Cử tri đang chờ xử lý những vấn đề dân sinh nổi cộm
* Tại kỳ họp thứ 10 cuối năm 2022 này, HĐND TP sẽ thảo luận, thông qua một số Nghị quyết quan trọng như quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và kế hoạch đầu tư công năm 2023; dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn và phân bổ ngân sách địa phương năm 2023… |
Kiểm soát giá, nới lỏng vay vốn
Người dân Đà Nẵng đang lo lắng về giá xăng dầu tăng dẫn tới giá cả lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu tăng theo, nhất là vào dịp trước Tết Nguyên đán, ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, người dân lo lắng việc quản lý thông tin cá nhân của công dân trên ứng dụng công dân số không chặt chẽ dẫn đến tình trạng một số tổ chức lừa đảo qua số điện thoại cá nhân và quấy rầy người dân nhiều lần gây bất ổn đời sống. Theo đó, tình hình tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, phát tán các video clip phản cảm, độc hại; tội phạm về ma túy, "tín dụng đen" cho vay nặng lãi còn diễn biến phức tạp.
Sau đại dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tuy vậy việc tiếp cận nguồn vốn vay, vốn hỗ trợ để khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất theo chủ chương của Chính phủ, cũng như chính sách đặc thù của thành phố rất khó. Theo UBMTTQVN TP Đà Nẵng, đến thời điểm giám sát, toàn thành phố mới có 39 doanh nghiệp và 98 lượt người sử dụng lao động được giải quyết cho vay để trả lương cho 11.899 lượt lao động; thời gian cho vay đối với người sử dụng lao động tối đa dưới 12 tháng là quá ngắn khó có thể giải quyết được khó khăn và phục hồi sản xuất.
Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp trong các lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, và xuất khẩu lao động và một số lĩnh vực khác… đều chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch và thỏa thuận với người lao động nghỉ việc không hưởng lương hoặc chấm dứt hợp đồng lao động do chưa thể khôi phục kinh doanh nên không đủ điều kiện để được vay vốn. Chưa kể, hiện nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do ít đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất, phải giảm nhân công lao động; nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất, nguy cơ lạm phát tăng cao, tình trạng người lao động rút BHXH 1 lần ngày càng nhiều...
Từ thực tế đó, cử tri đề nghị TP quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn (đang có xu hướng tăng lãi suất) cho doanh nghiệp. Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tiếp tục xây dựng nhiều chính sách cho vay ưu đãi, tạo điều kiện để doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất, đi vào hoạt động, ổn định đời sống cho người lao động. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang khuyến khích thanh niên khởi nghiệp, tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách thành phố còn hạn chế do nhiều thủ tục phức tạp.
Xử lý công trình dang dở dai dẳng
Một vấn đề nổi cộm khác người dân thành phố bức xúc, phản ánh nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Đó là tình trạng ngập úng, các điểm ô nhiễm môi trường, nhiều công trình, dự án chậm trễ, kéo dài, gây khó khăn cho cuộc sống người dân. Có những dự án đã triển khai trên dưới 20 năm vẫn chưa xong, như Dự án Tuyến đường Trục I Tây Bắc được hình thành từ năm 2002 với chiều dài toàn tuyến là 4.302,73m. Quyết định thu hồi đất các hộ giải tỏa từ năm 2004, đến nay vẫn chưa giải tỏa xong. Tương tự là dự án Làng Đại học tại quận Ngũ Hành Sơn đã 25 năm. Ngoài ra còn nhiều dự án khác. Các dự án treo dai dẳng, một số khu vực thấp trũng, nhà cửa tạm bợ dễ dẫn đến nguy cơ thiệt hại về người và tài sản nếu có mưa lũ và bão lớn xảy ra, đời sống nhân dân đang rất khó khăn, bức xúc.
Trong khi đó, qua giám sát của UBMTTQ TP cho thấy, tỷ lệ giải ngân đầu tư công rất chậm, chủ yếu dồn về các tháng cuối năm, lại trúng mùa mưa bão, mặc dù đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, trong đó vướng mắc lớn nhất vẫn là công tác đền bù giải tỏa, chậm cả về tiến độ thực hiện và kế hoạch vốn được giao. Một số dự án do các khó khăn khách quan về thủ tục, mặt bằng đã đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn, tạm dừng giải ngân đã làm ảnh hưởng chung đến tiến độ giải ngân của thành phố. Bên cạnh đó, với sự biến động về giá cả nguyên vật liệu, giá xăng dầu tăng; các dự án chuyển tiếp nhiều năm và các dự án mới tiếp tục vướng mắc về mặt bằng, công tác đền bù giải tỏa; các thủ tục đầu tư, dự toán, đấu thầu, thủ tục lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng; năng lực của các đơn vị tư vấn, tổ chức thi công, công tác quản lý của các ban quản lý dự án còn hạn chế; có tình trạng khan hiếm nguồn cung phục vụ công trình… là các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân trong thời gian vừa qua.
Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, người dân cũng kiến nghị HĐND thành phố xem xét quyết nghị các giải pháp cụ thể theo hướng cần tập trung hơn nữa các dự án trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải trong đầu tư vừa kém hiệu quả, vừa gây ra chậm trễ cho các dự án, phát sinh tăng nhiều chi phí; thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ hơn nữa việc phân công, phân cấp và giao quyền, phân công trách nhiệm cho người đứng đầu phụ trách lĩnh vực và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng dự án. Đồng thời, cũng kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn năm 2022 để tạo đà, rút kinh nghiệm trong giải ngân nguồn lực đầu tư công năm 2023; chú trọng công tác giao vốn, đôn đốc việc triển khai, xem xét năng lực nhà thầu và cam kết tiến độ thi công, nhất là công trình động lực, trọng điểm của thành phố và công trình phục vụ dân sinh.
Giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ, thiếu trường lớp
Việc thu hút bác sĩ vào các bệnh viện công hiện rất khó khăn, trong khi nhiều khu vực thiếu trường lớp, đang là những vấn đề xã hội, người dân thành phố đặc biệt quan tâm. Trước thực trạng hiện nay y, bác sĩ bệnh viện công nghỉ việc ra làm ở bệnh viện tư nhân ngày càng nhiều, đây là nguồn nhân lực có đòi hỏi cao về y thuật lẫn y đức, thời gian đào tạo dài hơn nhiều ngành nghề khác, nên thành phố cần có giải pháp hỗ trợ về chế độ tiền lương và đãi ngộ xứng đáng nhằm "giữ chân" đội ngũ cán bộ và lực lượng lao động đặc thù này, đảm bảo việc khám, chăm sóc và điều trị bệnh cho người dân thành phố.
Hiện nay, tình trạng thiếu hụt giáo viên bậc tiểu học (nhất là trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu), dẫn tới việc tổ chức dạy bán trú giữa các trường trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều bất cập, không thống nhất giữa các trường, ảnh hưởng thời gian đưa đón con của phụ huynh, nhất là những phụ huynh là công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp gây ảnh hưởng đến việc làm và việc đưa đón các cháu. Đơn cử tại phường Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu), dân số khá đông, con em trong độ tuổi đi học rất lớn nhưng các trường học trên địa bàn không đủ đáp ứng nhu cầu. Tương tự, tại Hòa Vang, trường THPT Phạm Phú Thứ quá tải, hơn 4 ngàn học sinh không đỗ vào công lập sẽ đi về đâu, nhất là 4 xã phía Tây Bắc của huyện. Từ thực tế đó, ngươi dân kiến nghị TP cần bố trí quỹ đất để kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng trường học, các trung tâm đào tạo nghề hoặc GDTX, ưu tiên thực hiện sớm việc đầu tư mở thêm phòng học tại trường THPT Phạm Phú Thứ.
HẢI QUỲNH