ấy thôi/ Tình thương bao phủ đây rồi/ Ánh sáng văn hóa cho đời “nở hoa”.

Võ Văn Dần