"Cự sưu, kháng thuế" - sự kiện lịch sử chấn động trung kỳ

Thứ năm, 17/07/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm nổi dậy “cự sưu, kháng thuế” dưới sự chủ trì của Giáo sư Sử học Dương Trung Quốc được tổ chức tại H. Đại Lộc (Quảng Nam) ngày 17-7 đã thu hút sự tham gia của những nhà nghiên cứu và nhiều chuyên gia đầu ngành trên cả nước. Các đại biểu đã mang đến Hội thảo những cứ liệu lịch sử quý báu và cách đánh giá, nhìn nhận sâu sắc về tính chất và tầm ảnh hưởng của sự kiện này.

Diễn biến của sự kiện được nhiều tài liệu ghi nhận, do bức xúc trước sự bóc lột hà khắc của bộ máy thực dân phong kiến bằng các khoản sưu thuế nặng nề, trong buổi ăn giỗ tại nhà ông Lương Châu (làng Phiếm Ái, nay thuộc xã Đại Nghĩa), một số hào lý và sĩ dân trong vùng là Trương Côn, Hứa Tạo, Trương Hoành... khởi xướng việc làm đơn trình quan huyện để chuyển đạt lên tỉnh cùng Tòa Công sứ Pháp xem xét giảm bớt gánh nặng sưu thuế cho dân. Có đến 35 hương chức trong huyện cùng ký tên vào tờ đơn này.

Sáng 11-3-1908, nông dân một số xã ở Đại Lộc cơm đùm sắn luộc kéo về huyện đường Đại Lộc đưa đơn yêu cầu giảm sưu, giảm thuế. Nhưng tri huyện Đại Lộc được tên lý trưởng làng La Đái có mặt trong buổi ăn giỗ lén báo trước nên đã tránh mặt, đồng thời sai lính bắt Hứa Tạo - người cầm đơn khiếu kiện. Nhiều người xông vào công đường để giải thoát cho Hứa Tạo nhưng không được nên la ó, chửi bới tri huyện và kéo về Tòa Công sứ Pháp tại Hội An đưa yêu sách. Dọc đường, có thêm hàng trăm người dân tham gia vào đoàn biểu tình.

Trước tình hình căng thẳng, Công sứ Pháp Eugene Charles hứa hẹn sẽ báo lên Khâm sứ Trung Kỳ và toàn quyền Đông Dương xem xét và đề nghị người dân giải tán. Nguyện vọng không được đáp ứng, nhân dân không chịu ra về. Theo các sử liệu, đến ngày 13-3, số người bao vây Tòa Công sứ lên đến cả ngàn người, bao gồm nhân dân 3 tổng Quảng Hòa, An Lệ, Phú Mỹ phủ Duy Xuyên và người dân một số xã của phủ Điện Bàn cũng kéo về Hội An phối hợp với nhân dân Đại Lộc. Được lệnh của Piel - Tổng chỉ huy quân đội chiếm đóng Pháp ở Đông Dương tại Hà Nội - Charles đã cho dùng vũ lực để trấn áp, bắt giam 6 người dẫn đầu cuộc biểu tình. Đoàn biểu tình cử người đi khắp 7 phủ huyện trong tỉnh vận động nhân dân kéo về Hội An đấu tranh. Khẩu hiệu “xin sưu” chuyển thành khẩu hiệu chống sưu cao thuế nặng...   

 Đình làng Phiếm Ái -
nơi khởi đầu của phong trào chống thuế 1908. Ảnh: L.H.A

10 ngày sau cuộc biểu tình xin xâu đầu tiên của người dân Đại Lộc, tại tỉnh thành La Qua (Vĩnh Điện), quần chúng đã kéo đến nhà tổng đốc Quảng Nam Hồ Đắc Trung yêu cầu can thiệp với Công sứ Pháp giảm sưu, giảm thuế cho dân. Ngày 23-3-1908, quần chúng tràn vào phủ đường Điện Bàn bắt tên tri phủ cùng đi xin sưu, xin thuế cho dân. Charles đã cử một đội lính tập giải cứu tri phủ Điện Bàn và đàn áp làm 3 người chết đuối. Lúc ấy, ở Hòa Vang, phong trào diệt ác diễn ra mạnh mẽ. Ông Ích Đường - cháu nội danh tướng Ông Ích Khiêm - dẫn đầu trong huyện cùng dân làm sưu trên đường Túy Loan - Cẩm Toại vây bắt Lãnh Điềm - một tên gian ác khét tiếng - nhưng tên này đã kịp chạy trốn. Ông Ích Đường còn dẫn đầu đoàn nông dân vây bắt và trừng trị chánh tổng Gia Cốc (Đại Lộc) là Trần Quát và có mặt ở nhiều điểm “nóng” của cuộc đấu tranh. Về sau, chẳng may Ông Ích Đường bị Pháp bắt được, giải về chợ Túy Loan xử chém.

Dù bị đàn áp thô bạo nhưng nhân dân các địa phương khác ở Quảng Nam như tiếp tục đấu tranh, diệt ác. Khiếp đảm trước dũng khí của nhân dân, đề đốc Tam Kỳ Trần Tuệ hộc máu mà chết. Từ Quảng Nam, phong trào “cự sưu, kháng thuế” đã lan vào Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; lan ra TT-Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa..., làm rúng động bộ máy cai trị của đế quốc xâm lược và chính quyền tay sai Nam triều, tác động mạnh mẽ đến tinh thần chống Pháp và bọn tham quan ô lại của nhân dân các tỉnh miền Trung...

David Marz - nhà Việt Nam học nổi tiếng của Australia - đã viết đại ý rằng, phong trào chống thuế năm 1908 có một tầm quan trọng vô giá. Những cuộc biểu tình và bạo động ấy thể hiện sự mở đầu một thời đại mới. Sự khởi đầu đó như là kết quả sự truyền bá tiến bộ của giới sĩ phu. Theo nhà sử học Pháp J. Chesneaux, “vụ kháng thuế năm 1908 là cuộc khởi nghĩa vô sản trong khi các phong trào khác chỉ là hiện tượng tiểu tư sản”. Ngay cả thực dân Pháp khi đó cũng phải thừa nhận tính chính nghĩa của cuộc biểu tình chống thuế năm 1908.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra thêm nhiều sử liệu để nhận định sự kiện “cự sưu, kháng thuế” năm 1908 ở Quảng Nam không phải là sự bột phát nhất thời, mà có sự ấp ủ trong một thời gian tương đối dài và có sự liên hệ với phong trào Duy Tân (do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng) mà trực tiếp là Đỗ Đăng Tuyển, người phụ trách Duy Tân hội từ phía nam TT-Huế trở vào. Tài liệu của Phó khâm sứ Trung Kỳ thời điểm đó cho thấy, bọn mật thám Pháp đã theo dõi những nhân vật của phong trào Duy Tân được cho là đứng đằng sau sự kiện này từ năm 1906. Điều này càng được khẳng định qua việc thực dân Pháp đã bắt cụ Phan tại Hà Nội, đưa về Huế kết án chung thân và chém Trần Quý Cáp tại Khánh Hòa dù thời điểm xảy ra sự kiện, những người này đều không có mặt tại Quảng Nam... Nhiều nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo thống nhất quan điểm: xin xâu chỉ là hình thức; thực chất, sự kiện này là “cự sưu, kháng thuế”, là một sự kiện mang tính chất cách mạng mà vùng đất Quảng Nam trung dũng kiên cường đã đi đầu.

Quang cảnh Hội thảo khoa học “100 năm phong trào chống sưu thuế”. Ảnh: T.LAI 

Thân Lai